Diễn đàn pháp luật
Kết quả triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được quan tâm thực hiện với sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác liên quan đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước |
Ngày 20/6/2017, Quốc hội thông qua Luật TNBTCNN năm 2017 (thay thế Luật TNBTCNN năm 2009), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Xác định Luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về TNBTCNN trong các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, cơ quan tư pháp và cán bộ, công chức, ngày 1/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 122 về triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn Nghệ An.
Triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện công tác bồi thường Nhà nước gắn với nhiệm vụ chuyên môn.
Để quán triệt các nội dung của Luật, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật TNBTCNN cho đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, đội ngũ cán bộ tư pháp, thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên của tòa án, viện kiểm sát, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Sau khi hội nghị toàn tỉnh được tổ chức, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt các nội dung cơ bản của Luật trong ngành, đơn vị mình.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật cũng được triển khai kịp thời. Việc tuyên truyền Luật được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị tập huấn Luật, qua hệ thống truyền thanh cơ sở và tập san pháp luật đời sống của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
Cùng với việc tổ chức triển khai Luật và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện Nghị định số 68 của Chính phủ ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số biện pháp thi hành Luật TNBTCNN và Thông tư số 04 của Bộ Tư pháp về việc ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường Nhà nước đến với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Ngoài ra, việc giải đáp vướng mắc, cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục giải quyết bồi thường cũng được quan tâm thực hiện. Từ khi Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành đến nay, số lượng yêu cầu giải đáp vướng mắc, cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục giải quyết bồi thường Nhà nước mà Sở Tư pháp nhận được không nhiều, hầu hết qua điện thoại. Tất cả các yêu cầu trên đều được giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo đó, Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về TNBTCNN trong lĩnh vực hành chính ở địa phương theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Vì thế, để thực hiện tốt công tác này, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban, ngành với Sở Tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan còn thiếu cơ chế ràng buộc nên hiệu quả chưa cao.
Về vấn đề nhân sự thực hiện công tác này tại Sở Tư pháp cũng như ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện còn rất khó khăn, chưa bố trí được công chức chuyên trách mà còn phải thực hiện kiêm nhiệm. Với vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về TNBTCNN ở địa phương nên ngành Tư pháp phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ; bên cạnh đó, chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực bồi thường chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu.
Trong thời gian tới, để Luật đến gần hơn với cán bộ và người dân, Nghệ An cần tiếp tục tham mưu các giải pháp đồng bộ về sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành; về vấn đề bố trí nhân lực... Đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bồi thường Nhà nước trong cán bộ và nhân dân cần được đẩy mạnh hơn nữa. Có như thế, các quy định của Luật mới khả thi trong thực tiễn; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, đội ngũ cán bộ công tác. Qua đó, hướng dẫn, giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ngọc Anh