Diễn đàn pháp luật

Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý

08:00, 21/02/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp các đối tượng được TGPL và người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật. Qua đó, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, trong năm vừa qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho 200 trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên và cộng tác viên TGPL. Thực hiện 6 đợt kiểm tra liên ngành về TGPL tại 6 huyện, thị gồm: Nghi Lộc, Cửa Lò, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nam Đàn và Hưng Nguyên. 
 
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng được TGPL và người dân, thời gian qua, hoạt động truyền thông, thông tin về TGPL đã được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Cấp phát tờ gấp pháp luật tại các đợt truyền thông về TGPL, tại hộp thư TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, viết các tin, bài liên quan đến hoạt động TGPL; soạn thảo, phát hành các băng đĩa thu âm nội dung Luật TGPL bằng tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng H”Mông cho các xã, thôn, xóm đặc biệt khó khăn của các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳ Hợp, Quỳ Châu.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tổ chức tư vấn pháp luật cho người dân tại phường Quang Trung, TP Vinh
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tổ chức tư vấn pháp luật cho người dân tại phường Quang Trung, TP Vinh
Năm 2018, Trung tâm đã thụ lý và thực hiện 864 vụ việc, trong đó có 271 vụ việc tư vấn; 585 vụ việc tham gia tố tụng và 8 vụ việc xác minh, kiến nghị; triển khai 14 đợt truyền thông về cơ sở cho các xã, thôn, bản không thuộc các đối tượng được truyền thông theo Quyết định số 32/2016 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hướng dẫn, tư vấn pháp luật miễn phí cho 98 trường hợp; số người tham gia nghe truyền thông về TGPL khoảng 1.000 lượt người.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, hoạt động TGPL vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Theo đó, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được TGPL chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật và TGPL lưu động chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 3 huyện nghèo còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận, hỗ trợ về mặt pháp lý gặp khó khăn và thường kéo dài.
 
Một số cơ quan, ban, ngành chưa thực sự vào cuộc và phối hợp trong hoạt động TGPL. Việc tuyên truyền pháp luật về TGPL chủ yếu do Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An và Hội đồng phối hợp liên ngành thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vụ việc xác minh, kiến nghị gặp nhiều khó khăn nên thường kéo dài, thời gian thực hiện không đảm bảo tính kịp thời trong TGPL; nhiều vụ việc kiến nghị hiệu quả chưa cao do không được sự quan tâm giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
 
Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, ông Phạm Thế Kỷ, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian tới cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TGPL. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện đội ngũ người thực hiện TGPL giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp và nâng cao chế độ đãi ngộ cho người thực hiện TGPL.
 
Ngoài ra, phối hợp thực hiện TGPL có hiệu quả; đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành, ngành thành viên, thành viên Hội đồng để chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động phối hợp về TGPL trong tố tụng tại địa phương. Đẩy mạnh hoạt động TGPL ngoài trụ sở; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong lĩnh vực tố tụng. Chú trọng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật về TGPL và nhận thức của nhân dân về quyền được TGPL; đa dạng hóa hình thức và đổi mới cơ chế truyền thông như tờ gấp pháp luật, báo, đài, phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh xã để người dân có thể tiếp cận một cách hiệu quả nhất.
 
Đặc biệt, cần tăng cường tổ chức, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện pháp luật về TGPL cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác. Có cơ chế khen thưởng, tuyên dương và nhân rộng những cách làm hay; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật TGPL cho các đối tượng.

Ngọc Anh

Các tin khác