Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Hội thảo với mục đích làm rõ các vấn đề lý luận, đánh giá thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian qua. Theo đó, hội thảo đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian tới nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trung tướng Đỗ Lê Chi Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và Lịch sử Công an kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an phát biểu tại hội thảo. |
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ tại cuộc họp này, ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP, trong đó đánh giá Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, thống nhất đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…Quá trình tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 67 báo cáo khoa học, thể hiện trí tuệ của các chuyên gia hàng đầu ở các bộ, ban, ngành nghiên cứu lý luận, thực tiễn về vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp thiết này.
Đại tá Đỗ Thanh Bình Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. |
Đại tá Đỗ Thanh Bình Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết “Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do thực tiễn đã có nhiều vận động, thay đổi đòi hỏi phải ban hành những đạo luật mới, thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn giao thông”
Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt vấn đề: tại sao hàng năm lại xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông? Có những con đường cong vênh, phương tiện nhập khẩu về không đảm bảo, lái xe tình trạng sức khỏe không tốt nhưng vẫn được cấp bằng lái xe. Việc tách 2 luật này đảm bảo việc phân công chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Giúp quá trình thực hiện nhất quán, đồng bộ giữa cơ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.
Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày tham luận. |
Tại buổi thảo luận các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết và xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc ban hành luật chuyên ngành có cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý vững chắc và xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.
PGS.TS Ngô Huy Cương, khoa luật, Đại học Quốc gia hà Nội phát biểu tại hội thảo. |
Đó là, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có lịch sử hình thành, phát triển độc lập và có đối tượng, phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù. Giao thông đường bộ là hoạt động mang tính phổ biến cao, khác với các lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa vốn mang tính chuyên ngành. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một nội dung trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thuộc chức năng của Bộ Công an.
Lực lượng CAND chịu trách nhiệm chính về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào công tác quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (kiến thức, ý thức pháp luật, năng lực hành vi; kỹ năng điều khiển phương tiện đến quá trình chấp hành pháp luật, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông…). Hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng tách thành luật chuyên ngành phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Ông Phan Thanh Uy, Chánh văn phòng Hiệp hội vận tải ô tô việt nam. |
Ban hành luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hoạt động gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Phương tiện giao thông tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Đường bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật giao thông đường bộ bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta và kinh nghiệm, pháp luật quốc tế.
Bên cạnh đó, hiệu quả của việc xây dựng các đạo luật chuyên sâu tương ứng với các lĩnh vực pháp luật chuyên biệt đã được kiểm nghiệm trong thực tế và hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng xây dựng đạo luật độc lập với cấu trúc không quá phức tạp, thuật ngữ dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân…
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhấn mạnh “Đã đủ cơ sở chính trị pháp lý để tách 2 luật”. Lợi ích của việc tách luật giúp nhà nước dễ kiểm soát, phân khúc hơn, bảo vệ được quyền đi lại, tránh được các bất cập trong Luật đường bộ hiện hành.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận tại hội thảo. |
Để quy định này có tính khả thi cao, thì lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức. Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường Bộ đã đủ cơ sở pháp lý và cần sớm ban hành. Bà Hằng nhấn mạnh: Cần tọa đàm, xin ý kiến đóng góp để việc tách luật được hoàn chỉnh hơn.
Dù hội thảo diễn ra trong một buổi sáng, song đã nhận được nhiều ý kiến tham luận có nội dung đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Nhìn tổng thể các tham luận đã làm rõ thực trạng áp dụng Luật giao thông đường bộ 2008. Sau 13 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Một số nội dung về pháp luật chưa tương thích với thông lệ quốc tế,… Các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải xây dựng và phát hành Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.