(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đồng thời xuất hiện nhiều loại ma túy mới, khó kiểm soát; số người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh, thiếu niên tăng nhanh… Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an tỉnh Nghệ An với vai trò chủ công đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và làm tốt công tác cai nghiện ma túy, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công an TX Thái Hòa phối hợp với cơ quan chức năng lấy lời khai đối tượng (X) phạm tội về ma túy |
Tính từ ngày 1/5/2016 - 30/6/2019, lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt 3.703 vụ, 4.508 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 882,7 kg ma túy đá, 178,6 kg hêrôin, 34,9 kg và 255.029 viên MTTH, 127,3 kg cần sa, 5,7 kg thuốc phiện cùng nhiều vũ khí, tiền, tài sản, tang vật liên quan. Trong đó, đã khám phá 162 chuyên án, vụ án, triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, các tụ điểm phức tạp về ma túy. Điển hình như: Chuyên án 243L, bắt 5 đối tượng, thu 120 bánh hêrôin, 5 ĐTDĐ, 1 xe ôtô; Chuyên án 319MT, bắt 3 đối tượng, thu 700 kg ma túy đá, 50 loa thùng, 1 xe ôtô; Chuyên án 208T, bắt 2 đối tượng, thu 50 bánh hêrôin…
Đấu tranh, triệt xóa 660 điểm bán lẻ, 58 tụ điểm phức tạp về ma túy. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh còn 186 điểm nghi bán lẻ và 20 tụ điểm phức tạp về ma túy. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức vận động, truy bắt thành công 89 đối tượng truy nã phạm tội về ma túy; trong đó có 60 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; nhiều đối tượng lẩn trốn trên 10 năm; một số đối tượng trốn và lấy vợ, sinh con ở nước ngoài.
Bên cạnh đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chức năng đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ cơ sở, gắn với vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy; cai nghiện và quản lý sau cai. Tổ chức 421 diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, tiếp thu và giải quyết hơn 3.500 ý kiến đóng góp của người dân, 5.300 buổi họp dân…
Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Từ khi triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU đến nay, đã xây dựng và duy trì hoạt động 480 ban chỉ đạo tự quản, 38.578 tổ tự quản về ANTT, 48 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia đảm bảo ANTT và nhân rộng ra 682 điểm; trong đó có rất nhiều mô hình phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao.
Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp kìm giữ và làm giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy. Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh có 76 xã, phường, thị trấn sạch ma túy. Giai đoạn 2016 - 2019, đã làm sạch 8 địa bàn cấp xã có ma túy so với năm 2015; số phường, xã, thị trấn có ma túy ở mức độ trọng điểm giảm nhiều (năm 2015 có 141 xã, phường, thị trấn có ma túy phân loại mức trọng điểm; đến năm 2019 giảm xuống còn 80 xã, phường, thị trấn).
Trên lĩnh vực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, hàng năm, Công an tỉnh đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê, quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn. Từ đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền có các giải pháp cai nghiện và quản lý người nghiện phù hợp.
Đặc biệt, trước thực tiễn công tác cai nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn do những bất cập, vướng mắc khi áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221 của Chính phủ, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 35 ngày 9/5/2016 về ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện và tổ chức cai nghiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xây dựng Hướng dẫn liên ngành số 2171 ngày 3/8/2016 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 35. Qua đó, đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, nhất là hiệu quả mang tính đột phá trong công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.
Năm 2014, 2015 (2 năm đầu triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 221), toàn tỉnh chỉ lập hồ sơ đưa được 565 người đi cai nghiện bắt buộc; sau khi có Quyết định số 35 và Hướng dẫn 2171, kết quả lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tăng hơn nhiều. Cụ thể: Năm 2016: 820 người, năm 2017: 885 người; năm 2018: 920 người: 6 tháng đầu năm 2019: 530 người. Giai đoạn 2016 - 2019, vận động 1.220 lượt người cai nghiện tại các Trung tâm; lập hồ sơ cai nghiện tại cộng đồng cho 2.426 lượt người, dạy nghề và truyền nghề cho 2.398 lượt người.
Ngoài ra, phối hợp với các ngành chức năng triển khai chương trình điều trị người nghiện các chất thuốc phiện bằng Methadone và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, đã xây dựng và đưa vào hoạt động 12 cơ sở điều trị, 16 cơ sở cấp phát thuốc Methadone; tổ chức điều trị cho 2.633 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân được điều trị đều cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ, hành vi; tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Đặc biệt, công tác quản lý người nghiện sau cai trở về địa phương được quan tâm chú trọng thực hiện. Theo thống kê, đã có 98 người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng thành công, trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong đó, một số người trở thành các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn như: Anh Lô Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn; anh Lô Văn Chung, Bí thư Chi bộ bản Hữu Văn, xã Châu Kim, huyện Quế Phong…
Những kết quả tích cực nói trên chính là tiền đề quan trọng để các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh nói chung và Công an tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp tục đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, từng bước xã hội hóa công tác cai nghiện theo hướng tự nguyện; chú trọng tham mưu làm tốt công tác đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện để giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững và nâng cao tỉ lệ cai nghiện thành công.