Phóng sự
Ðường đi lắm khúc quanh co
08:01, 05/05/2017 (GMT+7)
Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu có tới 5 trạm thu phí. Xe con phải mất hai lần nộp phí cầu đường mỗi lần 20.000 đồng, ba trạm còn lại mỗi lần 15.000 đồng mới được qua đường.
Chạy hết 125 km chiều dài con đường này, qua 5 trạm, hết 85.000 đồng tiền “phí”, tính ra cứ chạy 1 km mất 680 đồng.
Một thí dụ thế thôi, để thấy cảnh “ngăn sông cấm chợ” dường như đang quay lại. Có một đoạn đường, bị chặt khúc, bị băm, và những cổng chào hoành tráng được dựng lên, đua nhau xây kiểu tân thời, gọi là trạm thu phí.
Ấm ức lâu rồi, nay tự phát ra trò xách tiền lẻ đi trả, gây ùn tắc. Phản ứng, phản kháng mà mặt tươi như hoa, nào sai gì? Và trò này được “nhân rộng điển hình” nhiều nơi trong cả nước.
Có làm gì đâu, chỉ trả tiền, và toàn tiền lẻ cho mà đếm. Cầu Bến Thủy giữa Nghệ An và Hà Tĩnh “đứng” hai ngày. Các tài xế bức xúc vì phí qua cầu.
Trạm thu phí Bến Thủy |
Trạm thu phí Tam Nông, Phú Thọ hôm 13-3, khoảng 20 ôtô đỗ dàn hàng ngang trước 4 làn thu phí, gây ách tắc. Bức xúc vì phí cao. Mỗi lượt ôtô dưới 7 chỗ qua lại mất 35.000 đồng, xe tải 2,5 tấn là 50.000 đồng.
Trạm thu phí Thanh Nê, Thái Bình bị nhiều phản đối. Theo người dân, việc đặt trạm thu phí BOT tại đây tăng thêm gánh nặng chi phí và phiền hà.
Cầu Hạc Trì, Phú Thọ, tháng 3-2016, hàng chục người dân đã đưa xe ra tụ tập tại trạm, phản đối đi cầu mới phải đóng phí 35.000 đồng mỗi lượt xe dưới 12 chỗ.
Trạm thu phí Lương Sơn, Hòa Bình chặn ngang tuyến đường độc đạo qua thị trấn Lương Sơn. Nhiều người chỉ đưa đón con đi học cũng phải mua vé, mức thấp nhất cho xe 4 chỗ là 25.000 đồng.
Các trạm thu phí cầu đường cứ như trong chiến dịch đồng loạt ra quân, chặn khắp các nẻo. Các trạm xây hoành tráng, cứ như thông báo cho người đi đường biết sẽ kiên trì bám trụ không biết đến ngày nào.
Nhiều trạm vươn vòi thu dai dẳng, trong khi, như dư luận nói, các nhà đầu tư chỉ là thảm qua chút nhựa đường trên cái nền đường đã có sẵn, rồi xin phép được thu tiền.
Cù nhày để ăn dày, nhiều trạm đến hạn phải dỡ vẫn ỳ ra, ráng trụ vơ vét thêm. Có trạm, xây xong lại bỏ không vài năm nay, vì chưa được phép thu tiền đã vội xây trạm.
Cứ có đường là có trạm thu phí cứ như một nếp nghĩ quen. Nhiều đường là công trình Nhà nước đầu tư theo kế hoạch, vẫn cố xây trạm thu phí như những con đường làm theo kiểu BOT.
Đã đến lúc rà soát lại. Sao không vẽ biển để ngay cạnh trạm, công bố rõ đường được thu phí, mức phí, thời hạn thu phí… để ai cũng có thể biết, tự làm quan thanh tra, không cần bàn…
Lắm trạm thu phí làm đường đi bị cắt khúc, nhiều quanh co…
Nguồn: Mỹ Hạnh/CAND