Phóng sự

Xung quanh việc phá hoại khối đại đoàn kết của Đặng Hữu Nam: Có những hiện thực rất khác!

08:26, 17/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong rất nhiều lời rao giảng với các giáo dân, linh mục Đặng Hữu Nam đã đưa ra nhiều luận điệu nhằm phản đối chính quyền, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ khối đoàn kết lương giáo. Hành động của linh mục Đặng Hữu Nam không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn bó bao đời giữa bà con lương giáo trên địa bàn.

Trên thực tế, tại Quỳnh Lưu, bà con giáo dân vẫn hàng ngày, hàng giờ tích cực tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới, xuất hiện nhiều tấm gương tích cực đảm bảo ANTT, nỗ lực bám biển vươn khơi. Và cũng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhiều hộ giáo dân có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhiều con đường tại các giáo xứ đã rất khang trang, sạch sẽ
Nhiều con đường tại các giáo xứ đã rất khang trang, sạch sẽ

1. Chị Nguyễn Thị Hiển (SN 1977) trú tại xóm 8, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu là hộ nghèo của xã. Chị là con thứ 2 trong gia đình có 7 người con, cuộc sống nông nghiệp chỉ biết dựa vào ruộng đồng, quanh năm tất tả nên đói nghèo liên miên. Rồi chị lập gia đình, sinh con và cũng như ông bà, bố mẹ, cuộc sống chẳng khá lên được. Có thời điểm, căn nhà chưa đến 30 m2 có đến 15 người sinh sống, từ người già đến trẻ nhỏ. Mơ ước về một mái ấm khang trang, sạch sẽ của gia đình nói chung và chị Hiển nói riêng, xem ra còn rất xa vời.

Thấu hiểu rõ nỗi niềm của gia đình chị, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với Hội Phụ nữ huyện đã hỗ trợ chị Hiển 40 triệu đồng để xây dựng mái ấm. Từ lúc khởi công, thành viên của các ban, ngành, đoàn thể, mỗi người một tay, cùng chung sức giúp đỡ chị Hiển. Sau 3 tháng xây dựng, căn nhà đã hoàn thiện trong niềm vui khôn xiết của chị Hiển và người thân. Mẹ chị, người phụ nữ bao năm vất vả, nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” chia sẻ: “Cảm ơn chính quyền, cảm ơn mọi người đã quan tâm, giúp đỡ để gia đình bớt vất vả hơn. Từ nay, có chỗ ở khang trang, sạch sẽ rồi”.

Xã Quỳnh Yên có trên 50% dân số là giáo dân, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, chính quyền các cấp, mặt trận Tổ quốc đã tích cực vận động bà con áp dụng, triển khai nhiều mô hình sản xuất mới, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống. Riêng trong năm 2016, nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện, xã, có 2 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, với mức hỗ trợ từ 20 - 40 triệu đồng/hộ. Với những gia đình trên, đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp họ vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hiển (xóm 8, xã Quỳnh Yên) do UBND và Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ xây dựng
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hiển (xóm 8, xã Quỳnh Yên) do UBND và Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ xây dựng

2. Trong năm 2016, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu đã hỗ trợ 173 triệu đồng làm 20 nhà đại đoàn kết cho các gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn; cứu trợ 3 gia đình ở giáo xứ Phú Yên (An Hòa), Hội Nguyên (Quỳnh Hồng) bị mất tích và đuối nước trên biển, mỗi gia đình 5 triệu đồng. Mặt trận các xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể tín chấp cho hội viên vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi, phát triển ngành nghề, duy trì làng nghề mây trẻ đan Trúc Vọng (Quỳnh Thanh), sản xuất mộc cao cấp Thượng Nguyên (Quỳnh Hồng), Thuận Giang (Quỳnh Hưng), chế biến nước mắm Phú Yên (An Hòa).

Ngoài ra, các giáo xứ Mành Sơn (Tiến Thủy), giáo họ Văn Thai (Sơn Hải) còn phát triển nghề khai thác chế biến hải sản, có trên 200 ha nuôi ngao, đã tạo thêm 300 lao động có việc làm thường xuyên. Nhiều cá nhân được vay các nguồn vốn đi xuất khẩu lao động đã giúp gia đình thoát nghèo, tiếp tục tạo nguồn vốn phát triển sản xuất.

