Phóng sự

Người đàn bà một thời làm 'nô lệ tình dục' trên bãi vàng

16:20, 20/02/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đời nữ phu vàng ngoài việc làm cực nhọc không khác gì đàn ông, đêm đêm họ lại đảm nhiệm phận chung chồng, chung vợ.
 
Bãi vàng là “địa ngục trần gian”, nhưng vẫn có rất nhiều người vì giấc mơ xa vời đã lặn lội tới đây, ném mình vào những bãi vàng để rồi ở đây, nhân phẩm, tính mạng của họ với thân phận kẻ làm thuê bị khinh rẻ, miệt thị.
 
Đã gần 10 năm rồi may mắn thoát thân khỏi một bãi vàng chui tại Phước Sơn (Quảng Nam), người đàn bà luống tuổi có cái tên rất quê mùa là Trần Thị Lụa (42 tuổi, trú tại Cầu Hai, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày tháng dầm mình nơi bãi vàng, nơi có những con người một đi không trở lại. 
Ở đâu đó trên những miền rừng núi, nhiều nữ phu vàng ngày ngày vẫn dầm mình mơ đổi đời
Ở đâu đó trên những miền rừng núi, nhiều nữ phu vàng ngày ngày vẫn dầm mình mơ đổi đời
Hơn 18 tuổi, Lụa nghỉ học lúc gã đàn ông đầu tiên trong đời quất ngựa truy phong, sau khi đã “tỏ đường đi lối về”, để lại cho chị cái thai hơn 4 tháng. Chịu bao nhiêu tủi nhục đau đớn khi mang thai và sinh con. Lụa nghe theo lời mấy người bạn xin làm việc tại một công trường xây dựng. Đồng lương lao động bèo bọt quá, không đủ sống chưa nói đến chuyện gửi về nuôi con. Lụa xin theo đám bạn lên bãi vàng làm công việc nấu cơm cho phu vàng tại Phước Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) với tiền công là 3 triệu đồng một tháng.
 
Lụa kể, cuộc sống nơi bãi vàng không khác gì địa ngục, nơi một cô gái mới lớn nhưng lại sớm bước vào đời như Lụa chẳng thể nào tưởng tượng được. Nơi ấy không có sóng điện thoại, điện dùng từ 1 tua bin nhỏ tự phát chỉ đủ sáng một bóng con con. Mọi người đều làm quần quật suốt ngày suốt đêm, cứ như những bóng ma vật vờ nơi núi rừng heo hút ấy. Lụa hãi hùng thuật lại. Giữa không gian heo hút của núi rừng, xa xa thi thoảng nghe thấy tiếng hoẵng kêu thê thiết càng khiến đêm Trường Sơn ảm đạm hơn. Và những câu chuyện cuộc đời của kiếp phu vàng cứ dần được bộc bạch sau mỗi chén rượu cay. “Có người đem được xác về, cũng có người biệt tăm biệt dạng. Cha mẹ, vợ con họ cho đến giờ chắc vẫn còn mòn mỏi ngóng trông. Trong cuộc mưu sinh đầy may rủi này, họ là cái giá phải trả cho những gì mà vàng của núi rừng đã bị sự tham lam của con người lấy đi. Một cái giá không hề rẻ và sẽ còn tiếp tục đến với những người đi sau chung nghiệp phu vàng. Cũng chỉ vì lòng tham mà họ chấp nhận đánh đổi tuổi xuân của mình nơi chốn này!” Lụa bàng hoàng nhớ lại.
 
Lụa được “tuyển dụng” vào bãi vàng để nấu cơm cho các phu vàng. Thế nhưng chỉ được vài bữa, Lụa bị đẩy ra bãi, nơi cả chủ bưởng sẵn sàng dùng roi da, dùng tay chân để nói chuyện thay miệng lưỡi. Cứ thế, dưới những lòng suối cạn, hay trong những hầm vàng giữa núi rừng, Lụa hòa mình vào từng tốp phụ nữ xanh xao, tiều tụy cặm cụi đào đãi những rổ đất to để kiếm chút vàng cho chủ. Những người phụ nữ đều đeo khẩu trang che kín mặt, vận trên người hai ba lớp áo tay dài, quần ống rộng trân mình dưới cái nắng như đổ lửa. Cứ khoảng nửa tiếng, họ lại phải tạm dừng công việc đôi ba giây để vén tay áo vệt vội những giọt mồ hôi vãi ra như tấm. Gương mặt ai đều hốc hác, phờ phạc, đôi mắt đờ đẫn, bước chân liêu xiêu, mất sức sống.
 
