Phóng sự

Chuyển giá sự đan xen giữa kinh doanh và tội phạm

09:52, 16/05/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, chuyển giá cùng với sở hữu chéo là vấn đề đang tồn tại và gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này ở Việt Nam trong thập kỷ qua đã có những dấu hiệu của sự đan xen giữa kinh doanh và tội phạm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự.
 
Những thủ đoạn tinh vi, khó lường
 
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư (A84 - Bộ Công an), chuyển giá và tội phạm liên quan chuyển giá là vấn đề không mới đối với thế giới, nhưng đối với Việt Nam lại tương đối mới mẻ.
 
Chuyển giá là hành vi mang tính phổ biến toàn cầu, khi các tập đoàn, công ty đa quốc gia tiến hành đầu tư vào một quốc gia khác, bằng các “thủ thuật” tác động vào giá cả, “né” chính sách thuế nhằm thu lợi nhuận cao nhất…
 
Tại Hội thảo về “Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, chuyển giá, lợi ích nhóm và giải pháp phòng ngừa” do Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vừa qua, hầu hết các ý kiến đều đánh giá ở Việt Nam hiện tượng chuyển giá xuất hiện là do có sự chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như có các chính sách ưu đãi về thuế TNDN theo ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư trong nước.
Hiện tượng chuyển giá của DN FDI tại Việt Nam đã và đang diễn ra rất phức tạp (ảnh minh họa).
Hiện tượng chuyển giá của DN FDI tại Việt Nam đã và đang diễn ra rất phức tạp (ảnh minh họa).
Chuyển giá vừa là một phương pháp để tránh thuế TNDN hợp pháp, đồng thời có thể được sử dụng như thủ đoạn để trốn thuế TNDN. Ngoài ra, lợi dụng quyền tự định đoạt giá mua, giá bán, đã xuất hiện hiện tượng chuyển giá để mua lỗ của các công ty không có quan hệ liên kết nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc chuyển giá để tạo lãi giả trên thị trường chứng khoán. Các nhóm lợi ích này sử dụng chuyển giá như một thủ thuật để gia tăng lợi ích nhóm, không tạo ra giá trị mới cho xã hội.
 
Đặc biệt, về phía doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), họ tiến hành hoạt động chuyển giá, trốn thuế bằng các hình thức như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc thiết bị, thương hiệu, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, phí quản lý, đào tạo, quảng cáo, chi phí bảo lãnh, cho vay, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, làm cho đa số phía Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, DN trở thành 100% vốn nước ngoài.
 
Ngoài việc làm thất thu ngân sách Nhà nước, hoạt động chuyển giá còn gây bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh; làm gia tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến tỷ giá, dẫn đến số liệu thông tin báo cáo bị sai lệch, tác động xấu đến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô…
 
Một ví dụ điển hình trong vi phạm chuyển giá là vụ việc Tập đoàn Metro Cash & Carry Việt Nam bị phát hiện chuyển giá, trốn thuế, đồng thời bị cơ quan thuế của Việt Nam yêu cầu truy thu 507 tỷ đồng.
 
Theo tìm hiểu thì kết quả sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm của Metro Việt Nam là rất lớn, trong khi Metro Việt Nam vẫn mở rộng kinh doanh, cơ quan thuế đánh giá đây là DN có dấu hiệu chuyển giá. Metro Việt Nam bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2001. Từ năm 2001-2014, đơn vị kê khai lỗ trong hơn 10 năm…
 
Thực tế doanh thu năm 2013 Metro Việt Nam đạt 516 triệu euro (14.731 tỷ đồng), tăng 24 lần so với doanh thu năm 2002, nhưng trong thời gian hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam, công ty này liên tục báo lỗ, không đóng thuế TNDN.
 
Trong quá trình quản lý, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại công ty nhiều lần, kết quả đã điều chỉnh giảm lỗ: 835 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra năm 2014 cơ quan thuế đã yêu cầu công ty điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền 507 tỷ đồng…
 
Đáng chú ý, đầu tháng 8-2014, Tập đoàn Metro thông báo đã ký thỏa thuận bán Công ty Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro. Điều này cho thấy một xu hướng mới trong hoạt động của DN FDI là đầu tư, thực hiện hành vi chuyển giá để kiếm lời, sau đó chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.
 
Ngoài trường hợp điển hình của Metro Việt Nam thì hiện tượng chuyển giá của DN FDI tại Việt Nam đã và đang diễn ra rất phức tạp. Bởi hiện nay, trong ba loại hình DN hoạt động ở nước ta, khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ thua lỗ luôn cao nhất, có thời điểm lên đến 51% (năm 2008), trong 3 năm 2012-2014 xấp xỉ 48%. Thế nhưng, dù thua lỗ liên tục, nhiều DN FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hầu hết DN trong nước cùng ngành nghề lại có lãi.
 
