Pháp luật

Cuộc chiến gian nan và vấn đề thực sự của ma tuý

09:23, 10/02/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chất ma túy cũng giống như muôn vàn vật chất khác trong thế giới tự nhiên, nó tồn tại khách quan độc lập với ý thức con người, nhưng hành vi, ý chí của con người thì điều khiển được. Do đó để đấu tranh hiệu quả với tệ nạn ma túy cần phải tác động vào thế giới quan, nhân sinh quan. 
Ban đầu thuốc phiện giống như một nét văn hóa hấp dẫn và quý phái. Chỉ những gia đình quý tộc, có của ăn của để mới có thể “thảnh thơi” nằm bên đèn bàn hút thuốc. Ảnh: Internet
Ban đầu thuốc phiện giống như một nét văn hóa hấp dẫn và quý phái. Chỉ những gia đình quý tộc, có của ăn của để mới có thể “thảnh thơi” nằm bên đèn bàn hút thuốc. Ảnh: Internet
Ban đầu thuốc phiện giống như một nét văn hóa hấp dẫn và quý phái. Chỉ những gia đình quý tộc, có của ăn của để mới có thể “thảnh thơi” nằm bên đèn bàn hút thuốc. Ảnh: Internet
 
Ma tuý vẫn đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Ma tuý không chỉ huỷ hoại giống nòi, sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Không chỉ là nguyên nhân dẫn đến phạm tội gây mất trật tự, an toàn xã hội, ma tuý còn là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến đẫm máu, kéo dài như ở Afghanistan, Mexico, Philippines... Tác hại và hậu quả của ma tuý tác động, ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng ngày, từng giờ phải đối diện mà chưa có giải pháp nào thật sự hữu hiệu cho vấn đề xã hội nhức nhối này. Vì vậy, cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy là “cuộc chiến gian nan”.
 
Trong lịch sử, từ khi con người biết đến ma túy đã trải qua 3 trào lưu. Đầu tiên, các loại ma túy được biết đến phổ biến là cần sa, thuốc phiện. Ở Châu Á, loại ma túy quen thuộc với tên gọi thuốc phiện, hay á phiện hoặc bằng cái tên mĩ miều là “nàng tiên nâu”. Đã có 2 cuộc chiến có liên quan đó là cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ I từ 1839 kết thúc bằng Hiệp ước Nam Kinh năm 1842, giữa Trung Quốc-Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland; cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ II từ năm 1856 đến 1860 là khởi đầu của lịch sử Trung Quốc hiện đại.
 
Tiếp đến là heroin được nhà hóa học người Đức tên Felix Hoffmann làm việc tại tập đoàn hóa học Bayer điều chế thành công năm 1897 và đăng ký thương hiệu với tên gọi heroin phổ biến trên toàn thế giới cho tới những năm 1930. Sau đó heroine ở Mỹ bị cấm nghiêm ngặt, không còn bán công khai nhưng nhu cầu sử dụng thì không giảm, do đó heroine chuyển sang buôn bán ngầm, xuất hiện những tập đoàn lớn với lợi nhuận khổng lồ. Ngày nay, tất cả các nước trên thế giới đều cấm việc mua bán, lưu hành trái phép đối với heroine.
 
Năm 1859, dược sĩ Albert Nieman, ở đại học Gottingen (Đức) chiết thành công chất cocain trong cây coca và đến những năm 1980 cocaine từng được coi là chất gây nghiện dành cho dân sành điệu và giàu có bùng nổ ở các nước phát triển trên thế giới ,sau đó lượng sản xuất không ngừng gia tăng và giá thành rẻ.
 
Hiện nay, các loại ma túy như thuốc phiện, heroin hay cocaine vẫn là những chất ma túy phổ biến nhưng các loại ma túy tổng hợp mới là trào lưu chủ yếu. Ma túy tổng hợp là loại ma túy không cần cấy trồng, thu hoạch, sơ chế để cho ra sản phẩm sử dụng mà có thể điều chế ngay trong phòng thí nghiệm hoặc bất kỳ nơi nào có nước, các chất hóa học có sẵn trên thị trường, sản phẩm đó sử dụng được ngay, có tác dụng kích thích mạnh hơn gấp nhiều lần so với heroin, cần sa, hay cocaine.
 
Điển hình là dạng amphetamine lần đầu tiên được tổng hợp năm 1887 dùng chữa bệnh parkinson sau viêm não, chứng trầm cảm hay những ca ngộ độc thuốc ngủ, thuốc an thần kinh…đến năm 1893 được nhà khoa học Nagai Nagayoshi nghiên cứu hoàn thiện tại Nhật Bản và dùng cho nhiều binh sĩ phương Tây sử dụng trước mỗi trận đánh, để kích thích hưng phấn, mất cảm giác đói, không buồn ngủ và không sợ hãi khi làm nhiệm vụ. Cho đến sau năm 2000 thì ma túy tổng hợp như amphetamine, methamphetamine bùng nổ và hiện nay đang là loại ma túy thống trị giới trẻ.
 
Ban đầu con người sử dụng thuốc phiện, cần sa một cách tự nhiên như một món quà của thiên nhiên ban tặng cho loài người cũng như quả để ăn, nước để uống mà không hề ý thức được việc nghiện hay lệ thuộc vào nó. Khi sử dụng con người ta cảm thấy hưng phấn, thoải mái, dễ chịu đến khi sức khỏe suy yếu, thậm chí đến mức suy sụp người ta vẫn không ngừng sử dụng.
 
