Phóng sự

17849

"Bông hồng thép" của lực lượng Công an

10:38, 13/01/2012 (GMT+7)
Mỗi lần vào sào huyệt của bọn tội phạm, là mỗi lần đòi hỏi cả sự dũng cảm, bản lĩnh lẫn trí thông minh, vì chỉ có một mình chị, mà các tình huống đều không ai biết trước. Vì thế, chị đều phải tự nghĩ ra "kịch bản", rồi vừa làm "đạo diễn", vừa làm "diễn viên", để đối phó với các "phép thử" của bọn tội phạm. Chỉ cần một sơ sảy, là bọn tội phạm sẵn sàng "khai tử" nếu phát hiện chị là Công an.

Quả thật là tôi đã rất bất ngờ khi gặp chị, Trung tá Lê Bích Thủy - Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an quận Tây Hồ. Thậm chí, một chút hoang mang thoáng qua trong tôi. Không giống như tưởng tượng của tôi về người nữ sĩ quan được mệnh danh là một trong 3 "Bông hồng thép" của lực lượng Công an. Một tên tuổi gắn với hàng trăm chuyên án ma túy lớn, từng được nhận rất nhiều Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, UBND TP Hà Nội và là "Người phụ nữ xuất sắc của Công an Thủ đô" đây ư?

Mái tóc cắt ngắn, chiếc áo phông và quần bò dã chiến, đôi giày đế to và gương mặt ít biểu lộ cảm xúc. Trông giống như một "bà trùm" trong phim hình sự, chứ không thấy dáng dấp một sĩ quan Công an. Nhưng điều làm tôi bất ngờ hơn nhiều, khi người phụ nữ với vẻ ngoài rất mạnh mẽ này lại bối rối khi tôi ngỏ ý muốn đến thăm nhà chị, chỉ vì "chả có gì đáng giá trong nhà cả". Thậm chí, câu chuyện của chúng tôi đôi lần phải ngưng lại vì những tiếng nấc nghẹn của chị khi nhắc về cô con gái đã theo bố đi rất xa…

Chiều đông đã rét lại mưa, tôi và chị co ro trong cái góc làm việc bé nhỏ và khuất nẻo của chị trên tầng 3. Khi nói về công việc là chị say sưa như quên hết cả bao thăm thẳm của cõi đời, khiến cả 2 chúng tôi đều như quên cả cái giá buốt, cả tiếng bàn chuyện phá án sôi nổi của mấy tay trinh sát trẻ ở phía ngoài. Chị đưa tôi vào từng trận "đánh án" của chị một cách hào hứng, cứ như thể, mọi chuyện mới xảy ra hôm qua.

Từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh (Hà Tây cũ), cũng như nhiều cô gái mới lớn, Lê Bích Thủy cũng đầy lãng mạn với ước mơ sẽ thi vào Khoa Văn, Đại học Tổng hợp, rồi làm một phóng viên để có những bài viết vừa sâu sắc, vừa đầy ắp chất văn chương. Thế nhưng, bố mẹ chị đều là Công an, nên muốn con gái cũng nối nghiệp, vì ông bà tin rằng, môi trường Công an là nơi rèn luyện con người tốt nhất. Thế là Thủy vâng lời bố mẹ và không khó khăn gì để thi đỗ Đại học Cảnh sát. Ra trường, chị đã trải qua nhiều vị trí công tác, lúc thì ở Công an phường, khi về Công an quận, có thời gian lại làm giao thông trật tự, nhưng dù ở đâu, chị cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngay khi Công an quận Tây Hồ thành lập, chị đã là một trong những người đầu tiên về đây. Lúc Đội Cảnh sát ĐTTP về ma túy ra đời năm 1999, chị lại là nữ trinh sát duy nhất được phân công về Đội. Hơn 10 năm, chị đã tham gia đấu tranh, khám phá 218 vụ án, bắt 424 đối tượng, trong đó, 2 đối tượng truy nã cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, có tới 86 vụ ma túy chị trực tiếp vào tận hang ổ của tội phạm để trinh sát.

Năm 2000, vừa chân ướt chân ráo về Đội, chị đã được phân công tham gia truy bắt một đối tượng giết người cướp của đang lẩn trốn ở Hải Dương. Gần 20 năm công tác, nay mới làm trinh sát nên chị rất bỡ ngỡ, trong khi đối tượng là tội phạm chuyên nghiệp, rất xảo quyệt. Hắn trốn trong một cái chòi cá giữa cánh đồng nước mênh mông, nên việc tiếp cận hắn cực kỳ khó khăn. Chị Thủy được lệnh "nhử" hắn ra cổng làng cho đồng đội bắt.

