Nhà báo rởm Hoàng Thị Hường |
Vốn xuất thân là một cô giáo làng, nhưng không an phận với cuộc sống của mình mà bỏ chồng, bỏ con lên Hà Nội để kiếm cơ hội đổi đời. Để kiếm được tiền một cách nhanh chóng, thị đã nghĩ ra cách đi lừa đảo. Nhưng hành vi lừa đảo của “nữ phó tổng biên tập” giả mạo này đã sớm bị phát hiện và đưa ra ánh sáng.
Giả nhà báo lừa nhân dân
Ngày 21/2/2012, Cơ quan điều tra, Công an quận Đống Đa đã tiến hành bắt giữ đối tượng Hoàng Thị Hường vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Việc bắt giữ Hường được khởi nguồn từ lá đơn tố cáo của một người dân tên Thủy sống ở phường Quang Trung (quận Đống Đa).
Bà Thủy vốn hành nghề bán thịt lợn tại chợ Thái Hà, Hường lại thường xuyên qua quầy của bà để mua hàng. Dù mới chỉ biết nhau từ đầu năm 2011, nhưng với bề ngoài giàu có, phong cách mua hàng thoải mái nên bà Thủy rất có cảm tình với Hường. Quen biết được một thời gian thì Hường nói với bà Thủy rằng có thể xin được cho con bà vào một trường đại học. Vì học lực của con khá yếu nên nghe vậy bà Thủy liền đồng ý. Theo như lời hướng dẫn của Hường thì bà Thủy phải chuẩn bị hơn 200 triệu đồng đưa cho thị để lo liệu mọi việc.
Làm theo hướng dẫn và lời đề nghị của Hường, bà Thủy đưa cho thị số tiền 240 triệu đồng, cùng với 500 USD để lo việc. Cầm tiền trong tay Hường khẳng định rằng, cứ ở nhà chờ đợi sẽ có giấy báo đỗ đại học gửi về tận nhà. Được lời hứa như vậy, bà Thủy cứ chắc mẩm con mình đã đỗ đại học và yên tâm ở nhà chuẩn bị ăn mừng cho con. Cho đến khi các trường thông báo thí sinh trúng tuyển và gửi giấy báo về, thấy con mình vẫn chưa có thông báo gì, bà Thủy liền gọi cho Hường để hỏi.
Lúc này, Hường bảo rằng, con bà Thủy được xét tuyển vào đợt 2 nên phải chờ đợi và phải mất thêm 50 triệu nữa. Làm theo lời nói của Hường nhưng cho đến khi kết thúc việc xét tuyển đợt 3, vẫn chưa thấy có giấy báo gửi về nhà, bà Thủy bắt đầu sinh nghi nhưng vẫn kiên nhẫn hỏi Hường. Tuy nhiên, mỗi lần bị gặng hỏi, Hường thường có thái độ lảng tránh và khất lần. Cực chẳng đã và biết mình đã bị lừa, bà Thủy đã lên cơ quan điều tra khai báo sự việc.
Ngay lập tức cơ quan điều tra vào cuộc và chân tướng sự việc nhanh chóng được đưa ra ánh sáng. Với rất nhiều dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, cộng với những bằng chứng xác đáng, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ Hường. Tại cơ quan điều tra, Hường đã khai báo toàn bộ hành vi lừa đảo của mình đối với bà Thủy. Tuy nhiên, nhận thấy Hường không thể chỉ lừa đảo một người, nhóm trinh sát tiếp tục đấu tranh đối tượng lừa đảo này. Lúc này, Hường mới khai nhận rằng đã lừa đảo rất nhiều người khác và số tiền thị thu được đã lên đến con số vài tỷ đồng.
Khoảng 2 năm trở lại đây, Hường sống ở khu vực phường Quang Trung và cũng trong thời gian này, thị đã lừa gạt được rất nhiều người với nhiều chiêu bài khác nhau. Trong tay thị hiện cầm rất nhiều hồ sơ xin chuyển công tác từ các tỉnh về Hà Nội, thậm chí có nhiều hồ sơ xin vào các ngân hàng như: Dầu khí, Công Thương, Hàng hải… và vào các bệnh viện như: Phụ sản Hà Nội, Xanh Pôn, quận Đống Đa… Ngoài ra còn có hồ sơ xin vào Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình, Cục văn thư…
Với việc giả danh một “nữ phó tổng biên tập”, Hường rất dễ dàng trong việc lấy lòng tin của nhân dân. Số tiền Hường lừa gạt cũng tùy theo từng trường hợp. Có những trường hợp bị Hường lừa gần 500 triệu với mục đích sẽ xin vào một trường đại học quốc lập. Cho đến khi Hường bị bắt, vẫn còn rất nhiều người chưa biết việc mình đã bị lừa gạt.
Chân dung yêu nữ lừa đảo
Hiện tại, Hường đang sống tạm trú với chồng và con tại phường Quang Trung nhưng có hộ khẩu thường trú tại khu vực Cổ Nhuế, Từ Liêm. Hường vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Học hết phổ thông, Hường thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Vinh. Sau khi học xong, thị về Trường Tiểu học An Nông giảng dạy. Cuộc sống của một giáo viên ở vùng nông thôn tuy không khá giả nhưng cũng giúp Hường có được một đời sống khá ổn định. Rồi Hường lấy chồng, sinh được hai người con.
Tiền lương giáo viên cộng với việc canh tác đồng ruộng khiến đời sống của gia đình Hường ở mức chấp nhận được. Chồng Hường cũng không có nghề nghiệp ổn định ngoài nghề nông nên quanh năm gia đình phải sống tằn tiện mới không lo sợ thiếu. Bản thân Hường luôn nghĩ rằng sẽ phải tìm mọi cách kiếm tiền để thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại, thị chẳng thể nào làm được việc gì để kiếm được nhiều tiền.
Cho đến khi được thuyên chuyển lên một xã vùng cao của huyện Triệu Sơn thì trong suy nghĩ của Hường đã nhen nhóm việc sẽ xin nghỉ nghề giáo viên. Đến năm 2008, Hường chính thức xin nghỉ dạy học, kết thúc nghiệp giáo viên để theo đuổi ước mơ làm giàu một cách nhanh chóng. Sau khi xin nghỉ việc, Hường đã tìm đường lên Hà Nội để kiếm cơ hội đổi đời. Để lại hai đứa con nhỏ ở quê cho chồng chăm sóc, nữ cựu giáo viên đã lên thành phố với ước vọng sẽ thay đổi được cuộc đời khốn khó của mình.
Không nghề nghiệp, không mối quan hệ, những ngày đầu sống ở Hà Nội của Hường khá chật vật. Hường làm khá nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Tuy nhiên, với khả năng ăn nói rất cuốn hút, Hường nhanh chóng kiếm được một chỗ dựa lưng. Hường làm quen với một người đàn ông hơn mình khá nhiều tuổi nhưng lại là người thành phố và không có vợ. Không thể bỏ lỡ cơ hội này, Hường chấp nhận về “ở không” với người đàn ông này và che giấu hoàn toàn chuyện mình đã có chồng, có con ở quê.
Sống với người đàn ông mới, Hường sớm có được một cuộc sống ổn định và có phần dư giả. Hai người sớm có với nhau một đứa con và cuộc sống của gia đình khá yên ấm. Tuy nhiên, Hường vẫn phải mang nhiều gánh nặng mưu sinh, tiền tài nên thị vẫn ấp ủ suy nghĩ về việc tìm cách kiếm thật nhiều tiền.
Biết khả năng của mình có thể tạo được lòng tin với nhiều người, Hường bắt đầu tính đến việc đi lừa gạt. Thị thuê một căn nhà 5 tầng ở khu vực đường Tây Sơn để ở để tạo lòng tin với mọi người. Ban đầu lừa gạt những số tiền ít, Hường mua sắm cho mình những vật dụng cần thiết nhưng rất đắt tiền. Với vẻ bề ngoài giàu có, phong cách dễ gần, không khó để Hường khiến mọi người tin thật rằng mình đúng là một “phó tổng biên tập”.
Trước khi xác định sẽ lừa gạt ai, Hường thường có thời gian làm quen khá lâu, sau khi biết được nạn nhân là người có tiền và đặc biệt là dễ tin người, thị mới tấn công. Hơn nữa, việc tìm kiếm những người có nhu cầu thật sự đòi hỏi Hường phải làm quen với rất nhiều người. Điều dễ dàng đối Hường là thị làm theo kiểu móc xích kết nối, người này giới thiệu cho người kia.
Với một quý bà đi ôtô, tiêu xài không tiếc tay, rất ít người có thể nghĩ Hường là một kẻ lừa đảo. Hường hay nhắm vào đối tượng là những người cần xin cho đi học hoặc đi làm, những người này thường có nhiều tiền và dễ dàng lừa gạt hơn. Hường thường đặt ra mức giá 500 triệu cho những ai muốn xin cho con vào trường đại học, 300 triệu đối với trường trung cấp. Hường còn bạo gan hứa sẽ xin cho vài trường trung cấp thuộc ngành Cảnh sát. Những lời hứa trên trời đó, Hường đã khiến cho không biết bao nhiêu người phải nhận trái đắng đã trao niềm tin vào tay một kẻ lừa đảo.
Ước vọng đổi đời của Hường đã phải dừng lại khi thị bị cơ quan phát hiện ra hành vi lừa đảo của mình. Nguyên nhân khiến cho Hường trượt dài trong tội lỗi là vì thị đã ôm một giấc mộng đổi đời quá lớn. Thị muốn làm giàu bằng sự lừa đảo, một điều phi lý và trái với pháp luật. Hiện tại, rất nhiều nạn nhân của Hường vẫn chưa biết mình đã bị lừa gạt. Sẽ còn nhiều người chết điếng khi biết được chân dung thực của “nữ phó tổng biên tập” sang trọng và giàu có này.