Phóng sự
Loay hoay quản lý hoạt động kinh doanh trong chung cư
10:05, 23/12/2016 (GMT+7)
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lo lắng trước Nghị định 99/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh trong chung cư. Không chỉ bởi bản nghị định thiếu những hướng dẫn cụ thể, cơ chế xử phạt mà còn chưa thuyết phục được các doanh nghiệp siêu nhỏ. Đâu là giải pháp siết chặt quản lý hoạt động nhà chung cư, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh doanh hộ gia đình, doanh nghiệp vừa, siêu nhỏ là điều cơ quan chức năng các cấp cần tính đến.
Phớt lờ lệnh cấm
Theo tìm hiểu ở nhiều khu chung cư khác, tình trạng kinh doanh, căng biển quảng cáo vẫn diễn ra bất chấp hiệu lực thi hành lệnh cấm theo Nghị định 99 từ ngày 30-6-2016. Các tòa nhà như Udic Hoàng Đạo Thúy; Golden Land (đường Nguyễn Trãi); 18T1, 34T, 29 T2 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; các tòa nhà khu vực đường Lê Văn Lương; D2 Giảng Võ, B4 Kim Liên, khu đô thị Việt Hưng (Long Biên)… hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra.
Hay tổ hợp chung cư HH Linh Đàm gồm 12 tòa cao ốc 40 tầng tại bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là một cảm giác choáng ngợp. Không chỉ bởi số lượng chung cư quá dày đặc, mà còn cho thấy một sự nhếch nhác bởi các biển quảng cáo lem nhem căng trái quy định lẫn với các dây phơi quần áo, khiến cho các tòa nhà dù mới đưa vào sử dụng đã có thêm những hình ảnh xấu xí. Trao đổi với một số hộ kinh doanh, họ cho biết chưa biết đến lệnh cấm.
Như bà Đặng Thị Ái, người dân ở HH4C Linh Đàm cho rằng, các dịch vụ nhạy cảm không nên cho tồn tại, vì sẽ ảnh hưởng đến văn hóa chung cư. Song, chủ những cơ sở chỉ sử dụng nhà chung cư làm văn phòng giao dịch, nơi bán hàng qua mạng, doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có vài người lại "kêu" làm như vậy là thiếu công bằng.
Còn chủ Viện tạo mẫu tóc ở tầng 6 (HH1C) phân trần: "Đây là nhà tôi mua. Việc kinh doanh cũng gọn nhẹ, phục vụ chị em trong khu vực, chúng tôi nên được khuyến khích. Tôi cần phải sống, và không đủ tiền để ra ngoài thuê với giá đắt đỏ".
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm còn nhiều hộ kinh doanh trong chung cư. |
Hay chị Xuân Thủy, cán bộ của Công ty phát triển nhà Gia Bảo, đơn vị quản lý tòa nhà D2 Giảng Võ cho biết chưa nghe đến thông tin cấm kinh doanh của Nghị định 99. Hiện nhiều diện tích của tầng 4, 5 vẫn đang được thỏa thuận, cho các đơn vị thuê. Một số hộ nói có biết đến lệnh cấm, nhưng chần chừ vì còn để nghe ngóng xem có điều chỉnh gì không.
Trước vấn đề này, ông Đặng Hữu Kỳ, Phó giám đốc chi nhánh Dịch vụ nhà ở Linh Đàm thừa nhận: "Đúng là có những vấn đề còn chưa kiểm soát được. Thậm chí chủ cơ sở dịch vụ mát-xa tòa HH4A còn đánh cả bảo vệ tòa nhà. Chúng tôi ghi nhận, từ tầng ba trở lên không được kinh doanh, nhưng các hộ dân nói đó là nhà của họ, nên có quyền kinh doanh. Chúng tôi chỉ đi tháo biển quảng cáo mất mỹ quan, tháo chảo thu sóng truyền hình chìa ra ngoài được thôi. Tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng rồi".
Qua tìm hiểu, từ năm 2009, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2544, yêu cầu một số địa phương rà soát và có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng chung cư làm văn phòng. Việc chấn chỉnh không hiệu quả, năm 2011, Bộ Xây dựng dự thảo đề xuất cho phép sử dụng chung cư làm văn phòng, nhưng mới chỉ được bốn năm, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất cấm các hoạt động kinh doanh trong chung cư.
Tháo gỡ những vướng mắc
Rõ ràng, bản nghị định chưa khiến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ "tâm phục khẩu phục", do chưa sát thực tế. Đó là chưa kể đến chuyện thiếu chế tài xử phạt, quy định ai xử phạt. Và đến nay vẫn song song hai luồng ý kiến tồn tại. Một cho rằng, thiết kế nhà chung cư để ở thì cần tôn trọng số cộng đồng dân cư đang ở đó.
Một luồng ủng hộ giải pháp cho phép doanh nghiệp nhỏ không gây ảnh hưởng an toàn trật tự, phòng chống cháy nổ chung cư được đăng ký văn phòng; một luồng khác ủng hộ chấn chỉnh, đưa các hoạt động kinh doanh, văn phòng ra khỏi chung cư và việc phản ứng là khó tránh khỏi, bởi ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận người dân.
Do đó, phải làm sao để quản lý tốt hoạt động chung cư, tạo điều kiện phát triển của doanh nghiệp nhỏ là điều cần những giải pháp thống nhất, đồng bộ.
