Phóng sự

Ông giáo làng gần nửa thế kỷ sưu tầm ảnh Bác

08:50, 26/05/2017 (GMT+7)
Xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) suốt hơn nửa thế kỷ qua có một ông giáo làng vẫn ngày ngày sưu tầm tài liệu, tranh ảnh và những câu chuyện về vị Cha già của dân tộc.
 
Một ngày giữa tháng Năm, tôi tìm về căn nhà nằm khuất cuối xóm 12, xã Quỳnh Thạch của thầy giáo Đậu Xuân Tiêu. Ngưng tay viết, ông giáo làng ở tuổi 87 rót bát nước chè xanh mời khách và say sưa kể về gần nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu, đặc biệt những bức ảnh về Bác.
Thầy Tiêu bên cạnh những bức ảnh về Bác được sưu tầm từ sách báo.
Thầy Tiêu bên cạnh những bức ảnh về Bác được sưu tầm từ sách báo.
Sưu tầm ảnh Bác từ sách báo
 
Năm 1930, ở huyện Quỳnh Lưu, nạn châu chấu vô cùng nhiều. Châu chấu bay khắp nhà. Đó cũng là năm thầy Tiêu cất tiếng khóc chào đời. Vì gia đình nghèo, mùa màng thất bát, bị cường hào bóc lột nên mẹ thầy đã phải nhai châu chấu mớm cho con. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng nhân dân ta khỏi mọi xiềng xích áp bức.
 
Nhờ có Cách mạng, cuộc đời của gia đình cậu bé Tiêu đã bước sang trang mới. Với những gì người mẹ kể lại, hình ảnh Bác Hồ trở thành "ông Tiên" trong suy nghĩ của cậu bé.
 
Theo lời dạy của Bác "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", "diệt giặc đói và giặc dốt", ngoài việc giúp mẹ công việc đồng áng, cậu bé Tiêu còn ra sức thi đua học tập với các bạn cùng trang lứa.
 
Nhờ chăm chỉ học hành và tích cực tham gia công tác cách mạng, năm 1954, Đậu Xuân Tiêu được kết nạp Đảng và được cử đi học tại Khu Học xá Trung ương ở Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc).
 
Trở về nước, theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ xứ Nghệ xung phong lên huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang) để đem cái chữ đến cho những người nghèo. Lương của một thầy giáo mới ra trường không cao, nhưng hàng tháng thầy Tiêu vẫn dành một khoản tiền để xuống tận hiệu sách huyện tìm mua các loại sách báo.
 
Qua sách báo, nghe đài, thầy giáo trẻ Đậu Xuân Tiêu càng khâm phục tài năng, đức độ, lòng yêu nước, thương dân của Bác và từ đó anh sưu tầm các bài viết, tranh ảnh về Bác để cất giữ làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy.
Thầy Tiêu say sưa kể chuyện về Bác Hồ
Thầy Tiêu say sưa kể chuyện về Bác Hồ
Cảm mến đức tính đó của "thầy đồ Nghệ", cô gái xứ Kinh Bắc Nguyễn Thị Dinh đã kết tóc se duyên và trở thành "người giúp việc tận tụy” cho thầy Tiêu trong việc sưu tầm, lưu giữ các tài liệu về Bác Hồ.
 
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc. Cũng như các địa phương trong cả nước, huyện Lục Ngạn tổ chức lễ truy điệu Người.
 
Lúc đó, thầy Tiêu đã mời tất cả những người Nghệ An công tác ở huyện Lục Ngạn đến Huyện ủy Lục Ngạn để viếng Bác. Vòng hoa của những người đồng hương Nghệ An là vòng hoa lớn nhất, đẹp nhất và tươi lâu nhất trong những vòng hoa viếng Bác Hồ ở nơi đây.
 
Sau khi vị Cha già của dân tộc qua đời, với lòng biết ơn sâu sắc, ấn tượng về con người và nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nên từ năm 1970, thầy Đậu Xuân Tiêu bắt đầu mua báo để sưu tầm tư liệu về Bác.
 
Sau khi chuyển công tác về quê, thầy Tiêu được phân công giảng dạy môn Văn, môn Sử, rồi làm Hiệu trưởng các trường: THCS Quỳnh Tân, THCS Quỳnh Giang, THCS Quỳnh Văn (thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
 
Từ những ngày đầu trở về quê, thầy Tiêu bắt đầu xây dựng tủ sách gia đình. Cùng với việc sưu tầm báo và tạp chí, thầy Tiêu cũng dày công sưu tầm sách, đặc biệt là sách về Bác Hồ.
 
Trong thư viện của thầy có đến hàng trăm cuốn sách đủ các loại kim cổ, Đông Tây, được bảo quản rất cẩn thận, phân loại theo chủ đề chính trị, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử, giáo dục, nghệ thuật…
 
Trong số đó, đáng chú ý nhất là 35 đầu sách đặc biệt quý hiếm về Bác được xuất bản lần thứ nhất trước năm 1975 như "Hồ Chí Minh toàn tập"; "Hồi ký về Hồ Chủ tịch" của 13 người từng sống và làm việc bên Bác như Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
 
Cho đến nay, "kho tư liệu" của gia đình thầy Tiêu có hàng ngàn tờ báo, hàng trăm quyển sách, tài liệu quý, đặc biệt là 450 bức ảnh về Bác được xuất bản trong và ngoài nước qua các thời kỳ.
 
