(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tủ sách pháp luật (TSPL) đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Với việc phân công cụ thể cán bộ quản lý đã góp phần đảm bảo số lượng đầu sách, cập nhật các loại sách mới, văn bản pháp luật mới phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, TSPL được xây dựng đã góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến với mọi người dân, giảm bớt tình trạng khiếu kiện do không hiểu biết pháp luật, giúp người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật; đồng thời đây cũng là nơi để người dân đến tìm hiểu, tra cứu thông tin pháp luật khi có nhu cầu, khuyến khích tinh thần tích cực, tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc phát huy hiệu quả của tủ sách pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tiếp cận các văn bản liên quan đến pháp luật |
Đặc biệt, TSPL đã đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng, nghiên cứu của cán bộ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện tiếp xúc với các thông tin trên mạng internet. Các tủ sách được bố trí ở tất cả các xã, thị trấn đã góp phần rút ngắn khoảng cách về nhận thức pháp luật giữa người dân vùng đặc biệt khó khăn và vùng thành thị. Ngoài ra, TSPL còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ ở khối, xóm, hòa giải viên có tài liệu để nghiên cứu, vận dụng trong hướng dẫn, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nhân dân. Qua đó, nâng cao chất lượng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ tại cơ sở.
Lợi ích thiết thực là vậy, tuy nhiên, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng TSPL chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả khai thác chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, chú trọng xây dựng, đầu tư kinh phí cho TSPL dù đã hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, nhân dân chỉ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khi có tranh chấp và chưa có thói quen đến các địa điểm đặt TSPL để nghiên cứu, tìm hiểu. Hiện nay, việc tìm hiểu thông tin cần thiết qua mạng internet hoặc qua các trung tâm, cán bộ trợ giúp pháp lý cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc đến TSPL, vì thế số lượng người dân có nhu cầu khai thác thấp.
Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến đó là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, khái thác TSPL chủ yếu là kiêm nhiệm, thời gian dành cho việc xây dựng, quản lý còn ít. Địa điểm đặt TSPL và thời gian phục vụ hiện nay chưa phù hợp. Ngoài ra, một số đơn vị cấp xã có TSPL nhưng còn mang tính hình thức, không có sổ đăng ký theo dõi; sắp xếp tủ sách chưa khoa học, chưa lôi cuốn được người dân tìm đến đọc; số lượng, chủng loại sách pháp luật chưa phong phú và không thường xuyên cập nhật, bổ sung đầu sách mới trong khi việc xã hội hóa trong xây dựng, quản lý TSPL chưa thực hiện được do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Hiện nay, công nghệ thông tin đã được phổ biến rộng rãi, việc tìm hiểu, cập nhật kiến thức qua mạng internet rất nhanh chóng và thuận tiện. Vì vậy, TSPL không còn là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở Tư pháp Nghệ An kiến nghị chỉ nên duy trì hình thức TSPL ở vùng sâu, vùng xa, những nơi ít được tiếp cận công nghệ thông tin để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí và phát huy tác dụng của TSPL trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nếu tiếp tục xây dựng TSPL tại những địa bàn nói trên thì cần triển khai mô hình xuống tận cơ sở và có sự đầu tư đúng mức; có chương trình cụ thể tuyên truyền, phổ biến cho người dân về mục đích, vai trò, ý nghĩa của TSPL. Bên cạnh đó, nên bố trí địa điểm đặt TSPL tại một phòng đọc riêng; phân công cán bộ phụ trách thường xuyên dành thời gian quan tâm, quản lý và xây dựng tủ sách như xóm trưởng, khối trưởng, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí. Đặc biệt, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ tài liệu miễn phí cho vùng sâu, vùng xa để bổ sung vào TSPL…
Để tiếp tục khai thác hiệu quả của TSPL, ngày 11/7, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 14 ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Mục đích chính là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý, khai thác TSPL, nâng cao giá trị sử dụng, khai thác sách, tài liệu thông qua TSPL điện tử quốc gia. Theo đó, giao cho các Sở Tư pháp, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa và Thể thao… phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu sử dụng, khai thác TSPL; thực hiện quy trình cập nhật sách, tài liệu pháp luật trên TSPL điện tử quốc gia…