Phóng sự
Gian nan cuộc chiến phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an còn được ví như những anh hùng bàn phím. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài khả năng kiểm soát và làm chủ công nghệ thông tin, các trinh sát còn phải hội tụ đầy đủ lòng dũng cảm, nhiệt huyết, kỹ năng chiến đấu và sự nhạy bén để trực tiếp thực hiện những chuyến đi trinh sát nắm tình hình, nhất là khi đối mặt với tội phạm.
Theo lãnh đạo Cục C50, trên thế giới cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm pháp trên mạng. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong nhiều năm qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao bùng phát rất mạnh.
Thông qua các trang mạng trên internet, bọn tội phạm đã thực hiện rất nhiều hành vi phạm pháp như trộm cước viễn thông, tổ chức đánh bạc, cá độ các loại mà chủ yếu là cá độ bóng đá, giới thiệu mua bán các loại giấy tờ giả, trộm tên miền các trang web và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng để rút tiền tài khoản ngân hàng…
Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay hoặc một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, bọn tội phạm có thể hack tài khoản Facebook, Zalo, Viber, email... để thực hiện các hành vi lừa đảo ở mọi lúc, mọi nơi.
Hai đối tượng lừa đảo đa cấp Nguyễn Thị Minh Phương và Phạm Thanh Toàn tại cơ quan Công an. |
Ngoài ra, chúng còn giả danh cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật... rồi sử dụng điện thoại thông qua mạng internet gọi đến một số máy điện thoại cố định giả bộ thông báo gia chủ có liên quan đến các vụ buôn lậu, ma túy, rửa tiền… để buộc họ phải nộp số tiền lớn vào tài khoản của chúng.
Sự gia tăng đột biến của loại hình tội phạm này cùng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như không bao giờ sử dụng tên thật, số điện thoại cố định mà chỉ sử dụng tên giả, sim rác điện thoại di động và liên tục thay đổi tên tuổi trên mạng cùng địa chỉ nhà ở đã làm cho lực lượng điều tra rất nhiều khó khăn vất vả, phải mất rất nhiều thời gian mới phá được án.
Trước tình trạng hàng loạt loại hình tội phạm mới xuất hiện gây tổn thất về kinh tế rất lớn không chỉ cho các cơ quan, tổ chức mà còn khiến cho hàng vạn người dân sập bẫy lừa, đẩy nhiều người từ chỗ khá giả đi đến bờ vực phá sản, các trinh sát Cục C50 đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ.
Qua nghiên cứu, các trinh sát xác định phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm thường sử dụng các trang mạng để giao dịch mua bán các loại bằng cấp, giấy tờ giả, đánh cắp thông tin cá nhân rồi đột nhập vào tài khoản của họ tại các ngân hàng để rút tiền và đặc biệt là chiếm tài khoản facebook rồi tìm cách lừa đảo những người thân của chủ tài khoản qua các hình thức quà biếu, đầu tư làm ăn…
Đầu năm 2014, qua công tác nắm tình hình phát hiện có rất nhiều đối tượng đăng tin rao vặt quảng cáo nhận làm giấy tờ, bằng cấp các loại trên mạng internet và Facebook. Phương thức hoạt động của các đối tượng là trực tiếp đăng số điện thoại và các thông tin cá nhân trên mạng hoặc nhờ một số đối tượng chuyên nhận rao vặt thuê đăng tin trên các website để ai có nhu cầu thì gọi điện trực tiếp hoặc liên hệ qua email, Facebook.
Khi có người muốn đặt hàng thì bọn chúng tìm một địa điểm bí mật để gặp mặt giả bộ nói chuyện, nhưng thực tế là đưa ra những bài kiểm tra. Nếu thấy đối phương có đủ tin cậy thì chúng mới đề cập đến chuyện làm giấy tờ giả, thương lượng giá, yêu cầu đặt cọc từ 200-500 ngàn đồng và hẹn ngày giao giấy, nếu thấy đối phương không đủ sự tin cậy hoặc nghi ngờ là Công an hóa trang để điều tra thì cho rằng tài khoản và thông tin cá nhân trên mạng internet của mình đã bị đối tượng xấu đánh cắp để làm chuyện phi pháp và thẳng thừng từ chối.