Để rộng nguồn thông tin, chúng tôi gặp TS Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông chỉ ra: Quy định này ngay lập tức sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều chung cư mới mọc lên, hàng quán đã lấn chiếm không gian chung. |
Thứ nhất, tác động đến một số lượng lớn hàng chục nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và đăng ký văn phòng làm việc tại các chung cư. Hiện tại TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở chung cư, 1.300 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở cao ốc. Có trên 10.000 doanh nghiệp trụ sở trong tòa nhà. Nhiều trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp này có thể sẽ phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc gia tăng chi phí do phải tìm địa điểm mới.
Thứ hai, tác động không công bằng đến nhiều hoạt động kinh doanh mà tính chất của hoạt động đó không ảnh hưởng đến sinh hoạt cư dân và an toàn của tòa nhà, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ cung cấp dịch vụ tư vấn, đang trong quá trình khởi nghiệp…Thứ ba, một số ý tưởng kinh doanh trong tương lai sẽ không có cơ hội để thành hiện thực, bị triệt tiêu.
Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm: Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ và áp lực thị trường cạnh tranh, hoạt động kinh doanh có nhiều thay đổi so với kinh doanh truyền thống.
Chúng ta cần phải tính đến thay đổi của các hoạt động kinh doanh do sự phát triển của khoa học công nghệ, ví dụ: kinh doanh online, qua mạng internet,… Trụ sở công ty không luôn luôn có nghĩa là nơi sẽ diễn mọi hoạt động kinh doanh bán hàng, kho hàng, tiếp khách hàng… Nhân viên làm việc của nhiều công ty có thể không nhất thiết phải đến ngồi toàn thời gian ở công ty,….
Do đó, tôi cho rằng cần nên xem xét, đánh giá lại quy định này một cách kỹ càng hơn, công bằng hơn và hợp lý hơn cho các hoạt động kinh doanh có tích chất và mức độ rủi ro khác nhau và tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
Ở cấp thực thi nhiệm vụ, ông Từ Danh Trung- Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 3 (Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội) chỉ ra những mâu thuẫn. Trong Luật Doanh nghiệp không cấm doanh nghiệp đăng ký tại chung cư. Chiểu theo nội dung của Sở Xây dựng, theo ông Trung, các doanh nghiệp nhỏ sẽ gần như không còn chỗ để hoạt động.
Mỗi doanh nghiệp muốn cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thì điều kiện cốt yếu là phải có trụ sở, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đặt trụ sở tại căn hộ chung cư, diện tích kinh doanh dịch vụ trong chung cư, nhà riêng lẻ.
Ông Trung nêu ý kiến: "Chỉ còn cách mở cụm công nghiệp. Nhưng cũng khó để các doanh nghiệp kinh doanh, và cũng khó đáp ứng nhu cầu bởi số lượng doanh nghiệp quá lớn".
Nhiều thanh niên đang lập nghiệp, muốn sử dụng chính căn hộ của mình để kinh doanh, bán hàng qua mạng, lập trình phần mềm.
Chính phủ đang phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp, với mục tiêu cả nước có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Nhà nước nên có quy định riêng biệt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển. Song song với đó, không thể buông lỏng quản lý chung cư, mà cần kiểm soát chặt chẽ, có quy định cụ thể đơn vị nào được "đỗ" ở chung cư, đồng thời không ảnh hưởng đến người khác. Một quy định của luật đưa ra, cần sát thực tế và có lý có tình.
Phải làm theo luật
Nhằm tìm câu trả lời, nếu trong thời gian tới, tình hình này vẫn "giậm chân tại chỗ", Bộ có tổ chức đánh giá, khảo sát xem có phù hợp với thực tế hay không để điều chỉnh cho phù hợp?
Ông Nguyễn Mạnh Khởi -Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ Xây dựng được Quốc hội, Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đã đề xuất đưa các quy định về xử phạt hành chính, trong đó quy định về vi phạm sử dụng căn hộ làm địa điểm kinh doanh đưa vào Nghị định về xử phạt hành chính. Hiện nay chúng tôi đã đề xuất đưa rồi và đang trình Chính phủ.
Sau khi Nghị định có hiệu lực thì chắc chắn các địa điểm kinh doanh sẽ bị xử lý. Thứ hai, trong quy chế quản lý nhà chung cư, Bộ Xây dựng cũng đưa ra các quy định, đó là nghiêm cấm sử dụng các căn hộ vào mục đích trái pháp luật. Như vậy, trong quy chế nhà chung cư cũng đã có.
"Ngoài giải pháp đó chắc chắn là thời gian tới, dưới góc độ nghiên cứu, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản sẽ đề xuất Bộ có văn bản tiếp tục đôn đốc các địa phương về việc thực hiện các quy định pháp luật nói chung, trong đó có quy định về thực thi các quy định quản lý nhà chung cư để quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, địa điểm kinh doanh triển khai tốt. Chúng ta biết, nếu sử dụng sai mục đích sẽ dẫn tới hậu quả về công năng sử dụng; vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế; vấn đề chất lượng nhà chung cư", ông Khởi nhấn mạnh.
Đành rằng như vậy nhưng để thực hiện được cũng không dễ, bởi chuyện kinh doanh này liên quan đến miếng cơm manh áo của nhiều người dân. Các cơ quan chức năng cần tính toán sao cho luật được thực thi mà vẫn bảo đảm đời sống dân sinh.
Nguồn: Báo CAND