Phóng sự
Lay lắt những phận đời ở 'xóm chạy thận' xứ Nghệ
Chiều, nắng đã vơi. Tôi tìm về "xóm chạy thận" của Bệnh viện Giao thông Vận tải nằm bên đường Lệ Ninh (TP Vinh, Nghệ An). Tại đây, trong những căn phòng ẩm thấp, chật chội của dãy trọ hai tầng là những phận đời cùng mang trong mình căn bệnh thận hiểm nghèo. Họ sống lay lắt nhờ chạy thận.
Hẩm hiu phận đời chạy thận
10 năm trở lại đây, khu nhà trọ hai tầng đối diện với Bệnh viện Giao thông vận tải thành mái nhà chung của những mảnh đời chạy thận.
Khu nhà này thuộc Nhà khách Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh nhưng do cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nên phía công ty ưu đãi cho các bệnh nhân chạy thận thuê ở với giá rẻ.
Căn phòng tuềnh toàng, chật chội của những bệnh nhân chạy thận |
Những người thuê trọ ở đây hầu hết là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Xa nhà, để thuận tiện cho việc chạy thận nên họ phải sống trọ ở đây hết năm này qua năm khác.
Căn nhà trọ hai tầng này khá ẩm thấp, chật chội, có hơn 10 phòng nhưng hiện tại có khoảng 6 phòng cho các bệnh nhân suy thận thuê ở. Hơn 10 bệnh nhân sống ở đây từ ngày này qua tháng khác để duy trì sự sống bằng việc chạy thận. Già cả có, thanh niên trai tráng cũng đôi ba người.
Những người trọ ở đây đều có chung một hoàn cảnh: tiền bạc eo hẹp, nhà ở xa thành phố, hoặc tít tận miền Tây xứ Nghệ. Và hơn cả, ai nấy đều đã ở vào giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận mãn tính.
Ở đây, mỗi người đều có một cái bếp ga nhỏ với các đồ dùng cá nhân riêng. Mỗi người đều tự phục vụ mình để có sức chống chọi với bệnh tật.
Trong căn phòng ẩm thấp, chật chội nằm ở tầng một của dãy trọ là nơi ăn ở, sinh hoạt của 3 người đàn ông cùng mang bệnh suy thận. Bi đát hơn cả là trường hợp của ông Trương Đình Vinh, SN 1960, quê ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Dù mới ngấp nghé tuổi sáu mươi nhưng nhìn ông Vinh già nua, yếu ớt hẳn. Cũng phải thôi, bản thân ông đã hơn chín năm trời vào đây chạy thận.
Khi chúng tôi đến thăm, ông Vinh còn thiu thiu ngủ sau ca chạy thận buổi sáng. Lọ mọ thức dậy vơ chiếc khăn mặt lau qua loa cho tỉnh táo, ông chậm rãi nói về cuộc đời buồn của mình.
Vợ chồng ông Vinh có 4 người con. Vì gia cảnh khó khăn, bố ốm đau, bệnh tật nên cả 4 người con của ông Vinh cũng phải tha hương kẻ Bắc, người Nam để làm thuê, làm mướn. Cuộc sống của ông càng buồn tủi, cô quạnh hơn khi cách đây ba năm, vợ ông đột ngột qua đời.
Bị suy thận độ bốn nên làn da ông Vinh đen sạm đi, tai ù, mắt kém. Những vết thâm từ kim tiêm sau những lần truyền máu khiến cánh tay ông càng thêm nhăn nheo.
Khoảng một tháng trở lại đây, bệnh tình của ông Vinh trở nên nặng thêm khiến ông không thể về nhà, ăn uống kém, hay nôn ói. "Có lẽ tôi sắp về chầu trời rồi", ông Vinh nằm thượt trên giường nói về cái chết đang đến dần một cách thản nhiên.
Bởi ông biết, như bao bệnh nhân chạy thận khác đang trọ tại đây, đã là "thành viên" của "xóm chạy thận" đều xác định sẽ chết, chỉ là nó xảy ra sớm hay muộn mà thôi.
Ông cho biết: "Bữa mô (hôm nào-PV) khỏe thì gắng gượng dậy chợ búa, nấu nướng, bữa mô yếu thì nhờ người khác đi giùm. Ở đây triền miên năm này qua năm khác, thậm chí nhiều cái Tết cũng không về được để đoàn tụ với gia đình, lắm lúc tủi thân lắm. Giờ mang trong mình bệnh tật nên phải gắng gượng được ngày nào hay ngày ấy, sống để còn nhìn thấy con cháu trưởng thành là tôi vui rồi".
Chạy thận suốt 9 năm trời khiến ông Vinh già hơn so với tuổi. |
Cách đó không xa, nơi góc cầu thang ở tầng 1 của khu nhà là nơi trọ suốt 13 năm qua của anh Thái Khắc Dần, quê ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ, Nghệ An). Căn bệnh suy thận đã đeo bám anh từ khi 29 tuổi.
Anh chấp nhận sống chung với căn bệnh quái ác này, tương lai của anh mờ mịt và khiến anh không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương hay một gia đình nhỏ bé của riêng mình.
Suốt 13 năm trời ròng rã chạy thận đã khiến kinh tế gia đình anh kiệt quệ. Hiện tiền thuốc thang, sinh hoạt của anh chủ yếu nhờ vào sự trợ giúp của các anh chị trong gia đình. Mỗi tháng tiền thuốc, sinh hoạt... phải chi ra gần 5 triệu đồng thì may ra anh chỉ có được một vài triệu từ người thân mang cho.
Số tiền đó anh Dần tiêu dè sẻn từng ly, từng tý một. Những ngày cuối tháng, tiền vơi, anh chỉ biết nhai tạm ổ bánh mỳ cầm cự qua ngày.
Trong căn phòng đơn độc của anh Dần không có gì đáng giá ngoài chiếc đàn Guitar được anh treo rất cẩn thận. Anh chơi đàn Guitar từ bé nên từ ngày vào đây, với anh cây đàn là người bạn tri kỷ. Những lúc buồn, anh lại mang đàn ra gãy cho vơi bớt nhớ nhà, cho đỡ cô đơn.
Chỉ vào căn phòng trống vắng, anh Dần ngậm ngùi: "Phòng trọ này trước đây tôi ở cùng hai bệnh nhân cũng trạc tuổi như tôi. Cuối tuần thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt xe về nhà nhau chơi, nhưng cách đây hơn một tháng các anh ấy đã qua đời nên căn phòng trở nên lạnh lẽo. Riêng tôi không biết sống được đến ngày nào. Buồn lắm".
Cánh tay của Dần giờ dây đã nổi đầy những nốt u sần, đôi mắt cũng không còn tinh nhanh nữa, nhưng đằng sau đôi mắt ấy vẫn là khát khao về một tương lai tươi sáng hơn. Giá như không có căn bệnh quái ác này thì có lẽ giờ đây anh Dần đã có một gia đình đầm ấm như bao bạn bè đồng trang lứa.
Lá rách đùm lấy nhau
Tại "xóm chạy thận" trên đường Lệ Ninh (thành phố Vinh) đã có không biết bao nhiêu người đến sinh sống rồi ra đi... vĩnh viễn, nhưng hơn hết nơi đây luôn chứa đựng tình người. Họ yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, dìu dắt nhau sống với sự lạc quan, tin tưởng vào một ngày sẽ khỏi bệnh và được ra viện.
Có lẽ vì đồng cảm nên họ coi nhau như người thân trong gia đình, giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, Bệnh viện Giao thông Vận tải chính là nhà của họ và xóm trọ nghèo này chính là một gia đình. Tại "xóm chạy thận" này, những bệnh nhân ở đây thường chỉ có một mình. Họ tự lo cuộc sống hàng ngày, tự mình vào viện điều trị mà không cần người thân bên cạnh chăm sóc.
Những ngày cuối đời chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, với anh Dần, cuộc sống ý nghĩa hơn bởi có chị Nguyễn Thị Hải (quê ở Hà Tĩnh) bầu bạn. Anh Dần cho biết, chị Hải trước đây từng ở trọ tại xóm chạy thận này 6 năm trời.
Hiện ở quê đã có máy chạy thận nên chị về bệnh viện gần nhà để chữa bệnh. Thỉnh thoảng, chị lại bắt xe buýt ra Nghệ An thăm anh Dần, lúc mang chục trứng gà, khi vài ba lốc sữa tươi.
Sau những giờ chạy thận về, cả "xóm chạy thận" ai nấy đều nằm bệt trên giường mình. Nhưng cũng có lúc họ lại tập trung tại sảnh tầng 1, trò chuyện rôm rả. Những lúc như thế, họ kể cho nhau nghe về chuyện đời mình, gia đình, về những ước mong, hy vọng nhỏ nhoi chẳng biết bao giờ có thể thành hiện thực…
Nhưng tất cả mọi người ở đây có chung một mong muốn trước lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ được gặp đông đủ người thân trong gia đình mình. Bởi với những bệnh nhân chạy thận, cái chết đến với họ chỉ trong gang tấc mà thôi.
Ở xóm trọ này, cụ Đào Thị Nguyên, 87 tuổi (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) là bệnh nhân chạy thận cao tuổi nhất. Suốt 8 năm qua, kể từ khi cụ vào thành phố Vinh chạy thận, bà Thái Thị Hợi, con gái của cụ đành phải bỏ hết công việc ở quê để vào đây chăm sóc mẹ.
Không có người thân bên cạnh, anh Dần tự mình dùng máy kiểm tra sức khỏe. |
Tuổi cao, tai điếc, mắt mờ, sau những giờ chạy thận từ bệnh viện về, cụ Nguyên chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ trên giường. Tay cụ cứ liên tục bấm vào ngón chân cái, miệng lầm bầm những gì chẳng ai nghe rõ. Suốt 8 năm qua, mọi việc từ ăn uống, vệ sinh, cho đến đưa cụ vào viện chạy thận đều trông cậy vào bà Hợi.
"Thương mẹ đã già yếu mà phải chống chọi với bệnh tật nhiều năm, phận làm con như tôi không giúp được gì, chỉ biết có mặt ở bên cạnh để chăm sóc, phụng dưỡng", bà Hợi gạt nước mắt nhìn người mẹ già yếu, giọng nghẹn ngào.
Càng về chiều, "xóm chạy thận" càng thêm hiu hắt, ảm đảm. Nhịp sống nơi đây cứ âm thầm diễn ra, âm thầm như những nốt nhạc buồn - như nỗi đau bệnh tật của họ. Dù vậy, đôi khi họ vẫn tìm cho mình niềm vui nho nhỏ quanh những ván cờ, những câu chuyện về con cháu, gia đình. Và họ lại khát khao được sống, được trở về quây quần bên gia đình, bên người thân.
"Đối với những bệnh nhân thận như chúng tôi, thời gian sống có thể chỉ còn rất ngắn ngủi. Cuộc sống của chúng tôi hiện giờ chỉ như là ngọn đèn dầu leo lét trước gió mà thôi. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để tiếp tục sống, để tất cả mọi người thấy rằng cuộc sống này vẫn còn rất có ý nghĩa", anh Nguyễn Văn Đoàn, một bệnh nhân chạy thận ở đây tâm sự.
Nguồn: CSTC/Báo CAND