Cơ quan thuế cũng đã vào cuộc chấn chỉnh, nhưng các giao dịch đáng ngờ của các DN, nhất là các tập đoàn đa quốc gia vẫn diễn ra hết sức tinh vi với những thủ thuật khó lường.
 
Theo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX & CN) TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31-12-2016, 17 KCX, KCN đang hoạt động thu hút FDI từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với 535 dự án còn hiệu lực.
 
Dù doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng trong quá trình phát triển (như tạo công ăn việc làm cho 200 ngàn lao động, trong năm 2016 xuất khẩu gần 6 tỷ USD, nhập khẩu hơn 5 tỷ USD) nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp FDI lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ vượt vốn điều lệ, trong khi đó doanh thu qua các năm đều tăng và vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Đây là dấu hiệu của hành vi chuyển giá.
 
Như trong 3 năm 2013-2015 các DN FDI tại các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh kê khai lỗ kinh doanh tương đối lớn, khoảng 31,4%. Tỷ lệ DN FDI kê khai lỗ và có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ chiếm khoảng 15,8% trong tổng số các DN đang hoạt động.
 
Về công tác thuế, theo thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, năm 2016, đơn vị này đã thanh tra, kiểm tra tại hơn 20.200 DN với số tiền thuế truy thu và phạt là 2.800 tỷ đồng.
 
Số liệu mới nhất là trong 4 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thanh tra, kiểm tra tại 5.335 DN với số thuế truy thu và phạt trên 1.360 tỷ đồng, tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2016. Đối với công tác thanh tra thuế, số thuế truy thu và phạt là 846,05 tỷ đồng đạt 39,7%, giảm khấu trừ 35,89 tỷ đồng, giảm lỗ 2.242,3 tỷ đồng.
 
Riêng hoạt động chuyển giá, trong năm 2016, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thu được 116 tỷ đồng từ giao dịch liên kết; 27 tỷ đồng từ doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng...
 
Cần một hệ thống thủ tục kiểm tra và xử phạt riêng biệt
 
Có thể nói, hiện tượng chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam đã và đang diễn ra rất phức tạp, rất nhiều DN FDI bị phát hiện nghi ngờ chuyển giá. Tuy nhiên, theo một số cán bộ thuế, việc thu thập thông tin để xử lý rất khó khăn, phức tạp.
 
Chẳng hạn, muốn có bằng chứng thì phải biết giá đầu vào cùng mặt hàng đó khi chuyển vào Việt Nam bao nhiêu và chuyển vào các nước khác là bao nhiêu. Điều này đòi hỏi phải tiếp cận được số liệu của công ty mẹ, đối chiếu với số liệu của chi nhánh tại Việt Nam để phát hiện ra những sai phạm.
 
Thế nhưng, việc tiếp cận với các cơ quan thuế của các nước (nơi đặt trụ sở công ty mẹ) để lấy thông tin là việc hết sức khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong nước (cơ quan thực hiện công tác hậu kiểm, kiểm toán, ngân hàng Nhà nước, hải quan...) cũng chưa thật sự hiệu quả.
 
Theo Thiếu tướng, GS.TS Trịnh Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, mặc dù quy phạm xử lý hành chính hoặc hình sự hiện nay chưa đề cập đến việc xử lý đối với hành vi chuyển giá.
 
Nhưng nhìn nhận dưới góc độ hệ quả của hành vi chuyển giá hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chuyển giá là hành vi xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế.
 
Hành vi này tiềm ẩn những mối nguy hại rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nên phải xem là hành vi vi phạm pháp luật. Hoàn toàn có thể căn cứ quy định Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xử lý nhóm hành vi nêu trên về tội trốn thuế…
 
Hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, đầu tư, về an ninh, trật tự của Việt Nam phải sớm nghiên cứu làm rõ thực trạng chuyển giá và pháp luật về phòng, chống chuyển giá ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, thiết lập một cơ chế cho việc kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá gây ra thiệt hại đến trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế.
 
Ngoài ra, để hoạt động chống chuyển giá hiệu quả hơn, cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng để có sự phối hợp đồng bộ; tăng mức phạt và công khai DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Đặc biệt là nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách để hình thành lực lượng cán bộ có kiến thức đủ tầm, có thể đấu tranh hiệu quả với các hình thức, phương thức chuyển giá rất tinh vi, phức tạp ở các DN.
 
Đại tá Lê Phước Trường, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hành vi vi phạm chuyển giá thường bị xử phạt theo các quy định chung của ngành Thuế mà chưa có một quy định riêng: “Có lẽ sẽ hiệu quả hơn nếu có một hệ thống thủ tục kiểm tra và xử phạt riêng biệt và tách rời cho chuyển giá”.

Nguồn: Phú Lữ - Công Bình/CAND

Các tin khác