(Congannghean.vn)-Qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cùng với quân và dân tỉnh nhà, lực lượng Công an Nghệ An phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược: Củng cố, xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, đảm bảo ANTT, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở hậu phương miền Bắc, đồng thời, phát huy vai trò là hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam nói chung và An ninh miền Nam nói riêng trong nhiệm vụ chi viện sức người, sức của ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường.
Trong thực tế, Công an Nghệ An đã triển khai thực hiện chi viện cho chiến trường miền Nam ngay từ những tháng, năm đầu của Cách mạng tháng 8. Đầu tháng 10/1945, đích thân đồng chí Nguyễn Tạo, Cục trưởng Nghệ An Công an cục (tên gọi chức vụ người đứng đầu và tổ chức Công an tỉnh lúc đó) đã dẫn đầu một đoàn CBCS Công an Nghệ An gồm 32 đồng chí lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, hòa cùng đội ngũ của đoàn quân Nam tiến lúc bấy giờ.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với CBCS chi viện cho chiến trường Nam Bộ - Ảnh tư liệu |
Cần phải nhấn mạnh thêm rằng: Với số lượng 32 CBCS chi viện cho chiến trường miền Nam lúc này đã chiếm hơn 1/2 tổng biên chế của Nghệ An Công an cục (theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Tạo và một số cán bộ lão thành Công an Nghệ An như các đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Đình Phượng, Bùi Nguyên Tạo..., biên chế của Nghệ An Công an cục lúc này chưa đến 60 CBCS).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”..., mặc dù, hàng năm Công an Nghệ An đều phải xin Bộ Công an bổ sung biên chế nhưng vẫn hết sức chú ý đến nhiệm vụ chi viện cho An ninh miền Nam, bởi đó không chỉ là chỉ tiêu pháp lệnh mà còn là trách nhiệm tự thân, là nhu cầu tình cảm của mỗi CBCS và Công an tỉnh nhà.
Để làm tốt nhiệm vụ, Ty Công an Nghệ An đã quán triệt và vận dụng sáng tạo mọi chủ trương, đường lối, chính sách của cấp ủy Đảng, chính quyền, mệnh lệnh, chỉ thị, nghị quyết của Bộ Công an về công tác chi viện cho chiến trường vào điều kiện thực tế tại địa bàn tỉnh nhà; cụ thể ở một số nội dung sau:
- Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, xác định công tác chi viện cho chiến trường là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi CBCS Ty Công an Nghệ An. Chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bố trí nhân lực để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ chi viện cho chiến trường.
Do nắm bắt tình hình thực tế ác liệt của chiến trường miền Nam luôn đòi hỏi cán bộ An ninh ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí và quyết tâm chịu đựng khó khăn, gian khổ còn đòi hỏi kiến thức và trình độ nghiệp vụ chuyên môn sắc sảo để vận dụng vào thực tế công tác và chiến đấu ở chiến trường... nên Đảng đoàn, lãnh đạo Ty coi việc đào tạo, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ chuyên môn là việc làm then chốt, có ý nghĩa sống còn. Ngoài việc cử cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng do Bộ Công an tổ chức và triệu tập theo định kỳ hoặc đột xuất, Đảng đoàn Ty còn thường xuyên tổ chức tập huấn, mở các lớp đào tạo ngắn hạn với những kiến thức cơ bản mang tính tác nghiệp cụ thể cho số CBCS nằm trong dự kiến được chi viện cho chiến trường miền Nam qua từng đợt để trang bị kiến thức bước đầu trước khi có lệnh lên đường.
- Việc sắp xếp, bố trí lực lượng để tạo nguồn cho đội ngũ chi viện đã được Ty Công an chú trọng ngay từ đầu. Trong biên chế của Ty Công an Nghệ An lúc này có đến mấy chục CBCS là người miền Nam tập kết, là Công an cũ hoặc mới được tuyển chọn sau này. Họ là những người đầu tiên có nguyện vọng được trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Đáp ứng nguyện vọng đó, Đảng đoàn, lãnh đạo Ty Công an đã có chủ trương vừa sử dụng họ để phục vụ công tác trước mắt, đồng thời có hướng đào tạo lâu dài để phục vụ công tác chi viện cho An ninh miền Nam sau này.
Ngoài ra, do xác định nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là nhiệm vụ chung của cả nước, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân nước Việt nói chung và từng CBCS Công an nói riêng, nên ngay từ đầu, Ty Công an Nghệ An đã chủ động mở rộng nguồn chi viện đến cả CBCS là người Nghệ An. Chủ trương sát đúng này của Công an Nghệ An phù hợp với chủ trương chung của Bộ Công an sau này.
Để chủ động phục vụ nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, hàng năm, Ty Công an Nghệ An đã đề xuất tăng biên chế, để có biên chế dự trữ, “gối đầu” phòng bị khi rút lực lượng không bị hụt hẫng về nhân sự và tổ chức. Tiếp thu tinh thần của Bộ, Đảng đoàn Ty Công an đã xác định tiêu chí và điều kiện CBCS Công an chi viện phải đảm bảo các yếu tố sau: Tự nguyện xung phong, khi đi chi viện thì gia đình ít khó khăn hoặc không gặp khó khăn; là đảng viên, có trình độ trung, sơ cấp trở lên, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ, công tác vận động quần chúng tốt; có sức khỏe, thể lực tốt, dẻo dai, kiên trì... trong rèn luyện thể dục, thể thao, vũ thuật, điều lệnh nội vụ...