Đối với những người ở xa thì sau khi liên lạc qua email hoặc điện thoại thì phải chuyển hết tiền vào tài khoản của chúng mới hẹn ngày giao giấy qua đường chuyển phát nhanh.
Các đối tượng này thường sử dụng tên giả, số điện thoại trả trước đăng ký thông tin ảo, sử dụng email và các trang web miễn phí có server đặt ở nước ngoài. Đến cuối tháng 4-2014, sau khi đã thu thập được khá nhiều thông tin về đường dây làm giả giấy tờ, bằng cấp, con dấu các loại của các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo Cục C50 quyết định cho xác lập chuyên án và giao cho các trinh sát Phòng 4 (nay là Phòng 5) trực tiếp đấu tranh, triệt phá.
Tuy nhiên, khi đưa các trinh sát xuống địa bàn xác minh thì các đối tượng liên quan đã rời khỏi địa chỉ thuê trọ cũ. Đến đầu năm 2015 thì phát hiện được manh mối về nhóm đối tượng đã chuyển số điện thoại, tên miền, địa chỉ email và kể cả nơi thuê trọ.
Tiếp tục tìm kiếm trên các trang mạng xã hội như Viber, Zalo, Facebook, các trinh sát đã phát hiện một số đối tượng sử dụng số điện thoại đăng ký tham gia và thu thập được khá nhiều hình ảnh về phương tiện, nhà cửa của các đối tượng.
Cùng với sự hỗ trợ tích cực của Công an các tỉnh tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và quần chúng nhân dân, các trinh sát đã xác định chính xác được danh tính, nơi ở của nhóm đối tượng cầm đầu là Phạm Đăng Thành (27 tuổi) tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi (tạm trú quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cùng các "tay chân" phục vụ đắc lực cho hoạt động của Thành bao gồm Nguyễn Hiệu (27 tuổi), Lê Văn Tượng (40 tuổi) tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (cùng tạm trú tại phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), Chu Ngọc Chung, Nguyễn Kiều Vang và Tấn Ngọc Hoàng cùng ngụ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau khi củng cố vững chắc chứng cứ, đến giữa tháng 1-2015, các trinh sát Cục C50 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã bắt gọn các đối tượng trong đường dây này với số tang vật thu được là trên 110 giấy tờ giả các loại, 8 con dấu của các cơ quan Nhà nước…
Một số loại hình phạm tội khác diễn ra trong thời gian gần đây đã khiến cho rất nhiều người bị chiếm đoạt lượng lớn tài sản hoặc rơi vào cái bẫy lừa đảo của bọn tội phạm như vụ lừa đảo qua kinh doanh đa cấp ở tỉnh Đồng Nai và một số vụ trộm thông tin cá nhân xâm nhập tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền hoặc chiếm tài khoản Facebook lừa lấy tài sản của người thân với chủ Facebook đó.
Những loại hình này cũng đã khiến cho các trinh sát Cục C50 nói riêng và lực lượng Công an nói chung phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới khám phá ra được.
Thiếu úy Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ, loại hình tội phạm này rất khó phát hiện, bởi chỉ cần một chiếc máy tính xách tay hoặc chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là bọn tội phạm có thể thực hiện được hành vi lừa đảo mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài ra, bọn tội phạm cũng thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ các trang mạng, phương thức, thủ đoạn cũng như nơi trú ngụ, nên thông thường mỗi vụ án từ khi phát hiện cho đến khi triệt phá thành công phải mất thời gian khá dài.
Một vấn đề nữa cũng cần được nhắc đến là trong các vụ lừa đảo, một số người vừa là bị hại vừa là đối tượng phạm tội, vì sau khi bị lừa đã tình nguyện làm "chân rết" cho bọn lừa đảo đi lôi kéo những người khác tham gia nhằm thu lại số vốn liếng đã bị mất trước đó.
Đầu tháng 7-2016, qua công tác nắm thông tin trên mạng, trinh sát phát hiện có dấu hiệu của một chuỗi lừa đảo theo dạng đa cấp có tên Hero8.org.
