Phóng sự

Thất nghiệp ư, đừng bi quan

09:46, 20/02/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Một con số khiến chúng ta không khỏi buồn lòng: Năm 2016 có hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì trong năm 2017, dự báo con số này sẽ lớn hơn.
 
Với các nhà nghiên cứu, chỉ cần một con số trên đã phản ánh phần nào bộ mặt của một nền kinh tế phát triển chưa bền vững và thiếu cơ hội việc làm cho người trẻ; là số liệu chứng minh thuyết phục về chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học ít có mối liên hệ với thực tiễn khiến những sinh viên tốt nghiệp đại học không đáp ứng được nhu cầu lao động...
 
Rất nhiều sinh viên rời bỏ làng quê để về những thành phố lớn với hy vọng thoát nghèo bằng con đường học vấn. Đó là nguyện vọng chính đáng của mỗi người, thế nhưng, ở chính những miền quê đó lại rất thiếu những người có trình độ thật sự. Trong khi đó, thành phố vốn đã đông đúc thì lại càng đông đúc hơn, mật độ dân cư dầy đặc hơn và cơ hội kiếm việc làm cũng khó hơn.
Minh họa của Lê Tâm.
Minh họa của Lê Tâm.
Đến thời điểm này không còn là lúc để chúng ta bàn thảo nhiều về nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp, về những hệ lụy của việc thất nghiệp mà hãy cùng nhau bàn đến những giải pháp cần thiết để người trẻ có việc làm nhiều hơn, tạo ra nhiều cơ hội để họ cống hiến cho đất nước.
 
Giải pháp mà nhiều năm qua đã thực hiện và năm nay vẫn được khuyến khích, đó là xuất khẩu lao động. Trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 98 nghìn người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là xuất khẩu "thô" (công việc giản đơn, lao động thủ công) nên giá trị không cao.
 
Thực tế đó cho thấy, người lao động muốn nâng giá trị của mình thì buộc phải học một nghề nào đó, kèm theo là trình độ ngoại ngữ để thành xuất khẩu "tinh". Tất nhiên, các trường dạy nghề sẽ có nhiều việc làm hơn khi hướng học viên vào những nghề được coi là thức thời trong khu vực cũng như trên thế giới.
 
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nhà nước cần đẩy mạnh việc cử kỹ sư, lao động có trình độ tới các nước phát triển nhằm tạo ra và mang về giá trị thặng dư lớn hơn.
 
Với các kỹ sư, lao động có trình độ cao, nếu được làm việc ở các nước phát triển thì khi về nước, sẽ vận dụng phục vụ cho nền kinh tế nước nhà, nhất là các ngành nghề trọng điểm.
 
Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025" để trình Chính phủ. Hy vọng đề án này sẽ đi vào đời sống và nhiều cử nhân, thạc sĩ sẽ tìm kiếm được cơ hội làm việc.
 
Nhìn vào con số hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, chắc chắn không ít người bi quan. Song, nếu nhìn ở một góc độ tích cực, chúng ta thấy với một số lượng người thất nghiệp lớn như vậy, rõ ràng sẽ tạo ra một phong trào khởi nghiệp trong lớp trẻ.
 
Đó là khi họ buộc phải tự cứu mình trước khi có ai đó ném phao cho. Có thể coi đây là một giải pháp thứ hai mang tính bền vững và được nhiều nhà kinh tế khuyến khích, quan tâm.
 
Với những người trẻ, họ được trang bị kiến thức bài bản, nghĩa là họ có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng tiếp cận thị trường, công nghệ và tri thức mới, biết chấp nhận rủi ro, đó là những viên gạch quan trọng để kiến tạo ra những cơ hội khởi nghiệp. Cùng với nhiệt huyết của sức trẻ, họ không chỉ tạo ra giá trị cho bản thân, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người khác.
 
Tất nhiên, có không ít người trẻ vẫn chờ đợi hay bằng nhiều cách để trở thành những viên chức mẫn cán nhà nước, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Thế nhưng, những cơ hội này quá ít trong khi thời gian trôi rất nhanh. Nếu họ không tự vận động thì chỉ thụt lùi hoặc đã mất đi nhiệt huyết của tuổi trẻ.
 
Cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, có thể ở thời điểm hiện tại, Cử nhân hay Thạc sĩ vẫn thất nghiệp, gây tốn kém cho gia đình và xã hội. Song, học tập không bao giờ là thừa.
 
Chí ít, kiến thức đã mang lại cho bạn một chuyên môn nhất định và quá trình học hỏi cũng là cách để bạn dần hoàn thiện bản thân. Bạn có thể vào đời bằng nhiều con đường khác nhau, may mắn hay thất bại, nhưng những gì bạn đã học sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều, giúp bạn ổn định và tạo sự thăng bằng trong cuộc sống.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác