Thứ Ba, 31/05/2022, 08:02 [GMT+7]

Văn bản quy phạm pháp luật ban hành và lấy ý kiến trong tháng 5/2022

Trong tháng 5, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong nhiều lĩnh vực công tác quan trọng như: giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (CAND); chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy; quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự; trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu quan trọng; quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; chế độ điều dưỡng trong CAND...

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong CAND

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp công dân; lắng nghe người dân trình bày những nội dung khiếu nại, phản ánh về những vấn đề vướng mắc hoặc giải quyết còn chưa thỏa đáng...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp công dân; lắng nghe người dân trình bày những nội dung khiếu nại, phản ánh về những vấn đề vướng mắc hoặc giải quyết còn chưa thỏa đáng...


Thông tư số 23/2022/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 16/5/2022 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND. 

Đáng chú ý, Thông tư này quy định trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại quyết định kỷ luật, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, người giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại. Trường hợp người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng: trực tiếp đối thoại đối với các khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội)...

Quy định chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy

Văn phòng Bộ Công an chủ trì tổ chức Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý số liệu thống kê trong Công an nhân dân.
Văn phòng Bộ Công an chủ trì tổ chức Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý số liệu thống kê trong Công an nhân dân

Quy định biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống ma túy trong CAND quy định tại Thông tư số 13/2022/TT-BCA, cụ thể có 02 loại báo cáo gồm: Báo cáo thống kê định kỳ, Báo cáo thống kê đột xuất. Hình thức và phương thức gửi báo cáo thống kê được thực hiện bằng văn bản giấy (gửi trực tiếp, qua giao liên hoặc fax mật) hoặc văn bản điện tử (qua mạng cơ yếu hoặc mạng nội bộ có bảo mật ngành Công an hoặc hệ thống phần mềm thống kê CAND); có họ, tên, chữ ký của cán bộ thống kê và Thủ trưởng đơn vị lập biểu mẫu báo cáo thống kê, dấu xác nhận của đơn vị; được phát hành và quản lý theo quy định về công tác văn thư, lưu trữ.

Sau khi Bộ Công an triển khai phần mềm thống kê cơ sở dữ liệu về phòng, chống ma túy, Công an các đơn vị, địa phương được phân công thực hiện các biểu mẫu thống kê có trách nhiệm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin, dữ liệu trực tiếp vào hệ thống phần mềm thống kê để theo dõi, quản lý.

Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Bộ Công an tổ chức bàn giao 01 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Công an tổ chức bàn giao 01 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và của mỗi bộ, ngành.

Dự thảo Thông tư liên tịch cũng đã quy định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. 

Lấy ý kiến đối với nội dung sửa đổi hướng dẫn thi hành quy định về các mục tiêu quan trọng do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ

Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác định cụ thể về đặc điểm, tình hình mục tiêu để bố trí đủ vọng gác, vị trí đặt vọng gác phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ.
Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác định cụ thể về đặc điểm, tình hình mục tiêu để bố trí đủ vọng gác, vị trí đặt vọng gác phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ.


Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của đơn vị Cảnh sát nhân dân được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu là phải xây dựng và thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ, phòng, chống các hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu; tổ chức thực hành, diễn tập đối phó, xử lý các tình huống đột xuất; áp dụng phù hợp các biện pháp công tác công an, trong đó lấy biện pháp vũ trang là hoạt động cơ bản trong canh gác bảo vệ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại vào mục tiêu.

Các mục tiêu thuộc Danh mục nhưng có sự thay đổi về tên, loại, không còn có tầm quan trọng đặc biệt và không cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có mục tiêu báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa mục tiêu ra khỏi Danh mục.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ cho nhân viên, lực lượng bảo vệ Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng công cụ hỗ trợ cho nhân viên, lực lượng bảo vệ Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.


Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ và các loại phương tiện đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được xem xét, trang bị các loại công cụ hỗ trợ, bao gồm: Dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao. 

Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ để xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ, gồm: Súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay; dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao. 

Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vườn thú; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; khu bảo tồn loài, sinh cảnh thì được xem xét trang bị các loại công cụ hỗ trợ, gồm: Súng bắn chất gây mê, dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.

Lấy ý kiến đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều quy định chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân

Điều dưỡng tối đa 10 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ Công an sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày.
Điều dưỡng tối đa 10 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ Công an sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 105/2020/TT-BCA ngày 05/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Thông tư sửa đổi về thời gian điều dưỡng có 03 mức, gồm:

Mức 1: tối đa 10 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; cán bộ, chiến sĩ nữ sinh một lần từ hai con trở lên; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên được quy định là Mức 1.

Mức 2: tối đa 07 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật, sinh con do phải phẫu thuật; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50% là Mức 2.

Mức 3: tối đa 05 ngày đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 4 của Thông tư số 105/2020/TT-BCA ngày 05/10/2020 và người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30% là Mức 3. 

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.