Ngoài vận động đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, chính quyền các cấp còn hỗ trợ mua bò và phương tiện sản xuất cho hộ nghèo khó khăn vùng giáo. Tại một số xã chuyên sản xuất nước mắm, huyện đã hỗ trợ 5.000.000 đồng/gia đình để mua thùng sản xuất nước mắm. Tiêu biểu như tại các xã An Hòa, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải…

3. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, bà con giáo dân ở Quỳnh Lưu còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Những con số thống kê đã phần nào nói lên nỗ lực của bà con trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua yêu nước tại huyện Quỳnh Lưu: Bà con giáo xứ Thuận Nghĩa (xã Quỳnh Lâm), Tân Lập (thị trấn Cầu Giát), Phú Xuân (xã Quỳnh Tam) ủng hộ trên 300 triệu đồng xây dựng 2 km giao thông trong xứ; trong đó UBND huyện hỗ trợ giáo xứ Thuận Nghĩa 200 tấn xi măng, giáo xứ Tân Lập 100 tấn, giáo xứ Phú Xuân 30 tấn. Ngoài ra, có 203 hộ giáo dân ở các xã, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Bảng, An Hòa, Quỳnh Yên, Quỳnh Hồng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Diễn, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thanh hiến 1.723 m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 16 giáo xứ và 35 giáo họ với hơn 8.500 hộ giáo dân, sinh sống ở 51 khu dân cư thuộc 15 xã, thị trấn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều giáo xứ, giáo họ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang vận động bà con giáo dân thi đua phát triển kinh tế, tích cực đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nhiều công trình phúc lợi.

Điển hình như tại giáo xứ Tân Lập, thị trấn Cầu Giát đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi, như Công ty TNHH của ông bà Vương Thúy tại khối 7; dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng ôtô của ông Bùi Lạc ở khối 8; kinh doanh xe máy của ông bà Thiều Thoa ở khối 6… Đời sống của bà con cũng từng bước được nâng lên rõ rệt.  Cách đây 5 năm, thu nhập bình quân của bà con giáo dân từ 17 - 19 triệu đồng/người/năm thì nay đã được cải thiện, lên mức 21 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3%. Nhiều người Công giáo là đại biểu HĐND các cấp: 3 người là đại biểu HĐND cấp huyện; 68 người là đại biểu HĐND xã, thị trấn; 9 người là ủy viên MTTQ huyện, 113 người là ủy viên MTTQ xã…

Theo ông Nguyễn Hữu Viên, Chủ tịch MTTQ huyện Quỳnh Lưu, vừa qua, MTTQ huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức Hội nghị phong trào thi đua người Công giáo sống tốt đời đẹp đạo ở 15 xã, thị trấn. Theo đó, đã có 800 đại biểu là bà con giáo dân, 60 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ được biểu dương, khen thưởng.

4. Những giáo dân mà chúng tôi có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, đều có mong muốn lớn nhất là ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển sản xuất, gắn bó với làng nghề truyền thống từ bao đời. Bởi từ trước đến nay, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa bà con lương giáo vẫn được giữ gìn và phát huy.

Những câu chuyện về việc hỗ trợ nhau khi vươn khởi đánh bắt xa bờ, khi gặp thử thách giữa muôn trùng khơi xa; những sẻ chia, động viên cả về vật chất và tinh thần khi hoạn nạn, khó khăn; những quan tâm từ miếng cơm, chuyện học hành… Giữa họ, không có sự phân biệt tôn giáo mà chỉ có niềm tin và lòng yêu thương, sẻ chia - của những người con máu đỏ da vàng.

Với bà con, ai làm sai thì người ấy phải bị pháp luật nghiêm trị. Và cũng có điều luật vô hình đó chính là lương tâm. Kẻ nào lợi dụng đức tin của người dân để làm việc đen tối sẽ bị quả báo. Kẻ nào vì lợi ích bản thân mà chia rẽ khối đại đoàn kết sẽ bị quả báo. Và kẻ nào nhân danh Đức Chúa để ép buộc con chiên làm điều sai trái cũng sẽ bị quả báo…

TIN LIÊN QUAN

Trần Lâm

Các tin khác