Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/bi-hai-doan-tuyet-tinh-than-vi-tranh-nhau-tai-san-cua-nha-nuoc-471516/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/bi-hai-doan-tuyet-tinh-than-vi-tranh-nhau-tai-san-cua-nha-nuoc-471516/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bi hài đoạn tuyệt tình thân vì tranh nhau "Tài sản của nhà nước"...! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 09/04/2014, 10:44 [GMT+7]

Bi hài đoạn tuyệt tình thân vì tranh nhau "Tài sản của nhà nước"...!

Ròng rã suốt nhiều năm trời, vì "tranh quyền làm chủ" nên những gốc mít cuối cùng trong vườn của ông Giác phải đốn hạ để bán lấy chi phí thuê luật sư sau 9 lần "hầu tòa" từ cấp huyện, tỉnh, cho đến Trung ương... Nhưng thật tiếc thay, khánh kiệt, tình láng giềng lại nghĩa tình thâm cũng đã bị mất đi, mà sự thật thì được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam làm rõ: "Mảnh đất hai bác cháu nhà ông Giác tranh chấp nhau 10 năm nay đích thị là của công"... Câu chuyện bi hài nhưng có thật ở thôn Phú Cốc Đông đã khiến dư luận một phen "cười ra nước mắt"...!
Nguyên đơn ông Tô Văn Giáp
Nguyên đơn ông Tô Văn Giáp
 
Hai bác cháu, 9 phiên xử và một mảnh đất
 
Dường như đường về thôn Phú Cốc Đông (thuộc xã miền núi Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) không còn xa thăm thẳm và quanh co nữa khi chúng tôi được ghe câu chuyện bi hài của bác cháu lão Giác từ miệng anh cán bộ tòa án dẫn đường. Không hài hước sao được khi hai bác cháu, một già đã 71 tuổi, một trẻ cũng ngoài 45, suốt mười năm ròng rã bền bỉ "đua" nhau hết khiếu kiện lên xã lại "vác" đơn lên huyện, tỉnh thậm chí cả Trung ương để tranh giành một mảnh đất… không phải của mình.
 
Vậy là chỉ vì một miếng đất không rõ ràng, mà hai gia đình, bác cháu đã đoạn tuyệt tình thân suốt gần 10 năm trời. Vậy nhưng, ngay cả khi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đưa ra phán quyết cuối cùng: "Mảnh đất tranh chấp đó là đất công. Cả nguyên đơn và bị đơn đều không có quyền làm chủ"... thì bị đơn ông cụ Tô Văn Giác (SN 1941) trước tòa vẫn một hai: Cho dù chỉ còn một "hột gộ" (hạt gạo, tiếng địa phương - PV) hay có tới 9, 10 phiên xử nữa tui vẫn kiện vợ chồng thằng Tuyển (Tô Tấn Tuyển - cháu ông Giác - PV) tới cùng...! Hoặc: "Hơn 70 tuổi rồi, sắp gần đất xa trời còn sống được bao lâu nữa đâu, tui chỉ muốn mồ hôi, công sức suốt mười năm qua không đổ xuống sống xuống bể..."...
 
Chuyện bắt đầu vào cuối tháng 12/1994, thực hiện chủ trương của nhà nước về việc phủ xanh đất trống đồi trọc, ông Giác viết đơn xin cấp đất để trồng rừng và được Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức giao cho một mảnh đất với diện tích 0,8ha đất lâm nghiệp tại thôn Phú Cốc Đông (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) theo Quyết định số 21/94/QĐ-UB của UBND huyện Hiệp Đức. Từ khi nhận đất ông Giác bắt đầu trồng keo lá tràm, bạch đàn, cây sao đen, muồng…
 
Tính đến đầu năm 2005, gia đình ông Giác đã thu hoạch hai lần với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. Mọi chuyện chỉ trở nên "rối rắm" vào cuối năm 2005, đang lúc gia đình ông Giác chuẩn bị trồng lứa cây mới thì bà Nguyễn Thị Sáu và ông Tô Tấn Tuyển (trú cùng thôn) đến ngăn cản, chặt phá cây của ông Giác và lấn chiếm trên 4.000m2.
 