Với chủ trương và biện pháp trên đây, hàng năm, qua các đợt phát động chi viện cho An ninh miền Nam, trên 90% CBCS đã đăng ký tình nguyện lên đường chi viện. Tính từ tháng 7/1962, đợt chi viện đầu tiên do Bộ Công an tổ chức và quản lý (lớp A4, B2) cho đến tháng 4/1975, Ty Công an Nghệ An đã chi viện cho An ninh miền Nam 430 đồng chí. Kể từ năm 1965 trở đi, hầu như năm nào Ty Công an Nghệ An cũng đều có CBCS lên đường chi viện cho An ninh miền Nam.
Trong đó, có những đợt số lượng CBCS chi viện đông hoặc rất đông: Đầu năm 1965: 19 đồng chí, cuối năm 1967: 10 đồng chí, đầu năm 1972: 18 đồng chí. Đặc biệt, đầu tháng 1/1975, để phục vụ cho chiến dịch mùa xuân năm 1975, Ty Công an Nghệ An đã điều động một số lượng đông tuyệt đối: 338 CBCS thuộc nhiều lực lượng nghiệp vụ khác nhau, thần tốc chi viện cho chiến trường.
Tổng số CBCS của Công an Nghệ An chi viện cho chiến trường trong 13 năm (từ năm 1962 - 1975) xấp xỉ bằng tổng biên chế của Ty năm 1965 (430/486 đồng chí), chiếm 66% tổng biên chế trung bình hàng năm của Ty trong 10 năm (từ năm 1965 - 1975). Với điều kiện khốc liệt của chiến tranh, ở một địa bàn được xác định là tuyến lửa, vừa là hậu phương trực tiếp vừa là tiền tuyến kiên cường như Nghệ An thì những thành tích trên của công tác chi viện cho chiến trường quả là một kỳ tích!
Trong số CBCS Ty Công an Nghệ An chi viện cho chiến trường có 1 đồng chí là Phó trưởng ty, hàng chục đồng chí là lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố; là cấp ủy, chỉ đạo các đơn vị cơ sở... Họ đều là những người được thử thách, rèn luyện qua thực tế chiến đấu, có nhiều thành tích và dày dạn kinh nghiệm; có bản lĩnh chính trị vững vàng. Họ thực sự là những người con ưu tú “vừa hồng, vừa chuyên”.
Đó là những người đầu tiên xung phong tình nguyện đi chiến trường trong mỗi đợt phát động phong trào vào Nam chiến đấu. Khi vào đến chiến trường, họ đã hòa nhập nhanh vào thực tế cuộc sống và chiến đấu ở địa bàn từ Trị - Thiên đến Cà Mau và Ban An ninh Trung ương cục miền Nam. Qua khói lửa chiến tranh và cuộc sống gian khổ nơi chiến trường, các đồng chí đã phát huy truyền thống quê hương Xô Viết anh hùng, kiên trì đấu tranh, gắn bó với nhân dân, đoàn kết với đồng chí, đồng đội, với cán bộ địa phương; phát huy tác dụng nhiều mặt cả về chính trị, nghiệp vụ, vũ trang trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy Đảng ở địa phương.
Nhiều đồng chí có trình độ và khả năng về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu..., đã trở thành cán bộ lãnh đạo với nhiều trọng trách khác nhau hoặc trở thành nòng cốt của lực lượng An ninh các cấp. Sau ngày toàn thắng mùa xuân năm 1975, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, gần 1/2 số CBCS chi viện đã tình nguyện ở lại các tỉnh phía Nam, tiếp tục công tác trên nhiều cương vị và lĩnh vực khác nhau.
Qua tổng kết sau chiến tranh, trong số 430 CBCS của Ty Công An Nghệ An chi viện cho An ninh miền Nam, không có đồng chí nào cầu an, sợ chết, thoái hóa biến chất, giảm sút ý chí chiến đấu dẫn đến khai báo, đầu hàng, phản bội. Ngược lại, họ đều xứng đáng với trọng trách và niềm tin mà cấp ủy, lãnh đạo Ty Công an Nghệ An đã giao phó trước lúc lên đường. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại chiến trường miền Nam, đã có 63 CBCS Công an là con em xứ Nghệ mãi mãi không trở về với quê hương nơi họ đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi ra đi (trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Công an Nghệ An có 10 đồng chí hy sinh); gần 100 đồng chí khác là thương, bệnh binh các loại.
Số CBCS hy sinh trên các chiến trường ở miền Nam gấp 6,3 lần số CBCS hy sinh trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở tuyến lửa Nghệ An. Trong số các đồng chí ngã xuống, có nhiều đồng chí đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng, nêu gương sáng trong trang sử vàng truyền thống Công an Nghệ An; được đồng bào miền Nam ruột thịt mãi mãi ghi nhớ, trân trọng và kính phục. Tiêu biểu là các đồng chí: Nguyễn Đức Thung, Bùi Huy Giáp, Đỗ Ngọc Huyền, Trần Thanh Hồng...
.