Thứ Năm, 12/05/2022, 11:43 [GMT+7]

Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Bộ Công an đã chủ trì hoàn thành xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an tổ chức bàn giao 01 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Công an tổ chức bàn giao 01 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo Thông tư liên tịch này quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, bao gồm: Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Áp dụng đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra hình sự, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, nguyên tắc phối hợp trong thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và của mỗi bộ, ngành.

Hình thức phối hợp sẽ gồm có trao đổi trực tiếp và trao đổi gián tiếp. Trong đó, trao đổi trực tiếp là tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác, thành lập tổ công tác liên ngành và các hình thức phối hợp trực tiếp khác. Trao đổi gián tiếp là họp trực tuyến, trao đổi, cung cấp thông tin thông qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác. 

Đối với áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Điều 5, Điều 6 Dự thảo đã quy định cụ thể việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Việc xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với nước ngoài dựa trên các căn cứ sau:

- Sự cần thiết, nhu cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong quan hệ chung với nước có liên quan.

- Không trái pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế.

- Sự phù hợp về yêu cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu có.

- Sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.

Tại Chương III, quy định quan hệ phối hợp trong dẫn độ gồm có yêu cầu dẫn độ đối tượng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Đáng chú ý, trong trường hợp yêu cầu dẫn độ của nước ngoài được gửi trực tiếp đến Bộ Công an, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ theo quy định tại Điều 36 và Điều 38 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Trong trường hợp yêu cầu dẫn độ của nước ngoài được gửi đến Bộ Ngoại giao hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ, Bộ Ngoại giao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để xử lý theo quy định tại Điều 38 của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Để bảo đảm yêu cầu chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trật tự và pháp luật, trong thời hạn kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an có thể gửi văn bản xin ý kiến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý yêu cầu dẫn độ trước khi chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Công an, các bộ, ngành được xin ý kiến có văn bản trả lời Bộ Công an.

Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu dẫn độ hợp lệ, Bộ Công an có văn bản chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cùng 01 bản sao văn bản tham gia ý kiến của các bộ, ngành quy định tại khoản 3 Điều này đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyết xem xét yêu cầu dẫn độ.  

Toàn văn dự thảo Thông tư liên tịch được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

File đính kèm

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.