Phóng sự

Giải cứu 5 đứa trẻ trong xưởng may hành xác tuổi thơ

09:18, 14/10/2014 (GMT+7)
Từ thông tin cầu cứu của độc giả qua đường dây nóng Báo Công an TP.HCM về một “công xưởng khổ sai” bóc lột lao động trẻ em tại Q.Bình Tân, TP.HCM, phóng viên khẩn trương xác minh và nhận thấy đúng như nguồn tin cung cấp, liền phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, giải cứu thành công 5 đứa trẻ. Trước đó, nghe lời rủ rê, dụ dỗ vào TP.HCM có việc làm ổn định, thu nhập cao, các em đã đi theo, không ngờ rằng phải “cày” từ sáng sớm đến tối khuya chỉ với đồng lương ít ỏi.
Toàn cảnh xưởng may
Toàn cảnh xưởng may "hành xác" lao động nhí
 
TIẾNG KÊU KHẨN THIẾT TỪ THANH HÓA
 
“Các anh cứu con tôi với, cháu còn nhỏ dại lắm mà phải làm quần quật suốt ngày. Nó mới học đến lớp 6 giờ phải nghỉ ngang vào TP. Hồ Chí Minh để tìm việc nhưng ai ngờ lại gặp bi kịch đến vậy” – một người cha (xin giấu tên) của các em gọi cho chúng tôi từ Thanh Hóa.
 
Theo lời cha nạn nhân, vì gia đình quá nghèo nên khi có người về quê tìm lao động vào làm trong xưởng may ở TP.HCM, công việc nhàn hạ lại có lương coa nên nghỉ học đi theo. Không ngờ, khi vào lao động tại đây, bị vắt kiệt sức lao động, cháu bé chỉ còn cách lén gọi điện về kể lại với gia đình và khóc nức nở qua điện thoại. Cuộc sống của em và bạn bè chỉ biết làm suốt ngày và không được đi đâu cả dù là ngày nghỉ. Xưởng may mà bạn đọc cho biết ở gần kênh 19 – 5 (KP.12, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân).
Hai trong số 5 lao động nhí phải làm việc quần quật suốt ngày
Hai trong số 5 lao động nhí phải làm việc quần quật suốt ngày
Hai trong số 5 lao động nhí phải làm việc quần quật suốt ngày
Chắp nối các nguồn tin lại với nhau, chúng tôi chia nhau đi tìm các xưởng may như người cha tội nghiệp đã mô tả. Vùng phía tây TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ, dọc ngang những con đường lớn nhỏ, công trình xây dựng đan xen bờ kênh 19 – 5, lại nằm gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa nên gây rất nhiều khó khăn để phóng viên xác định “tọa độ” cần tìm.
 
Qua nhiều con đường và con hẻm ngoằn ngoèo dưới trời nắng như đổ lửa, chúng tôi xác định điểm đến nằm ở địa chỉ 276/7 đường số 11, KP.12, P. Bình Hưng Hòa. Đó là một căn nhà bề ngang rộng chừng bốn mét, dài mười mét nhưng “nhét” tới bảy lao động chưa kể vợ chồng chủ cơ sở. Các em đều chăm chú may gia công. Mới sáng sớm mà nhiều em phải cởi trần hùng hục vì nóng, khuôn mặt ai cũng đỏ gay, dán mắt vào đống áo quần vương vãi trên nền nhà. Vợ chồng ông chủ luôn đi qua lại để xem các em làm việc có nghiêm túc hay không.
 
Sống ở gần căn nhà này, bà V. cho biết: “Tụi nhỏ làm chăm chỉ lắm mà không thấy chúng ăn uống gì. Có đứa chỉ mới mười tuổi. Tiếng máy may ầm ĩ cả ngày. Đứa thì đạp máy may, đứa thì vắt máy sổ, tội nghiệp lắm. Mấy hôm trời nóng, đi ngang qua xưởng may gia công này mà tôi thấy đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại dưới trần nhà nóng hầm hập”.
Ông Nguyễn Đình Hùng chủ cơ sở
Ông Nguyễn Đình Hùng chủ cơ sở
Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng, phóng viên đã liên hệ với UBND và CAP Bình Hưng Hòa đề nghị kiểm tra hành chính cơ sở may đang sử dụng nhiều lao động tuổi vị thành niên này.
 
