Phóng sự

Lợi bất cập hại khi tìm đến dịch vụ 'đòi nợ thuê'

15:36, 20/05/2017 (GMT+7)
Những năm gần đây, dịch vụ “đòi nợ thuê” phát triển rất mạnh với nhiều biến tướng khó lường. Bên cạnh việc núp bóng công ty, dịch vụ “đòi nợ thuê” còn công khai lập những fanpage, sử dụng trang mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng.
 
Lợi nhuận khủng từ việc đứng ra thu hồi các khoản nợ đã khiến nhiều đối tượng, băng nhóm bất chấp pháp luật để đạt mục đích. Rõ ràng nhu cầu lấy lại tài sản của mình là chính đáng nhưng mỗi người cần cân nhắc kỹ càng trước khi nhờ đến “dịch vụ đen” để tránh hậu quả đáng tiếc.
 
Dễ dàng tìm người đòi nợ thuê
 
Khi mà kinh tế có nhiều biến động, kéo theo rất nhiều khoản nợ xấu khó đòi, dịch vụ đòi nợ thuê cứ thế hình thành và phát triển rất mạnh mẽ. Để lôi kéo, mời chào khách hàng, dịch vụ đòi nợ thuê này quảng cáo trên internet rất rầm rộ, đồng thời nhiều công ty đòi nợ gửi thư ngỏ đến tận các doanh nghiệp, cá nhân với lời mời có cánh như: “Nơi tài chính hồi sinh”; “Ở đâu có nợ, ở đó có chúng tôi”; hay “Tiền phải được về với chủ”…
Một trang facebook quảng cáo khá công khai “dịch vụ” đặc biệt này.
Một trang facebook quảng cáo khá công khai “dịch vụ” đặc biệt này.
Truy cập vào mạng internet, chỉ cần một cái click chuột với từ khóa “đòi nợ thuê” sẽ cho ra cả triệu thông tin về dịch vụ này với hàng trăm công ty đòi nợ thuê nằm rải khắp cả nước. Nhiều nhất phải kể đến Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
 
Trong một buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công an vào năm 2016, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho hay: Trong năm 2016, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có xu hướng co cụm, núp bóng doanh nghiệp dịch vụ cầm đồ và dịch chuyển sang các địa bàn khác, móc nối với các băng nhóm, đối tượng hình sự tại địa phương để thực hiện các hoạt động đòi nợ thuê, cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc trái phép.
 
Không những vậy, một số người lập hẳn những fanpage để dễ dàng tiếp cận với khách hàng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì những fanpage này chỉ là của một số nhóm người làm ăn cò con, nhỏ lẻ, đòi nợ chủ yếu bằng hình thức dọa dẫm, đâm thuê chém mướn.
 
Chúng tôi mạnh dạn vào một trang facebook có tên “Đòi nợ - cho vay lãi” với mục đích nhờ đòi nợ. Sau khoảng 2 ngày khi để lại comment, nhắn tin, chủ tài khoản này mới trả lời với giọng điệu hết sức cảnh giác: “Bác có thiện chí thì đến gặp trực tiếp, bọn em chăm sóc kỹ càng. Mọi liên hệ, giao dịch bên em muốn làm việc cụ thể và không qua gọi điện”. Sau một hồi nhắn tin qua lại, chủ tài khoản này cho hay, chỉ giúp đòi nợ và ăn phần trăm, những chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện khách hàng phải chi trả. Tỏ ra lo ngại về cách thức đòi nợ, sợ liên quan đến pháp luật, chủ tài khoản này trấn an: “Bác cứ an tâm, cái này bọn em ý thức hơn ai hết. Không may dùng vũ lực thì cũng chỉ dọa chút chút thôi. Có gì cụ thể cứ đến gặp bọn em trực tiếp nhé. Bọn em làm ăn có uy tín rồi, không bao giờ làm liên lụy đến các bác đâu mà lo. Qua tay bọn em tiền sẽ trở về với chủ”.
 