“Mới đầu, chủ bãi vàng nói sẽ thanh toán tiền hàng tháng, nhưng sau đó lại nói đãi xong bãi vàng mới trả tiền nên có muốn rút về cũng không được, bởi nếu về thì sẽ bị mất tiền. Cuộc sống ở đó cơ cực chẳng khác nào khổ sai. Làm quần quật từ sáng đến tối, chẳng biết cái ti vi là gì, quanh năm chủ bãi vàng chỉ cho ăn cơm với mắm và cá khô. Ở thì cơ cực nhưng đi cũng chẳng xong!”, Lụa thuật lại. Cứ thế, Lụa cùng hàng chục phụ nữ gồng gánh đồ đạc, hay ngâm mình dưới dòng nước ngầu đục hóa chất để lăn theo ám ảnh vàng. Trò chuyện với tôi, Lụa vẫn không giấu nổi vẻ khắc khổ, bàn tay lở loét sâu vào tận da thịt vì nhiều tháng ngâm dưới dòng nước đục.
 
Đắng phận chung vợ, chung chồng
 
Lụa cũng như  những người đàn bà ở bãi vàng, đều làm vợ hờ của một ai đó. Lụa mặc dù đã một con, nhưng lại là người đàn bà trẻ nhất ở bãi vàng lúc ấy. Lụa được rất nhiều phu vàng săn đón, trong đó có không ít những trưởng bưởng, những tay giang hồ anh chị, có cả những gã tội phạm trốn nã. Lụa thành món hàng giành giật của đám đàn ông khát thèm phụ nữ ở trốn này. Dưới vẻ nhem nhuốc là một Lụa phơi phới xuân thì. Nhưng vẫn là kiếp hồng nhan bạc phận. Mà ở bãi vàng, càng “hồng nhan” thì phận lại càng bạc.
Phận nữ phu vàng không có ngày mai
Phận nữ phu vàng không có ngày mai
Lụa chua chát  nói vậy. “Thôi thì xem như phận khổ vá víu vào nhau mà sống, lúc ốm đau còn có người lo lắng. Không thì cũng chôn vùi tuổi trẻ nơi đây thôi. Nhưng cái sự vá víu tạm bợ này nhiều khi cũng bẽ bàng. Không ít gã đàn ông chỉ tìm đến các phu nữ với mong muốn kiếm “tình một đêm” chứ chẳng muốn gắn kết lâu dài gì… làm đàn bà khổ thế đấy anh ạ!”, Lụa chua chát bộc bạch. Rồi Lụa kể cho tôi nghe về những cuộc tình chóng vánh nơi bãi vàng này. Có một phu vàng tên Thiên quê Quảng Ngãi vào được đâu chừng hơn 3 tháng thì dọn về sống chung với một Lụa ngay trong căn chòi nhỏ góc đầu bãi. Cuộc sống êm ấm trong nỗi cực khổ chẳng tày gang khi Lụa có thai, còn người chồng hờ hơn Lụa thì theo nhóm bạn lao vào hút ma túy hút chích, bao nhiêu tiền bốc vác, đào vàng cho chủ đều nướng hết vào ma túy.
 
Cuộc sống gia đình tan vỡ đúng lúc đứa con cũng vừa ra đời. Lụa một mình vừa giặt giũ cho đám phu thợ, vừa nuôi con. Đứa con sau ngày tan vỡ ấy cũng chưa từng biết mặt cha, vì sau đó người chồng này của Lụa đã chuyển sang bãi khác làm. Lụa chẳng biết tìm ở đâu, và cũng chẳng có thời gian mà đi tìm nữa. Lụa lại gửi con về quê cho cha mẹ ruột nuôi nấng, tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh cực nhọc nơi bãi vàng. Nhưng nhờ có sẵn chút nhan sắc nên sau một năm sinh con, Lụa lại được một “tay chân” của chủ bãi vàng để ý, tình cảm nảy nở, hai người lại dọn về sống chung với nhau được nửa năm lại tan vỡ. Nỗi ám ảnh cuộc sống gia đình như hằn sâu vào tâm khảm, khiến giờ mỗi khi nhắc lại Lụa vẫn còn cảm thấy sợ hãi.
Một điểm khai thác vàng giữa rừng sâu bị cơ quan chức năng triệt phá
Một điểm khai thác vàng giữa rừng sâu bị cơ quan chức năng triệt phá
Cứ thế, cuộc sống vốn kham khổ và thiếu thốn đủ thứ nơi rừng sâu, những thân phận khốn khó như bấu víu vào nhau để cuộc sống bớt tẻ nhạt hơn. Không riêng gì hai người “chồng” kia, Lụa cũng đã có nhiều cuộc tình chóng vánh trong bãi vàng này. Những cuộc tình cứ đến mấy bữa lại đi, bởi chẳng có điều gì rằng buộc nhau cả. Thế nên tháng này Lụa làm vợ một phu vàng này, tháng sau đã lại thấy sống chung với một phu vàng khác. Cuộc luân chuyển cứ thế tiếp diễn không lối thoát và phận người nữ phu của Lụa cứ bị đày đọa mãi như thế.
 