Theo những gì mà các trinh sát thu thập được, các đối tượng trong chuỗi lừa đảo này thành lập một công ty mang tên Phương Thái An với ngành nghề chủ yếu là kinh doanh thời trang nhưng lại quảng bá kinh doanh đa ngành nghề và cần huy động vốn với lãi suất cao.
Đường dây lừa đảo này do Nguyễn Thị Minh Phương (39 tuổi) tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cầm đầu cùng các đối tượng là các trợ thủ đắc lực của Phương gồm: Phạm Thanh Toàn (46 tuổi) và Hồ Đình Phú (25 tuổi).
Khi các trinh sát Cục C50 phối hợp với Phòng PC46 Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá thì Nguyễn Thị Minh Phương cùng đồng bọn đã khai nhận toàn bộ quá trình phạm tội của mình. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Phương cho thành lập Công ty Phương Thái An do chính cô ta làm Chủ tịch HĐQT với ngành nghề kinh doanh sản phẩm thời trang.
Sau đó Phương thâu nạp thêm Toàn, Phú để lắp ghép vào các vị trí Tổng Giám đốc và Giám đốc kinh doanh của công ty, rồi Phương kêu Phú xây dựng trang web giới thiệu kinh doanh đa ngành nghề và hiện đang cần huy động vốn với lãi suất cao.
Mỗi khách hàng nếu nộp 10.160.000 đồng vào tài khoản của chúng sẽ được cấp một mã ID và cứ 5 ngày sẽ được trả 2.200.000 đồng cùng với đó là 18 lần được trả như vậy.
Thời gian đầu, hắn nhắm đến mục tiêu là những người thân thích trong gia đình, dòng họ, sau vài lần trả lãi, chúng viện cớ đang kẹt tiền nên không thể tiếp tục trả được và nếu muốn lấy lại vốn thì phải tìm cách giới thiệu thêm khách hàng tham gia để được hưởng hoa hồng theo cấp số nhân tùy theo số lượng khách hàng kêu gọi được.
Cay cú vì bị chính người thân lừa, song một phần cũng bởi tâm lý ham tiền nên đã có rất nhiều người tình nguyện trở thành kẻ môi giới trong đường dây này.
Cho đến thời điểm bị bắt, các trinh sát đã thống kê được trong hệ thống máy tính của chúng xuất hiện 24.000 mã ID với khoảng trên 4.000 người từ 60 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Tổng số tiền chuyển vào tài khoản của các đối tượng này lên đến 140 tỷ đồng, trong đó Phương dùng trên 40 tỷ để trả lãi, số còn lại sử dụng vào việc mua nhà đất, xe ô-tô và nhiều loại vật dụng cá nhân khác.
Ngoài những quyết tâm, sự nỗ lực của lực lượng Công an, lãnh đạo Cục C50 cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người dân không nên đưa hoặc lưu trữ những thông tin cá nhân trên các thiết bị điện tử, công nghệ hoặc nếu có lưu trữ thì phải thực hiện chế độ bảo vệ nghiêm ngặt.
Lê Văn Tư và Cao Văn Hiếu, hai đối tượng lừa đảo qua facebook được đưa ra xét xử tại Quảng Trị. |
Việc trao đổi thông tin liên quan đến kinh doanh, làm ăn mua bán trên internet, facebook, Zalo, Viber cũng cần phải cẩn trọng, khi phát hiện những điều bất thường phải lập tức dừng đàm thoại, thay đổi mật mã.
Hiện nay, trên mạng còn xuất hiện các loại hình huy động vốn theo kiểu đa cấp, chiếm tài khoản facebook rồi giả làm người thân kêu gọi góp vốn đầu tư làm ăn kinh doanh hoặc gửi quà tặng từ nước ngoài về rồi yêu cầu nộp tiền để được nhận… nhưng hoàn toàn không có thật.
Đề nghị mọi người cần nêu cao cảnh giác, đừng vì món lợi trước mắt mà sa vào cái bẫy của bọn tội phạm. Nếu phát hiện các trường hợp trên hoặc có nghi vấn nào đó thì phải thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Nguồn: Báo CAND