Để tiếp tục thâm nhập vào thế giới “đòi nợ thuê” chúng tôi liên lạc với Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi nợ T.T, công ty này có văn phòng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Chúng tôi gọi điện đến số 097567… thì được một nhân viên nữ tư vấn hết sức cặn kẽ.
Nhóm đòi nợ thuê bằng “bom bẩn” vừa bị Công an phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt giữ.
Nhóm đòi nợ thuê bằng “bom bẩn” vừa bị Công an phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt giữ.
Nhân viên này cho biết: “Đây là địa chỉ uy tín, quý khách đã tìm đến đúng địa chỉ vàng nếu mong muốn đòi được nợ nhanh chóng, chi phí lại cực thấp”.
 
Sau khi nói chuyện sơ bộ về tình trạng nợ, thông tin về con nợ, nhân viên này đưa ra 2 phương án: Nếu đồng ý, phía công ty sẽ ký hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ được trả tiền ngay và không còn liên quan gì đến suốt quá trình thu hồi nợ của công ty.
 
Phương án hai là khách hàng thuê hoàn toàn công ty này thu hồi nợ với chi phí dịch vụ lên tới 45- 50% giá trị khoản nợ, đòi được đến đâu sẽ thanh toán phí đến đó. “Phương án này có thể có những thay đổi, vì thu hồi nợ sẽ lâu hơn do không gom được tiền cả cục. Số nợ sẽ bị chia nhỏ làm nhiều lần, những lần đòi này chi phí phía khách hàng phải thanh toán, gọi là công tác phí” – nhân viên này nói thêm.
 
Thấy chúng tôi vẫn tỏ ra băn khoăn về cách thức thu hồi nợ mà rất nhiều công ty khác đã sử dụng, nhân viên này cho rằng, tất cả hoạt động của công ty đều tuân thủ pháp luật. Nếu có làm gì thì cũng chỉ là cảnh cáo, không làm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của con nợ.
 
Hơn nữa khi có hợp đồng rồi, chủ nợ sẽ không còn liên đới gì nữa, mọi trách nhiệm thuộc về phía công ty. “Bên em làm ăn chuẩn chứ không chộp giật, làm một lần cho xong, ảnh hưởng đến khách hàng và vi phạm pháp luật. Nếu anh đồng ý em sẽ cho người đến trực tiếp trao đổi và làm việc cụ thể” – trước khi kết thúc cuộc trao đổi, nhân viên tư vấn nhấn mạnh.
 
Cũng với cách thức đó, chúng tôi liên hệ với Công ty Dịch vụ thu hồi nợ T.A trên địa  bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), một người đàn ông tên M. tư vấn rất nhiệt tình. Anh M cho hay, phía công ty anh sẽ có những cách thức đòi nợ chuyên nghiệp, nhanh chóng mà không bao giờ để ảnh hưởng đến chủ nợ. Chúng tôi ngỏ ý muốn đòi khoản nợ 1 tỷ đồng, M cho hay phí phải trả là 40% cho khoản nợ đó.
 
Bên cạnh đó chúng tôi phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng tiền công tác phí, riêng khoản này phải ứng trước. Anh M giải thích về khoản phí 15 triệu: “Thực ra đây là chi phí cho anh em cắm chốt tại địa bàn.
 
Họ phải đi xác minh nhiều nguồn, xem khả năng của con nợ ra sao, họ có khả năng chi trả không. Bên cạnh đó phải tính phương án phù hợp nhất để đòi. Anh cứ yên tâm, chúng tôi đã làm là phải xong, chi phí ban đầu như vậy là quá rẻ so với mặt bằng chung hiện nay rồi đó”.
 
Hậu quả khôn lường
 
Hiện nay ngoài những khoản nợ được thực hiện bằng miệng, không có các văn bản pháp lý thì không ít khoản vay mượn còn vi phạm pháp luật do liên quan đến cầm cố tài sản và cho vay nặng lãi. Vì thế, thay vì việc khởi kiện ra tòa, nhiều chủ nợ đã chấp nhận mất phí để nhờ cậy “dịch vụ đen – đòi nợ thuê”.
 
