Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/nuoc-mat-me-goa-con-coi-471137/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/nuoc-mat-me-goa-con-coi-471137/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nước mắt mẹ góa con côi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 08/04/2014, 09:16 [GMT+7]

Nước mắt mẹ góa con côi

Nếu hỏi có gì đặc biệt ở xóm “Việt kiều” từ Campuchia trở về sống giữa rừng cao su (ấp Bà Phái - Bến Cát - Bình Dương), thì ngoài sự khổ, cái đói, cái khát như thời nguyên thủy, người ta sẽ nắm vạt áo than rằng: "Chúng tôi là xóm góa chồng". Câu nói ấy, ánh mắt thăm thẳm ấy xoáy vào lòng người như van lơn, cầu khẩn, cần một sự sẻ chia thật chua chát: "Và, chúng tôi chỉ cần gạo".
 
Nỗi đau từ Biển Hồ
 
Chúng tôi rất vất vả khi chạy theo xe anh Phó Chủ tịch xã Long Nguyên trên cung đường len lỏi giữa cánh rừng cao su, hết khúc cua này đến đoạn rẽ khác, thấp thoáng có bóng nhà nhỏ bé ẩn mình hun hút giữa bạt ngàn. Lại gặp ông Trưởng ấp Bà Phái Nguyễn Văn Có, ông Có nói như trút lòng: "Khổ lắm cơ, họ sống như thời nguyên thủy. Ăn đói mặc rách, ở túp lều phải dựa lưng vào cây cao su, nhờ tán cây hứng bớt mưa nắng. Đi theo tôi". Vậy là chúng tôi có hai người dẫn đường, một phó chủ tịch xã, một trưởng ấp.
 
Đi qua độ chục lô cao su thì đến xóm lều tranh của những cư dân đến từ Biển Hồ (Campuchia). Một đám trẻ con đang tắm tiên bên cạnh mấy cái lu nước sứt mẻ, gỉ ố. Chúng tự tắm và tự giặt quần áo. Chúng cười, răng rợi cái còn cái sứt, tóc xù lên, da xám lại. Gia đình chúng tôi tiếp cận đầu tiên là mẹ con chị Phạm Thị Hà (29 tuổi). Người đàn bà này được xem là hạnh phúc nhất ở cái xóm này bởi vẫn còn chồng. 29 tuổi, Hà mang dáng dấp khổ hạnh, thân hình còm cõi, héo úa đã đẩy lùi vẻ xuân sắc, mặn mòi của gái 2 con.
 
Trẻ con ở đây hầu hết là suy dinh dưỡng
Trẻ con ở đây hầu hết là suy dinh dưỡng
 
Hạnh kể, chị không biết mình quê quán ở đâu, miệt nào của Nam Bộ. Mở mắt ra đã thấy mình lênh đênh trên Biển Hồ Tonle Sap (thuộc tỉnh Siem Reap, Campuchia). Cha mẹ Hạnh mưu sinh bằng nghề đánh cá, sống tầm gửi dạt du trên những chiếc thuyền chài ọp ẹp. Ở Biển Hồ không riêng gì gia đình Hạnh, mà còn một bộ phận người Việt quần tụ, và gửi thân ở đây. Biển Hồ chỉ có thế, nó không lớn hơn, cũng không bồi đắp, người ngày càng sinh sôi nảy nở, cá tôm vắng vẻ dần, chúng sinh sản không kịp cho con người đánh bắt.
 
Thế là, cuộc sống đói lụi đi. Mẹ Hạnh bỏ lên bờ theo người khác. Cha Hạnh dặt dẹo trong khốn khó, đau buồn thêm hai năm nữa đã nằm lại Biển Hồ. Hạnh lấy chồng gốc Campuchia, sinh được đứa con trai, con vẫn đang bú sữa thì chồng bỏ đi, biền biệt từ đó. Hạnh một mình ôm con dắt theo đứa em gái lững chững quay về Việt Nam cùng vài người bà con nữa. Năm 2009, nhóm Việt kiều Campuchia về nước, trôi dạt đến vùng Bến Cát này, xin dựng túp lều trong rẫy cao su nương náu. Hạnh nhanh chóng bén duyên với chàng trai bản địa nghèo rách, và nhanh chóng cho ra đời một thằng cu suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Chồng Hạnh là đàn ông duy nhất ở xóm này, làm nghề phụ hồ, bốc vác. 
 