Mảnh đất rừng tranh chấp của hai bác cháu ông Giáp tại thôn Phú Cốc Đông (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam)
Mảnh đất rừng tranh chấp của hai bác cháu ông Giáp tại thôn Phú Cốc Đông (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam)
 
Lý do mà vợ chồng bà Sáu đưa ra là ông Tô Tấn Tuyển mới là chủ nhân thực sự của mảnh đất này. Nguyên thủy mảnh đất này của bà Yên. Vào năm 1988, gia đình bà Yên chuyển vào Nam sinh sống nên chuyển nhượng mảnh đất này cho ông Nguyễn Anh Sơn. Đến năm 1990, ông Sơn cũng chuyển vào Sài Gòn nên tiếp tục nhượng mảnh đất cùng toàn bộ số cây keo, muồng, nhãn… lại cho vợ chồng bà Sáu - ông Tuyển. Cả hai lần "sang tên, đổi chủ" đều có giấy viết tay, nhưng không có chứng thực của chính quyền địa phương...
 
Ai cũng có lý lẽ, chứng thực khẳng định "chủ quyền" của mình nhưng lại bất nhất, bất hợp tác tìm giải quyết chung... cho nên giữa ông Giác và vợ chồng ông Tuyển vốn là họ hàng, bác cháu tuy không đến mức phải "động thủ" nhưng cuộc tranh cãi đã diễn ra hết sức kịch tính.
 
Quá bức xúc, ông cụ Giác đâm đơn thưa kiện đến chính quyền xã Quế Thọ... Chính quyền địa phương ngay sau đó đã vào cuộc, tiến hành hòa giải. Nhưng năm lần, bảy lượt cách giải quyết chưa thấu đáo, khiến hai bác cháu nhà ông Giác do không ai chịu ai vẫn lại bền bỉ "đua" nhau hết khiếu kiện sự việc lên xã, "vác" đơn lên huyện,  tỉnh, thậm chí cả Trung ương để tranh giành mảnh đất…
 
Chính quyền địa phương hòa giải bất thành, hai bên quyết lôi nhau ra tòa để nhờ pháp luật phân xử. Ông Giác gửi đơn khiếu kiện đến tòa án nhân dân (TAND) huyện Hiệp Đức, yêu cầu tòa công nhận quyền sử dụng mảnh đất tranh chấp trên là của mình và buộc ông Tuyển phải chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất. Đồng thời, ông cũng yêu cầu vợ chồng ông Tuyển phải bồi thường 270.000 đồng vì cho rằng đã chặt, phá cây của mình.
 
Hồ sơ giấy tờ biên bản bàn giao đất rừng cho ông Tô Văn Giác do UBND huyện Hiệp Đức cấp
Hồ sơ giấy tờ biên bản bàn giao đất rừng cho ông Tô Văn Giác do UBND huyện Hiệp Đức cấp
 
Phía gia đình ông Tuyển cũng không chịu kém cạnh, ông Tuyển ủy quyền cho vợ mình là bà Nguyễn Thị Sáu đứng đơn khiếu nại yêu cầu tòa công nhận mảnh đất trên cho gia đình mình... Suốt gần 10 năm ròng rã với tổng cộng 9 phiên tòa từ cấp huyện, tỉnh cho đến Trung ương đã được mở ra. Tuy nhiên, cứ mỗi lần tòa tuyên gia đình này thắng kiện là gia đình kia lại gửi đơn kháng cáo, Viện Kiểm sát (VKS) thẩm tra hồ sơ hủy bản án, tiến hành điều tra lại.
 
Vụ việc diễn tiến lập lại theo đúng "kịch bản" khiến cán bộ Tòa án, VKS, chính quyền xã cho đến người dân trong thôn Phú Cốc Đông hết sức ngao ngán, chỉ có hai bên thưa kiện cáo thì lần kiện sau còn "hung hăng" hơn cả lần trước, bên nào cũng khăng khăng là mình… đúng!.
 
10 năm tranh chấp chỉ vì giành "tài sản của nhà nước"...
 
Chuyện gần 10 năm trời hai bác cháu cứ lôi nhau ra tòa để tranh giành bằng được mảnh vườn rừng cằn cỗi trị giá khoảng 17 triệu đồng làm dư luận không khỏi cười chê. Bên nào cũng khăng khăng khẳng định mảnh đất đang tranh chấp là của mình và cứ đinh ninh là cứ ra tòa, pháp luật sẽ xử phần thắng cho mình vì những chứng cứ mười mươi… Tuy nhiên, đã có đến 9 phiên xử mở ra nhưng vẫn không giải quyết được dứt điểm vụ kiện tụng rắc rối gây ảnh hưởng dư luận này.
 