Chị phải vào vai gái làng chơi để rồi tỉ tê rủ hắn ra khách sạn. Nhìn điệu bộ của chị, hắn không nghi ngờ gì, nên lấy xe máy chở chị đi. Trước khi đi, chị còn vờ lả lơi ôm hắn để kịp kiểm tra xem hắn có mang vũ khí không. Nhưng lại xảy ra tình huống không ngờ: lên xe là hắn phóng với tốc độ rất cao, khiến các trinh sát hỗ trợ không đuổi kịp, trong khi điểm phục kích của đồng đội đã gần trước mặt. Chị bảo hắn dừng xe cho chị hút thuốc, hắn không nghe. Chị liền vứt 1 chiếc dép để lấy cớ xuống nhặt, hắn cũng không giảm tốc độ.

Không thể để cho hắn thoát là mệnh lệnh vang lên trong đầu chị. Chỉ còn cách duy nhất là rút chìa khóa xe máy, dù rất nguy hiểm cho chính chị. Nhưng không do dự, đến đúng điểm phục kích, chị vươn người lên phía trước, giật chìa khóa xe máy ra, khiến chiếc xe đổ ập, chị cùng tên cướp ngã lăn xuống, chiếc xe đè lên chân chị đau điếng. Anh Nguyễn Hữu Biên, người đã lái xe taxi trong vụ bắt cóc con tin ở làng Việt Nhật năm nào, là người đầu tiên lao vào bắt tên cướp, còn các trinh sát khác đỡ chị lên và đưa đi băng bó.

Nhưng những vụ bắt ma túy còn nguy hiểm hơn nhiều. Mỗi lần vào sào huyệt của bọn tội phạm, là mỗi lần đòi hỏi cả sự dũng cảm, bản lĩnh lẫn trí thông minh, vì chỉ có một mình chị, mà các tình huống đều không ai biết trước. Vì thế, chị đều phải tự nghĩ ra "kịch bản", rồi vừa làm "đạo diễn", vừa làm "diễn viên", để đối phó với các "phép thử" của bọn tội phạm. Chỉ cần một sơ sảy, là bọn tội phạm sẵn sàng "khai tử" nếu phát hiện chị là Công an.

Mà thời gian phá một chuyên án, thường vài tháng, có khi hàng năm. Để tránh mọi sơ suất, trước khi đi, chị đều phải bỏ lại toàn bộ giấy tờ, điện thoại. Tay không, mà phải vừa bảo vệ được bản thân, vừa hoàn thành nhiệm vụ, lại còn phải bảo vệ được "tiền trưng" (tiền mang theo để "mua hàng", do đơn vị mượn của Công an Hà Nội hoặc vay ngân hàng trả lãi theo giờ), là nhiệm vụ vô cùng nặng nề với một nữ trinh sát. Thế nhưng, gần 100 lần trực tiếp vào hang ổ tội phạm, là ngần ấy lần chị chiến thắng trở về, đủ thấy được lòng quả cảm và sự mưu trí của chị.

Lần ấy, để xâm nhập đường dây buôn bán ma tuý lớn từ Sơn La về Hà Nội, chị Thủy phải vào tận "thủ phủ ma túy" Lóng Luông. Sau cả tháng trời theo dõi chị ở Sơn La, bọn chủ hàng mới đồng ý giao hàng. Giữa đêm đen như mực, một tên chở xe máy đưa chị đến nhà tên trùm nằm trong rừng giáp biên. Đến nơi, chị vừa mò mẫm leo lên sàn thì rợn người khi chợt thấy giữa nhà, dưới ánh đèn leo lét là gã đàn ông chủ nhà gầy như bộ xương khô ngồi nhìn chị chăm chăm.

Ngay sau đó, từ các cửa nhà, lần lượt hơn chục gã đàn ông như chui từ bóng tối vào ngồi quanh chiếc mẹt đủ loại ma túy. Chỉ một mình chị là phụ nữ trong căn nhà giữa rừng. Chị nóng lòng đợi giao hàng, nhưng chúng vẫn tìm cách thử bằng cách chỉ vào mẹt ma túy, hỏi: "Mày "chơi" hồng hay trắng?". Khi đó, hồng phiến còn là loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam và rất đắt, chỉ những kẻ có tiền mới dùng. Không "chơi" thì lộ, mà "chơi" thật thì chị đâu có biết cách!

Đúng lúc gay cấn thì chị chợt nhớ những lần hỏi cung các tội phạm ma túy nữ, họ hay có cái "mà" ở bẹn để tiêm ma túy, nên chị làm ra vẻ một kẻ nghiện nặng: "tao chích", rồi vờ thản nhiên kéo khóa quần tìm "mà". Mấy gã đàn ông sợ chị "làm thật" nên vội vàng: "Mày ra sau nhà đi". Chị kể, nghe câu ý là gánh nặng trên ngực chị vợi hẳn, nên vội mang bơm tiêm thuốc ra phía sau nhà chích vào… tường.