Khi mẹ đi kiếm gạo, chúng ở nhà tự tắm, tự giặt quần áo
Khi mẹ đi kiếm gạo, chúng ở nhà tự tắm, tự giặt quần áo
Chị kiêu hãnh tự nhận mình là đàn bà có chồng, khi chị đưa mắt về phía căn chòi kế bên của chị Mai Thị Chân (31 tuổi), nói: "Bên đó mẹ góa con côi đó. 4 thằng con trai chứ ít gì". Cái chòi mẹ góa con côi ấy làm theo dạng nhà sàn, xung quanh quây bạt, trên đỉnh lợp lá dừa, chắn cây que nhộm nhoạm để tránh gió thốc. Chị Chân đi lượm ve chai chưa về, có 4 đứa con thoai thoải đang vầy vũng đất cát ngoài sân. Cuộc đời người đàn bà góa chồng nghe như sát muối vào tim gan, người ta kể, tôi chưa tin, tôi quyết tâm chờ để gặp bằng được chị Chân.
 
Trời sẩm tối, muỗi bắt đầu hòa tấu bản nhạc rừng ò e như đưa đám. Như khung cảnh ở đây, màu đời, số phận buồn ảm, đen tối khác nào mực. Chị Chân chạy chiếc xe máy phành phạch chồm lên nhào xuống dưới mô đất gồ ghề của rừng cao su. Vừa thấy dáng mẹ, bốn đứa con nhào lại, chúng mong mỏi từ lâu lắm rồi. Trên tay Chân, thứ duy nhất đó là một bọc thuốc viêm phụ khoa và lọ cốm thuốc loại nhỏ nhất. Lũ trẻ xé nhau ăn, nhấm nháp câng cấc và cười khoái chí. Người mẹ góa này nhỏ lắm, thêm chứng bệnh lúc tỉnh lúc mê nên chẳng biết thế nào mà đoán. Cuộc đời Chân hiện lên, xé xạm xịt, tối hơn bầu trời đen đặc lúc này. Chân chỉ vào bốn đứa con, ba đứa lớn cùng cha, còn đứa nhỏ thì… bị người ta "bỏ của" chạy lấy người.
 
Lôi thằng lớn nhất 11 tuổi lại, Chân chỉ vùng xương ức của no,á nói tỉnh queo: "Ở bên đó bị bố nó đánh gãy tan xương ngực, giờ vẫn còn trồi ra nè. Tôi hận quá bế con chạy trốn sang đây với mẹ ruột. Từ ngày sang đây, bố nó cũng không thấy động tĩnh gì, vậy là xong". Chính vì không thấy gì nên trong những ngày tháng heo hút, cô quạnh, Chân đã "ngả ngới" với một anh chàng gốc Đồng Tháp lên Bến Cát làm ăn. Thời gian chung chạ chẳng là bao, anh ta ra đi để lại "cục thịt" ngoe nguẩy chốn rừng sâu. Thằng bé chưa được một năm, Chân bỏ ở nhà cho thằng lớn trông nom để đi mót mủ cao su kiếm gạo. Mùa này mủ khô người ta tạm nghỉ cạo thì đói lăn lóc. Chân mò mẫm đi mót điều kiêm lượm ve chai. Sáng sớm đi làm vắt đụm sữa vào cái cốc để đó cho thằng út, tối sẩm mới vác cái xác phờ phạc về, ngực căng nhức sữa.
 
Những căn còi như thế này hễ gió mạnh là bay tan tác mọi thứ
Những căn còi như thế này hễ gió mạnh là bay tan tác mọi thứ
 
Chân dẫn chúng tôi trèo lên nhà sàn, chị vạch túm nilôn phía ngoài ra, bên trong tối thăm thẳm, soi đèn vào mới thấy một đống rẻ rách, tấm chăn rách. Chân ngại ngùng bảo: "Mẹ con em ngủ ở đây. Phía trên che bạt nhưng mưa vẫn giọt nhiều lắm. Mà sợ nhất là cây đổ trúng người mấy đứa nhỏ". Thứ quý giá nhất trong căn lều sàn của mẹ con Chân là hai bức ảnh, một hình 4 anh em cười nắc nẻ, hai là tấm chân dung chị Chân thuở xuân thì. Và lương thực treo lung lẳng trên thanh tre trước chỗ nấu ăn là ba con cá khô, ố màu bồ hóng.
 
"Chúng tôi chỉ cần gạo"
 
Ở xóm này có gần 50 đứa trẻ tuổi 15 trở xuống, 80% đàn bà không có chồng. Hỏi vì sao lại thế? Chị Chân buông lời nghe xót xa: "Họ thấy khổ quá thì bỏ đi chứ sao. Con đông nheo nhóc, làm chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Sống cảnh không có cục đất chọi chim, họ chịu không nổi. Đàn bà không bỏ được con thì phải chấp nhận. Nhiều con cũng tốt, hy vọng nuôi con lớn sẽ được nhờ nó sau này". Bĩ cực là vậy, nhưng chị Chân vẫn không hề ân hận về việc sinh nhiều con, cái lý của người đàn bà này như là niềm hy vọng cuối cùng, một chút le lói về viễn cảnh tương lai.
 
