Thứ Sáu, 13/12/2019, 09:03 [GMT+7]
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù

Đạt nhiều kết quả thiết thực

(Congannghean.vn)-Sau 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mang tính chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó, cung cấp, trang bị cho các đối tượng đặc thù những thông tin, kiến thức pháp luật cần thiết nhằm nâng cao ý thức, nhận thức, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững tình hình ANTT trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho những người đang chấp hành án phạt tù, giúp họ có thêm niềm tin, động lực để cải tạo tốt (Trong ảnh: Phạm nhân tại Trại giam số 6, Bộ Công an trong giờ đọc sách)
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho những người đang chấp hành án phạt tù, giúp họ có thêm niềm tin, động lực để cải tạo tốt (Trong ảnh: Phạm nhân tại Trại giam số 6, Bộ Công an trong giờ đọc sách)

Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số nơi còn diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Nghệ An có 11.454 đối tượng thuộc phạm vi của đề án. Trong đó, 130 người đang chấp hành án tại Trại Tạm giam và Nhà tạm giữ Công an huyện, thành, thị; 1.965 người đang chấp hành án treo; 515 người cải tạo không giam giữ; 7.015 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương nơi cư trú…

Thực hiện Quyết định số 2045 ngày 19/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố phổ biến, quán triệt sâu rộng và huy động được cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể tham gia tuyên truyền PBGDPL.

Đặc biệt là đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Đề án và các quy định pháp luật có liên quan cho các đối tượng đặc thù. Cùng với đó, tham mưu với các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản lý chặt chẽ đối tượng có án phạt tù ngoài xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, người nghiện ma túy gắn với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng dân cư”…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đó là thực hiện công tác PBGDPL cho các nhóm đối tượng thuộc phạm vi quản lý, giáo dục, cải tạo. Xác định rõ, chức năng, nhiệm vụ của mình, các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã chủ động triển khai nhiều nội dung, hình thức PBGDPL phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là chú trọng đổi mới, đa dạng về hình thức và nội dung tuyên truyền. Qua đó, tạo được sự chuyển biến quan trọng trong ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thuộc phạm vi quản lý giáo dục, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Đề án được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn… Trong đó, đối với các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, cơ quan quản lý đã tổ chức hơn 45 buổi tuyên truyền miệng tập trung nội dung về quy định pháp luật về hình sự, ma túy, trật tự an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức 12 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 1.017 lượt can phạm nhân, học viên bằng hình thức trắc nghiệm, sân khấu hóa về các quy định pháp luật; phát sóng qua hệ thống truyền thanh trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ hơn 2.500 tin, bài về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Riêng nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã tích cực PBGDPL cho các đối tượng thuộc Đề án, tổ chức hơn 850 buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; phối hợp xây dựng 914 tin, bài, phóng sự có nội dung về các quy định của pháp luật; thực hiện 914 lượt triệu tập, tuyên truyền, giáo dục pháp luật riêng biệt và vận động đối tượng chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, địa phương nơi cư trú…

Còn đối với các nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các sở, ngành, chức năng ở địa phương đã phối hợp với Trung tâm cai nghiện bắt buộc tổ chức 45 buổi tuyên truyền miệng tập trung cho hơn 5.500 lượt học viên đang trong thời gian cai nghiện các nội dung tác hại của ma túy; in ấn 285 pano, áp phích có nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy để treo ở các trung tâm cai nghiện ma túy.

Trong thời gian tới, để Đề án được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả tích cực hơn nữa, tỉnh Nghệ An chỉ đạo rà soát, kiện toàn và nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật chuyên sâu cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng và địa bàn; đẩy mạnh PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan... Tổ chức lồng ghép các hoạt động của Đề án với các chương trình, kế hoạch liên quan, đảm bảo sự thống nhất, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao.

.

Ngọc Anh

.