Rõ ràng đây là cách giúp chủ nợ không bị xử lý về mặt hành vi cho vay nặng lãi, không bị tòa án áp dụng mức lãi cơ bản của Ngân hàng Nhà nước cho khoản nợ khó đòi. Các chủ nợ còn thu hồi tối đa số tiền bao gồm cả gốc cả lãi.
 
Nguyên nhân nữa khiến dịch vụ này phát triển mạnh là do hầu hết các con nợ khi bị phá sản thường vay mượn của rất nhiều người, chủ nợ không muốn mình là “trâu chậm uống nước đục” nên đã nhờ cậy mối quan hệ xã hội đen để thu nợ.
 
Đã từng có trường hợp con nợ thắt cổ tự tử ngay tại nhà chủ nợ, như trường hợp tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, khiến những người muốn sử dụng “dịch vụ đen” phải suy nghĩ lại. Do hành động côn đồ của những người làm dịch vụ đòi nợ thuê khiến người ta có thể từ chủ nợ biến thành người phạm tội.
 
Nhắc lại vụ con nợ thắt cổ chết tại nhà chủ nợ tại quận Đống Đa, xuất phát từ việc Trương Kim Nhung cho ông Đỗ Mạnh Hoan (Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) vay 460 triệu đồng. Việc trả lãi chỉ được ông Hoan thực hiện ít tháng, sau đó không còn khả năng do mức lãi quá lớn.
 
Nhung đã nhờ một số đối tượng đứng ra đòi nợ thuê và ép ông Hoan phải viết giấy nợ với số tiền 1,5 tỷ đồng cho Chu Anh Tuấn (SN 1976, phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Số tiền này gồm tiền gốc và tiền lãi mà ông Hoan nợ Nhung nhưng được “bán lại” cho Tuấn.
Một vụ đòi nợ thuê bằng quan tài tại Hải Dương.
Một vụ đòi nợ thuê bằng quan tài tại Hải Dương.
Do ông Hoan thường xuyên tránh mặt, Nhung cùng chồng đã bắt ông Hoan đưa về nhà riêng (số 98 Thái Hà). Họ ép ông Hoan phải bán nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc để trả nợ, đồng thời vợ chồng Nhung giam lỏng, đánh đập con nợ. Do không chịu được, ông Hoan đã thắt cổ tự tử tại nhà Nhung.
 
Không chỉ những chủ nợ trở thành kẻ vi phạm pháp luật mà các đối tượng thực hiện hành vi này cũng nhiều phen rước họa. Như vụ án Nguyễn Quốc Bình – đối tượng đòi nợ thuê bị chém chết trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa cũng là trường hợp như vậy.
 
Theo đó, Nguyễn Đình Sơn Vương (51 tuổi, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) có vay của chị Nguyễn Thị Vân Anh (37 tuổi, trú tại khu tập thể Phương Liên, quận Đống Đa) 350 triệu đồng. Một thời gian Sơn mới chỉ trả được chị Vân Anh 200 triệu đồng, còn nợ 150 triệu.
 
Sau nhiều lần khó đòi, chị Vân Anh có nhờ Nguyễn Quốc Bình (34 tuổi, phường Tràng Thi, thành phố Nam Định) đứng ra đòi nợ. Bình đã dùng súng đe dọa nhưng đều bất thành, sau đó y đã gọi thêm 2 đối tượng khác đến đòi nợ Vương.
 
Thấy tình hình căng thẳng, Vương gọi điện cho Nguyễn Quang Hải (42 tuổi) và Nguyễn Trung Hiếu (34 tuổi, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đến hỗ trợ. Vừa đến phố Xã Đàn, thấy Vương đuổi theo anh Bình nên Hải và Hiếu đã dùng dao, kiếm đâm chém nhiều nhát khiến anh Bình tử vong.

Nguồn: Phong Anh/Báo CAND

Các tin khác