Đặc biệt, những tấm ảnh này không có tấm nào trùng nhau và được thầy Tiêu nâng niu, lưu giữ bằng cách ép plastic lại hoặc cắt một tấm giấy cứng dán ở mặt sau, để tấm ảnh không bị rách. Mỗi tấm ảnh là mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi bài báo viết về sự kiện trong tấm ảnh thầy Tiêu đều nhớ như in từng tấm một.
 
Mới đây nhất, để giữ gìn, bảo quản tốt hơn những bức ảnh vô giá về Bác Hồ, thầy Tiêu đã thuê thợ ảnh phục dựng lại và in thành 3 cuốn sách theo kích thước khổ giấy A4.
 
Mỗi bức ảnh in đều được thầy chú thích rõ thời gian, sự kiện mà Bác có mặt để giáo dục con cái về nhân cách cao đẹp của Bác. Mang những tập sách lưu giữ ảnh Bác dày cộm ra cho khách xem, thầy Tiêu khoe: "Sau bao năm sưu tầm, cắt dán, đến nay tôi đã có trong tay 450 bức ảnh lớn, nhỏ về Bác, còn tài liệu, văn thơ hay những câu chuyện về Người thì nhiều lắm".
Mới đây, thầy đã cho in và đóng những bức ảnh Bác thành sách để lưu giữ tốt hơn.
Mới đây, thầy đã cho in và đóng những bức ảnh Bác thành sách để lưu giữ tốt hơn.
Thầy Tiêu tâm sự: "Với tôi, việc sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ đã trở thành công việc thường niên. Đó cũng là trách nhiệm đối với các thế hệ học trò và con cháu. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, tôi hàng ngày vẫn tiếp cận các ấn phẩm báo chí để tìm kiếm những bức ảnh mới".
 
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Tiêu cho biết, tấm ảnh mà thầy tâm đắc nhất là tấm ảnh lần đầu tiên thầy sưu tầm về Bác trên báo Nhân dân số ra ngày 25/1/1963, chụp Bác cùng ông Nguyễn Văn Hiếu công tác tại Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đương thời. "Trong bài báo Bác Hồ có nói "Hình ảnh của miền Nam yêu quý ở trong trái tim tôi"; đây là câu nói của Bác tôi nhớ mãi, thầy Tiêu cho biết.
 
Cả nhà học theo gương Bác
 
Từ tấm gương của thầy Tiêu và người vợ tảo tần, 4 người con của thầy (2 trai, 2 gái) đều học tập và làm theo lời Bác từ những việc nhỏ hàng ngày. Đến nay, họ đều trở thành những công dân có ích cho xã hội.
 
Vợ chồng anh con trai đầu đều tốt nghiệp thạc sỹ ở nước ngoài, hiện mang quân hàm Trung tá, đang công tác ở Bộ Quốc phòng; người con trai thứ hai là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Lâm. Hai cô con gái, một người là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học, một người là giáo viên dạy văn trường trung học cơ sở. Các cháu nội ngoại mỗi lúc rảnh rỗi đều về để được nghe ông nội kể chuyện Bác Hồ.
Thầy Tiêu luôn dạy con cháu học tập theo gương Bác.
Thầy Tiêu luôn dạy con cháu học tập theo gương Bác.
Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày thầy Tiêu vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết để theo dõi tình hình thời sự, chính trị của đất nước. Đến nay, thầy đã viết 63 bài và đóng thành một quyển sách dày trên 200 trang khổ A4, góp ý tâm huyết cho các cấp Đảng và chính quyền từ địa phương đến Trung ương về nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục...
 
Nhiều ý kiến đóng góp của thầy Tiêu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Về lĩnh vực giáo dục, thầy cũng nhiều lần gửi thư đóng góp ý kiến. Mỗi sáng mai, trước bàn thờ gia tiên có đặt tượng Bác Hồ ở vị trí trang trọng, hai bên treo những lời dạy của Bác, thầy Tiêu lại cùng con cháu bật tivi làm lễ chào cờ theo lễ chào cờ vào lúc 6 giờ sáng tại Quảng trường Ba Đình (hàng ngày được phát trên VTV1).
 
Ông Nguyễn Đình Hà, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thạch cho biết: "Thầy Đậu Xuân Tiêu dù tuổi đã cao nhưng nhiều năm qua đã dành thời gian, tâm huyết sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ qua sách báo cũng như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Trong những bức ảnh, tư liệu về Bác mà thầy Tiêu sưu tầm được có những bức ảnh và tài liệu rất quý giá, khó tìm thấy ở nơi khác. Việc làm của thầy đã được các cấp chính quyền ở địa phương ghi nhận.
 
Nhiều năm qua, ngôi nhà của thầy đã được nhiều cán bộ, người dân, học sinh địa phương tìm đến nghiên cứu, học tập để hiểu thêm về Bác. Không chỉ vậy, gia đình thầy là một tấm gương mẫu mực về sự hiếu học và sống, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại để mọi người dân noi theo".

Nguồn: Thạch Văn/CAND

Các tin khác