(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng đã được các cấp, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ. Tại Công văn số 9160 do UBND tỉnh ban hành ngày 24/12/2019 về việc tăng cường công tác QLBV rừng, yêu cầu đề ra là không để các hành vi vi phạm tiếp diễn thành các “điểm nóng”, nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng trái phép và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp pháp hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong) và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương ký kết Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng nhằm kịp thời |
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Sở NN&PTNT là chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát xác định các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa; tổ chức lực lượng tuần tra rừng để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, không để sự việc tiếp diễn thành các “điểm nóng”, nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Một nhiệm vụ mang tính cấp thiết khác của ngành NN&PTNT là tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với giao rừng theo yêu cầu của tỉnh; rà soát bổ sung hệ thống quy chế phối hợp bảo vệ rừng, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy chế đã được ban hành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất về các hoạt động QLBV, phát triển rừng tại các địa phương và chủ rừng để phát hiện sớm các sai phạm, đồng thời có giải pháp chấn chỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QLBV rừng tại địa phương, chủ rừng.
Đối với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, địa phương, Đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng triển khai các biện pháp chủ động phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp trong công tác tuần tra kiểm soát lâm sản, động vật rừng…
Cần chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại tài nguyên rừng (Trong ảnh: BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát tái thả các cá thể khỉ về rừng tự nhiên sau khi cứu hộ) |
Liên quan đến công tác quản lý đất đai, ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật về đất đai; đặc biệt là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hợp pháp hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; giám sát việc sử dụng đất của các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Trong trường hợp nếu phát hiện dự án sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích thì kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý. Cùng với đó, chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát diện tích, ranh giới đất lâm nghiệp của các nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, thu hồi để giao lại cho các hộ gia đình cá nhân quản lý sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.
Về phía UBND các huyện, thành phố, thị xã, nhiệm vụ đề ra là chỉ đạo Hạt kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, bố trí các nguồn lực đảm bảo để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống chặt phá, khai thác, mua bán lâm sản trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện phối hợp giữa các lực lượng đóng trên địa bàn trong công tác hiệp đồng phòng cháy chữa cháy rừng; tuần tra, kiểm tra các khu vực biên giới, khu vực giáp ranh nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Liên quan đến việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm; cần thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, tuần tra rừng; kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, các lò than, các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã; kiểm soát, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, phát hiện sớm các sai phạm để xử lý các đối tượng vi phạm và làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác giao rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và quản lý sử dụng đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; đấu tranh ngăn chặn các hành vi mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi đất rừng, xâm lấn đất rừng, xây dựng các trang trại, các công trình trên đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của người dân về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách về lâm nghiệp; qua đó tạo động lực để người dân tự giác tham gia bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.