Lụa bảo, cứ sống trong bãi vàng rồi mới biết. Phận đời của Lụa khi trôi nổi trong bãi vàng gần 6 năm, ngấm cái cảnh đời phu nhiều hệ lụy, lắm chết chóc nên Lụa mới quyết tâm lần lượt sống chung với nhiều gã đàn ông như thế. Lụa chấp nhận làm vợ hờ của những gã đàn ông, chí ít cũng có người nương tựa luc đau ốm, có người bảo vệ mỗi khi ở bãi. Thân đàn bà con gái, nếu không bám víu vào một ai đó thì hằng đêm chuyện bị các phu vàng mon men tới cưỡng bức là điều không thể tránh khỏi. Thế nên tốt nhất là “cặp” với một ai đó, để chỉ phải “chiều” một người mà thôi. Còn hơn là một đêm làm vợ cả chục gã đàn ông khác nhau. Vả lại, chí ít cũng được “chồng” chia ít thành quả khi trúng “lộc”, là khi đào được vàng.
 
 
Đời Lụa, cũng giống như đám đàn bà trong bãi này, làm vợ ai đó được vài bữa thôi chứ chẳng thể gắn kết với nhau lâu dài, hay mơ về một tương lai với mái nhà tranh và đàn con êm ấm. thời gian ở bãi vàng, Lụa không nhớ làm vợ bao nhiêu người nữa. có người Lụa làm vợ nửa năm, có người lâu hơn. Nhưng rồi rốt cục cũng chia lìa. Lụa lại làm vợ người khác, rồi lại thấy “chồng cũ” của mình có người đàn bà khác đến làm vợ. “Đời ở bãi, kiếp chung chồng, chung vợ là chuyện thường tình. giữa chốn rừng thiêng nước độc, gặp được người để chung chăn chung chiếu được là tốt lắm rồi! Thật ra cũng có phu nữ có được “tấm chồng” đàng hoàng. Nhưng đa phần còn lại cũng đa đoan lắm”, Lụa xót xa nói như thế.
 
Rồi Lụa giải thích về sự có mặt của 4 đứa con, mà mỗi đứa là một cha khác nhau. Đó là “thành quả” của gần 10 năm Lụa vuì mình trong bãi vàng. "Bốn đứa tôi đều sinh ở bãi. Đứa đầu là con một người đàn ông quê Quảng Ngãi. Đứa thứ hai là của chủ bưởng vàng. Sau khi sinh người đàn ông đó chết vì ma túy, mình tôi dặt dẹo sang bãi sống ghá ghép vào một phu nam khác và sinh ra đứa thứ ba. Rồi người đàn ông thứ ba cũng chết vì ma túy. Tôi gá ghép với một người khác và sinh được đứa út này!”, Lụa trần tình về gốc gác của mấy đứa con.
 
Gần 10 năm ở bãi vàng, Lụa cứ như người điên. Cứ mỗi khi nhắm mắt lại là những cơn ác mộng lại ập đến. Có đêm đang ngủ chợt tỉnh giấc hét toáng lên vì sợ hãi. Nếu không sớm dứt khỏi bãi vàng, Lụa chắc đã chết lấp thân ở đâu đó rồi. Lụa gọi đó là “nỗi khổ của tận cùng nỗi khổ” vì chẳng biết đâu là lối thoát! Lụa chốt một câu đầy triết lý với tôi cùng tiếng thở dài não lòng.
 
Vàng đâu chẳng thấy, lời hứa cuộc sống sung túc như các ông chủ nói cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy những chiếc lán tạm bợ chìm khuất trong một không gian u uẩn của rừng già và nỗi niềm của người phụ nữ. Nhìn Lụa, nghe lời ru con trong nỗi xót xa như muốn cào xé lòng người buồn thê thiết. Bây giờ Lụa một mình với 5 đứa con, trong đó có 4 đứa sinh ở bãi vàng với những người cha khác nhau. Những đứa trẻ chưa từng một lần biết mặt cha cứ tranh nhau từng chiếc kẹo rẻ tiền. Lụa nhìn mà rơi nước mắt.
 
Tuổi xuân đã qua hết, Lụa đã quay về, nhưng vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cuộc đời vẫn còn hành hạ Lụa nhiều lắm.
 
*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác