Diễn đàn pháp luật

Hành vi dâm ô trẻ em được hiểu thế nào trong luật pháp quốc tế?

08:34, 16/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hiện nay, việc xử lý các hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do các định nghĩa đã lỗi thời, một số quy định còn thiếu thực tế, khó áp dung.
 
Trong thời gian ngắn vừa qua, liên tục các vụ trẻ em bị dâm ô, xâm hại tình dục xảy ra. Từ vụ thầy giáo ở Bắc Giang say rượu sờ đùi, vỗ mông các học sinh nữ cho đến vụ nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng ghì đầu, hôn bé gái trong thang máy ở Sài Gòn.
 
Theo các chuyên gia, những hành vi này chưa bị trừng trị một cách thích đáng một phần bởi các quy định trong Bộ luật Hình sự không còn phù hợp. Các chuyên gia cho rằng cần có một cuộc cải cách tổng thể, đầy đủ về mặt pháp lý về tội danh này.
 
Cần một định nghĩa đầy đủ, khoa học hơn
 
Theo định nghĩa của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), xâm hại tình dục trẻ em là các hành vi tình dục được thực hiện giữa người lớn và trẻ em, trong đó các hành vi này nhằm thỏa mãn nhục dục của người lớn.
 
Ngoài ra, UNICEF cũng quy định rõ hành vi phơi bày bộ phận sinh dục, ép trẻ phơi bày bộ phận sinh dục, sử dụng ngôn từ nhục dục khi nói chuyện với trẻ, lạm dụng trẻ em cho các mục đích tình dục như sản xuất nội dung khiêu dâm, mại dâm đều bị coi là dâm ô.
 
Ngoài các hành vi như giao cấu, hiếp dâm, sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục trẻ thì nhiều hành vi gián tiếp khác cũng bị coi là dâm ô.
 
Theo Đạo luật Phòng chống xâm hại và ngược đãi trẻ em của Mỹ (CAPTA), hành vi dâm ô hay xâm hại tình dục trẻ em được hiểu là tương tác giữa một người lớn và một trẻ em để thực hiện các hành vi mang tính nhục dục.
 
Các hành vi này không nhất thiết phải là các tác động vật lý đến thân thể của trẻ mới coi là dâm ô. Có rất nhiều các hành vi tác động gián tiếp vẫn bị coi là dâm ô:
 
Phơi bày bộ phận sinh dục của mình cho trẻ nhìn thấy hoặc bắt trẻ tự phơi bày bộ phận sinh dục của mình. Hôn hít, vuốt ve, sờ mó bất cứ bộ phận nào trên thân thể trẻ nhằm thỏa mãn nhục dục.
 
Sử dụng các cách thức như gọi điện, nhắn tin để dụ dỗ trẻ em thực hiện các hành vi tình dục. Lưu trữ, sản xuất, truyền bá các nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc cho trẻ em xem các nội dung khiêu dâm. Bất cứ hành vi tình dục nào làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cảm xúc của trẻ.
 
Tất cả hành vi trên dù có hay không có sự đồng ý của trẻ đều bị coi là có tội và là xâm hại tình dục.
 
Dựa theo những định nghĩa trên, có thể thấy các hành vi như sờ vào bộ phận nhạy cảm như mông, đùi học sinh nữ của thầy giáo ở Bắc Giang hay người đàn ông sàm sỡ, hôn hít bé gái trong thang máy đều bị coi là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em theo luật pháp quốc tế.
 
Quy định về dâm ô không thay đổi hơn 10 năm nay
Trao đổi với Zing.vn, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, cho rằng những quy định, định nghĩa về hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em ở Việt Nam đã quá cũ, không còn đúng với thực tế và Công ước Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (LHQ).
 
Theo bà, điều này cũng khiến nhiều bậc phu huynh chủ quan, không hiểu được các nguy cơ tiềm ẩn của con trẻ trước việc bị xâm hại.
 
 
 
Đại diện của UNICEF Việt Nam cho biết một số hình thức dâm ô chưa được quy định là tội, đây là lỗ hổng lớn và nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các vụ dâm ô.
 
Bà cho rằng các quy định này quá cụ thể, nhưng lại không phù hợp với các Công ước quốc tế, các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em.
 
Các quy định trong pháp luật Việt Nam bắt buộc phải có sự tác động trực tiếp, vật lý giữa người lớn và trẻ em, bắt buộc phải có các hành vi sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục hay giao cấu mới bị coi là dâm ô, như vậy là thiếu thực tế.
 
"Hiện nay, với sự phát triển công nghệ thông tin, các đối tượng có thể lợi dụng Internet để gạ gẫm, dụ dỗ trẻ, yêu cầu trẻ phơi bày các bộ phận trên cơ thể. Trẻ có thể dễ dàng bị lôi kéo, phơi bày với các văn hóa phẩm đồi trụy, đây cũng là hành vi dâm ô nhưng chưa bị quy định là tội", bà Loan nhận định.
 
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự mới chỉ có các quy định về tàng trữ, lưu truyền, sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy, nhưng chưa có các quy định tương tự đối với các nội dung khiêu dâm trẻ em. Ở các nước khác, đây là một tội rất nặng và được quy vào tội xâm hại tình dục trẻ em.
 
Liên quan đến tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, cựu thẩm phán TAND Tối cao Đinh Văn Quế trong bình luận khoa học của ông đối với Bộ luật Hình sự năm 2005 có định nghĩa và đã được các cơ quan chức năng áp dụng khá đồng nhất trong nhiều vụ án liên quan đến hành vi dâm ô từ đó đến nay.
 
Theo đó, hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
 
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, nhận định pháp luật Hình sự Việt Nam quy định quá chi tiết về hành vi của tội danh dâm ô nên dẫn tới việc khó xử lý.
 
"Theo quy định, cần phải sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình... thì mới cấu thành tội. Chính vì quy định quá rõ nên nó giới hạn phạm vi phạm tội", nguyên thẩm phán TAND TP.HCM nêu quan điểm.
 
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng khi luật pháp không đảm bảo các chuẩn mực đạo đức, công bằng xã hội thì cần phải xem lại để điều chỉnh.
 
"Thực tiễn áp dụng luật thành văn đã tạo nên nhiều bất cập, cứng nhắc, nhiều trường hợp không xử lý được dù rõ ràng ai cũng thấy sai. Do đó, phải có hướng dẫn cụ thể bên cạnh điều luật, nhất là các tội liên quan đến quấy rối tình dục, dâm ô để việc xử lý được dễ dàng", vị luật sư chia sẻ.
 
Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi như sau:
 
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-7 năm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Tái phạm nguy hiểm.
 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7-12 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
 
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác