Phóng sự
Thăng chức, cách chức, mua việc
1. Việc một nữ trưởng phòng ở Thanh Hóa “thăng tiến thần tốc” gây ồn ào. Trong 3 tháng, không biết bằng cách nào, bà này tiến từ chức nọ lên chức kia, vù vù…
Dư luận ngỡ ngàng và bàn tán. Rồi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hoá vào cuộc, từng bước làm rõ sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
Từ “thần tốc” bám chặt lấy bà Trần Vũ Quỳnh Anh, người lên như diều gặp gió, trở thành (nguyên) Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng. Và các cơ quan chức năng đang “soi kính lúp” vào quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm bà này để tìm hiểu liệu có những bất thường…
Theo quy định, một cuộc thanh kiểm tra sẽ kéo dài 3 tháng. Vụ này chưa biết có nhanh hơn không, nhưng dân chúng thì bảo thế cũng coi như xong một đời thăng tiến.
Sau những quyết định bổ nhiệm ấy là gì? Tại sao bà được bổ nhiệm liên tục khi chưa đủ các tiêu chuẩn về thâm niên và trình độ lý luận chính trị như quy định? Bà Quỳnh Anh vừa “lên voi” đã vội “xuống chó” là việc của bà ấy, nhưng kiểm tra là tìm cái sai để sửa chữa cho cả guồng máy.
Từ chuyện này, lại “phăng” ra những chuyện khác, việc khai lý lịch, khai phiếu đảng viên, khai phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên hằng năm… Đang tìm và bước đầu đã thấy “có vấn đề”, khai lý lịch không trung thực, không “khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình”... trong khi sở hữu biệt thự, xe sang.
2. Ông Võ Kim Cự bị xem xét kỷ luật
Ông là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người cấp phép cho Formosa vẫn tự cảm thấy “không có gì sai”.
Nay sự đã rõ hơn, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh trước đây đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Võ Kim Cự, người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Các cơ quan chức năng đang xem xét, đưa ra nhiều mức kỷ luật khác nhau để cân nhắc hình phạt.
Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. |
Việc xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật và quy định của Đảng đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân.
Để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về ông Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (2008-2010).
3. Có đến 54% người dân “phải hối lộ mới xin được việc ở khu vực công”. Tỷ lệ này tăng liên tục như một xu hướng muốn có việc làm phải xùy tiền: 46% trong năm 2011, 51% trong năm 2015, 54% vào năm 2016.
Và xu hướng này được cho là “ngày càng trở nên trầm trọng”, mục tiêu “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” ngày càng xa vời.
Làm Nhà nước lương ít, sao cứ đâm đầu vào? Trong quy trình không có công đoạn nộp tiền, sao cứ “tự nguyện” nộp cho trung gian?
Vào biên chế Nhà nước không chỉ “oai” mà còn yên tâm “ở lỳ”, không ai đuổi ra được. Ổn định và nhiều chế độ, chưa nói tới lên làm quan lại lắm “bổng lộc”.
Thế nên, cứ phải cố vào “làm Nhà nước”. Khu vực này, “ghế ít đít nhiều” nên phải “chung chi thi đấu”.
Cái vòng luẩn quẩn lại quẩn lại. Làm cán bộ rồi, lương chả bao nhiêu, dễ “tự diễn biến” trông vào “lậu” là chính, tìm đủ mọi kẽ để kiếm “bổng”.
Một bộ phận không nhỏ vào được là do đã “đầu tư” lớn, nay phải nhanh chóng “lấy lại vốn” rồi tìm cách kiếm chút lời trong nhiệm kỳ còn thuận lợi.
Cán bộ lèm nhèm cũng chẳng cần “ăn to”, chỉ cần gợi ý, xin xỏ, vòi vĩnh chút đỉnh “tình thương mến thương” từ từ góp gió thành bão.
Thăng chức vù vù bị nghi ngay, cách chức cái bụp cũng “có vấn đề”, chỉ đi “mua việc” như số đông vẫn làm là cứ âm thầm chui lủi, dễ gì ai bắt được tận tay day tận trán.
Mẫu số chung đều dính đến tiền. Liệu có cách nào kiểm soát dược?
Nguồn: CSTC/Báo CAND