CUỘC SỐNG ĐỌA ĐÀY
 
Chủ cơ sở là Nguyễn Đình Hùng (SN 1988, quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nói các em nhỏ được cha mẹ gởi vào học việc chứ không hề thuê mướn. Còn vợ ông Hùng là bà Lê Thị Tuyền (SN 1986, đồng hương với chồng) lại nói, các em là con cháu trong nhà, vào đây kiếm việc. Ông Hùng luôn miệng hỏi chúng tôi: “Ai là người cung cấp thông tin?” với nét mặt rất cau có.
Cởi trần trùng trục làm việc từ sáng đến khuya
Cởi trần trùng trục làm việc từ sáng đến khuya
 
Ngược lại với lời "trần tình" của vợ chồng chủ cơ sở, khi nói chuyện với các em chúng tôi được biết, chủ cơ sở ở đây về quê đưa các em vào làm với mức thù lao 60 nghìn/ngày, bao ăn ở nhưng phải làm việc từ sáng đến khuya. Năm em nhỏ đều có khuôn mặt non choẹt, nhỏ thó, lấm la lấm lét trả lời là…15 tuổi. Tuy nhiên, qua một số câu hỏi "nghiệp vụ" các em đã phải lúng túng thừa nhận số tuổi ít hơn. Điều này cũng dễ hiểu bởi trước đó các em đã được "dạy dỗ" cách trả lời nếu như có đoàn kiểm tra đến.
 
Điều đặc biệt, lúc chúng tôi đến đã gần 12 giờ chưa nhưng chưa thấy các em được ăn gì. Trước đó, theo nguồn tin báo thì các em làm ở đây không được ăn uống đầy đủ, nhiều lúc phải tự ra ngoài tìm mua mì ăn liền để ăn và không hề có đăng ký tạm trú tạm vắng.
 
Có mặt tại hiện trường, trung tá Võ Văn Nhân – CSKV KP.12, P.Bình Hưng Hòa đã lập biên bản hành vi vi phạm về tạm trú tạm vắng. Kết quả, ngoài vợ chồng chủ cơ sở, hai lao động đủ tuổi và có CMND là: Nguyễn Văn Mạnh (SN 1981) và Nguyễn Văn Châu (SN 1994, cùng quê Thanh Hóa). Năm đứa trẻ còn lại dưới tuổi quy định và không có CMND, không đăng kí tạm trú là: Trần Văn Tám (SN 1999), Cầm Bá Dừng (SN 2001) và ba anh chị em ruột gồm: Lang Văn Tuyên (SN 2000), Lang Thành Luân (SN 2001) và Lang Thị Xoan (SN 2002). Tất cả cùng ngụ tại xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.
 
Sau khi công an lập biên bản, cán bộ phụ trách khối bảo vệ trẻ em cũng có mặt để lấy thông tin. Ông Phạm Nguyễn Hữu Trung – Phó chủ tịch UBND  P. Bình Hưng Hòa cho biết, các thông tin này sẽ được báo về Phòng bảo vệ và chăm sóc trẻ em -Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Về phía chính quyền, cơ quan chức năng sẽ vận động, thuyết phục chủ cơ sở trả các emvề lại quê nhà vì không được sử dụng lao động dưới 15 tuổi. Sau đó sẽ lập biên bản xử phạt hành chính chủ cơ sở.
 
Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi. Do đó, việc sử dụng lao động dưới độ tuổi này là vi phạm pháp luật. Thông tư số 11/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (có hiệu lực từ ngày 1 – 8 - 2013) quy định danh mục công việc được sử dụng người dưới 15 tuổi thì làm ở xưởng may không nằm trong danh mục được cho phép. Khi tuyển dụng người dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Hàng năm, phải báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc.
 
Chủ cơ sở (bìa phải) kí biên bản vi phạm Luật Cư trú khi không đăng kí tạm trú
Chủ cơ sở (bìa phải) kí biên bản vi phạm Luật Cư trú khi không đăng kí tạm trú
 
Bà chủ cơ sở nói là các em do gia đình gửi vào nhưng sự thật không phải vậy

Bà chủ cơ sở nói là các em do gia đình gửi vào nhưng sự thật không phải vậy

Các lao động nhí làm việc trong điều kiện nóng bức, tạm bợ
Các lao động nhí làm việc trong điều kiện nóng bức, tạm bợ

 

 

Nguồn: Báo CATPHCM

Các tin khác