Trước sự việc, cuối năm 2013 UBND huyện Hiệp Đức đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện về đo vẽ lại diện tích đất thực tế đang tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển để có căn cứ chính xác nhất cho TAND tỉnh Quảng Nam xử lần cuối. Oái oăm thay, sau khi cán bộ TNMT huyện, chính quyền thôn, xã Quế Thọ trực tiếp xuống hiện trường đo vẽ tỷ mỷ thì lại thu được một kết quả thật bất ngờ và vỡ lẽ: "Mảnh đất rừng mà gần 10 năm hai bác cháu ông Giác - Tuyển tranh nhau "nảy lửa" lại là đất của Nhà nước, chưa hề giao quyền sử dụng cho ai".
 
Bi hài hơn cho ông Giác và ông Tuyển khi đầu tháng 12/2013, UBND huyện Hiệp Đức gửi kết luận đến TAND tỉnh Quảng Nam, xác nhận: "Thửa đất cấp cho ông Giác trong năm 1994 với thửa đất đang xảy ra tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển ở hai vị trí khác nhau, có tọa độ khác nhau và cách nhau 272m. Mảnh đất đang tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển hiện chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cấp cho ai".
 
Ngày 30/12/2013, căn cứ vào kết luận trên của UBND huyện Hiệp Đức, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên đình chỉ việc giải quyết yêu cầu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Giác và ông Tuyển. Phần đất tranh chấp trên thuộc thẩm quyền của UBND huyện Hiệp Đức...
 
Vậy là chỉ vì một miếng đất không rõ ràng, mà hai gia đình đã đoạn tuyệt tình thân suốt gần 10 năm trời. Chiếc xe đạp mà ông Giác sử dụng trong những ngày đầu thưa kiện giờ lốp đã mòn trơ cả lõi, hàng mít cổ thụ trong vườn cũng đã đốn hạ hết để bán lấy chi phí thuê luật sư "hầu tòa". Ngay cả ông cụ Giác cũng thừa nhận: "Tiền bán mảnh đất chắc chi bù đủ tiền xăng xe, đi lại từ bấy đến nay chứ đừng nói đến chi phí án tòa… Hơn 70 tuổi rồi, còn sống được bao lâu nữa đâu, nhưng tui chỉ muốn mồ hôi, công sức suốt mười năm qua không đổ xuống sống xuống bể..." - vừa nói, ông Giác vừa lật đật cầm lá đơn khiếu kiện gửi lên xã.
 
Bên nhà láng giềng, vợ chồng ông Tuyển cũng không chịu thua, tiếp tục hối hả đem lá đơn viết vội lên ủy ban xã để đua với ông bác già... Có vẻ như cả hai bên vẫn chưa muốn từ bỏ vụ kiện tụng... Chỉ có dư luận huyện Hiệp Đức, họ hàng con cháu của cả ông cụ Giác và vợ chồng ông Tuyển thì vừa buồn cười cho sự hiếu thắng vô lý vừa ngao ngán cho một tình láng giềng lại nghĩa tình thân bị mất đi chỉ vì một mảnh đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước....!
 
Theo ông Nguyễn Mậu Hẹn, Chủ tịch UBND xã Quế Thọ cho biết: "Đây là vụ kiện tụng khiến chính quyền đau đầu nhất trong suốt những năm qua. Dù đã có kết luận chính thức từ TAND tỉnh Quảng Nam từ cuối năm 2013 nhưng các bên liên quan vẫn cố chấp.
 
Theo Luật sư Trần Thiện Thanh (VP Luật sư Trần Thiện Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng): Vụ án của ông Giác cho thấy các cấp tòa trong vụ án này đã không làm hết trách nhiệm của mình. Trong vụ việc, cán bộ địa chính xã và huyện cùng cán bộ thôn cũng thiếu trách nhiệm, thiếu thực tế, nắm bắt bản đồ địa chính địa phương không kỹ... Nếu ngay từ đầu tòa án các cấp cùng các cơ quan liên quan làm hết trách nhiệm để phát hiện ra đó là đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì mọi chuyện không kéo dài đến 10 năm.

 

.

Nguồn: CSTC