Lần khác, chị vào vai bà chủ, lại một mình vào hang ổ tội phạm "mua hàng". Dù đã thử thách đủ kiểu, nhưng trước lúc quyết định trao hàng, tên chủ hàng còn gí súng vào đầu chị: "Mày là Công an vào đây để nhử chúng tao chứ buôn bán gì!" Bằng kinh nghiệm và bằng cả linh cảm nghề nghiệp, chị Thủy biết ngay là hắn bắt nọn, nên vừa ung dung hút thuốc lá, vừa vắt chân lên bàn một cách trịch thượng: "Chúng mày thích bán thì tao mua, không thì thôi. Còn nếu định cướp tiền của tao thì cướp đi xem nào!" Nhìn bộ mặt không hề biết sợ với cách cư xử rất "anh chị", tên chủ hàng cuối cùng đã tin chị đích thị là dân buôn ma túy, để rồi sập bẫy.

Có lần, giờ G đã đến. Chỉ huy yêu cầu chuyên án phải kết thúc trong vòng một tiếng. 7 giờ tối chị vào đến nơi, anh em phục cách đó gần chục cây số chờ đợi, định đến 8h là xong như kế hoạch. Nhưng hôm đó, chúng đã không giao hàng mà còn giữ chị đến 2h sáng mới thả, khiến cả chị lẫn đồng đội đều hết sức lo lắng. Song, chính lần đó chị lại quan sát và nắm được qui luật của chúng là 2h sáng mới giao hàng chứ không sớm hơn. Nhờ thế mà chuyên án cuối cùng đã kết thúc với việc bắt quả tang 10 bánh heroin…

Chị bảo, khi đã nhận nhiệm vụ, không có gì ngoài quyết tâm hoàn thành công việc. Vì thế, dẫu luôn đối mặt với hiểm nguy, nhưng chưa bao giờ chị nao núng và đặc biệt, không bao giờ sợ tội phạm. Chính tâm thế đó giúp chị luôn vững vàng, tỉnh táo xử trí trước mọi tình huống. Cũng chưa một lần chị nghĩ đến thỏa hiệp hay đầu hàng trước những "viên đạn bọc đường" mà tội phạm luôn tìm cách tấn công chị.

Tôi không hiểu nổi sức mạnh nào để chị có thể vượt qua muôn vàn khó khăn, mà hoàn thành nhiệm vụ một cách đáng khâm phục như vậy? Bởi chị là một phụ nữ có hoàn cảnh khá đặc biệt, mà chỉ cân bằng được cuộc sống đã cần một nghị lực phi thường. Từ năm 1994, chị đã một mình nuôi 3 đứa con nheo nhóc với đồng lương eo hẹp. Chị từng phải đi rửa bát thuê để kiếm thêm tiền. Cuộc sống quá khó khăn, không nhà cửa, không tiền bạc, 4 mẹ con phải về sống nhờ ông bà ngoại. Nhưng rồi, các em chị cũng có gia đình, căn nhà nhỏ không thể chứa quá đông người, một lần nữa, 4 mẹ con chị lại dắt díu nhau đi tìm chỗ ở.

Thương hoàn cảnh của chị, anh Bá Hùng, Trưởng Công an quận Tây Hồ bây giờ, đã hỏi nhờ cho chị ở tạm trên mảnh đất ngoài bãi sông Hồng. Một căn nhà nhỏ được đồng đội giúp đỡ dựng lên làm nơi đi về cho 4 mẹ con. Nhưng ông Trời dường như vẫn tiếp tục thử thách sức chịu đựng của chị khi nỗi đau cứ chồng lên nỗi đau. Mấy năm trước, chồng chị mất chưa được bao lâu thì cô con gái thứ 2 bị tai nạn rồi lâm bệnh nặng. Dù chị cố gắng vay mượn để chạy chữa cho con, đồng đội cũng hết lòng giúp đỡ chị, nhưng cháu đã không qua khỏi sau nhiều năm tháng chị gắng sức giành giật với tử thần. Khi con gái yêu đã đi xa rồi, chị mới giật mình xót xa vì bao năm tháng các con còn nhỏ, chúng đã phải chịu thiệt thòi vì những chuyến công tác triền miên, dằng dặc của mẹ. Chị thương các con, nhưng không hối tiếc về sự dấn thân của mình cho công việc.

Nhìn căn nhà tạm bợ trên bãi sông Hồng của chị bốn bề xao xác gió, tôi hiểu hơn sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của chị. Nếu chỉ một vài lần chị tặc lưỡi trong chuỗi vụ án mà chị tham gia, chắc giờ này chị đã có một cuộc sống ổn định hơn, ít nhất là một ngôi nhà thực sự của mình, một nơi cho chị yên tâm đặt bàn thờ chồng và con, thay vì ở bấp bênh một nơi tít tắp ngoài bãi sông như thế này…


CSTC

Các tin khác