Nhà kế bên là mẹ ruột chị Chân, cũng cảnh góa bụa thảm thương hơn. Một nách bà nuôi thằng con đích tôn bị liệt nửa người, một nách nuôi đứa con của người em gái ruột. Cha mẹ đứa trẻ ấy đều chết ở Biển Hồ, bà xách nó về vì không còn ai thân thích trên đời này nữa.
 
Kể về những người phụ nữ ở đây như một câu chuyện dài không có hồi kết. Người nọ chỉ người kia, cùng một số phận, nghịch cảnh. Khi chúng tôi đang hỏi chuyện chị Hạnh thì một người phụ nữ từ lâu vẫn ngồi nghe ngóng chợt òa lên: "Còn tôi nữa, cũng mẹ góa con côi nè. Tôi sống ở lô cao su bên kia, bên đó còn bà Hai, bà Lành, bà Xiên cùng phận, chút nữa cô sang chỗ lán tụi tôi mà coi". Rồi bà bán vé số tất tả chạy lại mặt méo như bị điện giật than thở rằng, bà khổ lắm, bằng này tuổi rồi vẫn phải đi bán vé số nuôi cháu. Bà có chồng nhưng con gái bà thì góa ngay từ khi sinh đứa con đầu lòng. Góa xong, cô con gái buồn tủi làm sao tự vẫn chết, để lại đứa trẻ còn đỏ hỏn cho bà. Vỗ vào mông đứa bé, bà Lan mắng hờn: "Nuôi biết bao giờ mới lớn, cha mẹ mày làm khổ tao mà".
 
Tác giả cùng năm mẹ con chị Chân trước căn chòi giữa rừng cao su
Tác giả cùng năm mẹ con chị Chân trước căn chòi giữa rừng cao su
Khi quay về Việt Nam sinh sống, hầu như họ không có bất cứ một thứ giấy tờ tùy thân nào. Họ sống tầm gửi trong những lều lán giữa rừng cao su. Mỗi lô cao su người chủ chỉ cho dựng tối đa là ba đến bốn cái lều, vì sợ họ sống quần tụ gây mất an ninh trật tự. Chủ này đuổi lại van xin người chủ khác thương tình cho dọn cái lán sang ở. Cứ thế, ở năm bảy lô cao su, có năm bảy cái xóm Việt kiều, nhẩm tính khoảng hơn một trăm con người, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm đa số.
 
Theo ông Trưởng ấp Nguyễn Văn Có, thì họ sống bằng nghề mót mủ cao su và lượm ve chai, đói quá thì cũng đi ăn trộm vài thứ lặt vặt. Vì họ không có giấy tờ nên công ty, xí nghiệp không nhận. Những đứa trẻ sinh ra một cách vô tội vạ, chẳng biết kế hoạch là gì. Có lẽ vì "khát" đàn ông quá nên chị Hạnh vừa quay về đã lấy ngay được chồng, chị Chân cũng nhẹ nhàng "góp gạo thổi cơm chung" với một anh chàng để rồi anh ta "chùi mép" bỏ đi, để lại đứa con ngoài giá thú. Những đứa trẻ ở đây từ 15 tuổi trở xuống chưa biết đi học là gì, tiền không có đã đành, nhưng chúng không có giấy khai sinh, thuộc diện ngụ cư bất hợp pháp.
 
Bóng tối ập về hoang vu giữa cánh rừng, tôi chợt chạnh lòng khi nhìn những đứa trẻ mắt tròn xoe ngơ ngác, tay ôm lưng chén cơm trắng. Chúng nhung nhúc như một bầy kiến đói, nhếch nhác và èo uột. Thế giới của chúng là những cánh rừng cao su mênh mông, bầu trời lọt giữa tán lá hoang hoác như chính cuộc đời rách nát của cha mẹ chúng. "Chúng tôi chỉ cần có gạo". Câu nói ấy dằn vò tôi, ám ảnh bất cứ ai một lần gặp, thấy để thấu hiểu nỗi chua xót trong những phận đàn bà góa bụa. Và tôi hứa, về thành phố sẽ đi tìm gạo cho bọn trẻ.
 
Chúng tôi hy vọng nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm, các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân để vực dậy cuộc sống cho những con người khốn cùng này.
 
Anh Nguyễn Hoàng Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Long Nguyên (Bến Cát - Bình Dương):
 
"Yêu cầu đặt ra là phải xác minh được nguồn gốc, xuất xứ của họ. Tuy nhiên, việc này đang là trở ngại lớn bởi họ từ Campuchia về Việt Nam bằng con đường không chính thức. Họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cùng chung tay phối hợp để sớm tìm ra hướng giải quyết giúp đỡ bà con".
.

Nguồn: CSTC