Như một lẽ tự nhiên trong sự phát triển của loài người là phát minh và sáng tạo, con người điều chế ra cocaine, heroin với mục đích là chữa bệnh, an thần và trong suốt hàng trăm năm người ta sử dụng những loại chất này để chữa trị rất nhiều loại bệnh như: viêm phế quản, hen suyễn hoặc ung thư dạ dày, điều trị ho, giảm đau dùng cho cả trẻ em, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người già, người ốm yếu, chống trầm cảm, các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần, những người động kinh, những người bị liệt và những người mê sảng…
 
Tuy nhiên khoa học phát triển, con người đã chứng minh được tác hại của thuốc phiện, cần sa, cocaine, heroin nên các nhà nước văn minh cấm lưu hành những chất ma túy này nhằm bảo vệ nòi giống và đảm bảo sự phát triển của con người. Hàng loạt cánh đồng cần sa, cây coca, cây anh túc và các loại cây có chứa các chất ma túy khác bị phá bỏ, lúc này nguồn cung cấp các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiện bị thiếu hụt trầm trọng nhưng những người đã từng sử dụng các loại ma túy trước kia thì vẫn còn nhu cầu sử dụng, họ không ngừng tìm kiếm, do đó nhu cầu ma túy xuất hiện ngày càng mạnh mẽ, đúng quy luật của xã hội loài người có cầu ắt sẽ có cung để tạo ra lợi nhuận.
 
Vấn đề của ma túy thực sự là gì? 
 
Hiện nay trong các tài liệu nói đến các chất ma túy như Luật Phòng chống ma túy năm 2000 sửa đổi bổ sung năm 2008 có nêu“Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.”; ma túy là chất heroin, cocaine, metamphetamine, ma túy là cần sa, ma túy là thuốc phiện… Vậy chính xác hai từ “ma túy” là chất nào trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học hay nói cách khác là chất nào trong số những chất hóa học mà con người phát hiện ra là chất ma túy, rõ ràng là không có cái tên riêng.
 
Ma túy là một tên gọi chung phản ảnh cho những chất, những loại vật chất khi con người sử dụng không đúng cách thì gây phương hại hại đến sức khỏe, thể chất và tinh thần. Vậy vấn đề của ma túy ở đây thực sự là gì? Đó chính là ý thức chủ quan của con người, cách mà con người sử dụng vật chất, các chất hóa học trong tự nhiên để đạt mục đích mong muốn, nhưng nếu không phù hợp sẽ gây ra những hệ lụy xấu cho bản thân và xã hội.
 
Như vậy nếu chỉ hiểu ma túy là chất hoặc một loại vật chất nào đó và là đối tượng phòng, chống thì chưa đủ, mà cần phải tập trung đấu tranh với những hành vi không phù hợp của chính con người có liên quan đến việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng... Bởi chất ma túy cũng giống như muôn vàn vật chất khác trong thế giới tự nhiên, nó tồn tại khách quan độc lập với ý thức con người, nhưng hành vi, ý chí của con người thì điều khiển được. Do đó để đấu tranh hiệu quả với tệ nạn ma túy cần phải tác động vào thế giới quan, nhân sinh quan.
 
Nếu là “phòng” thì tác động vào đối tượng là người có nguy cơ tiếp xúc, sử dụng, hoặc thực hiện hành vi gây tác hại, ảnh hưởng xấu do các chất ma túy gây ra. Nếu là “chống” thì tác động vào đối tượng đã sử dụng, hoặc có hành vi trái quy định của pháp luật có liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ ma túy, từ đó điều chỉnh nhận thức và hành vi có liên quan đến các chất, dạng vật chất được quy định là ma túy, cuộc chiến chống ma túy mới có hiệu quả lâu dài, bền vững.
 
Ma túy nếu hiểu dưới góc độ xã hội thì nó là một dạng hàng hóa, dù nhà nước, xã hội có bài trừ, không coi nó là hàng hóa thì nó vẫn tồn tại khách quan như một trạng thái tự nhiên của sự vật, hiện tượng và đích thực nó là một thứ hàng hóa, là sản phẩm của lao động, được sản xuất ra là để bán để trao đổi và nó thỏa mãn nhu cầu của con người. Tóm lại ma túy có đầy đủ các thuộc tính của hàng hóa và nó tuân theo quy luật cung - cầu như một lẽ tự nhiên thông thường. Nhà nước, xã hội nếu muốn bài trừ tệ nạn ma túy tiến tới loại bỏ ma túy ra khỏi xã hội cần phải tác động vào các quy luật để làm nó biến đổi theo hướng tích cực có lợi.
 
Từ khi Luật Phòng chống ma túy được ban hành năm 2000 đến nay, qua 18 năm thực hiện, nhà nước đã chú trọng đầu tư rất nhiều cho cả công tác “phòng” và “chống” nhất là tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy. Bên cạnh đó, ban hành chính sách hình sự nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, đẩy mạnh công tác điều tra, trấn áp tội phạm về ma túy…
 
Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng, xuất hiện, tồn tại, biến hóa dưới nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau với nhiều loại chất ma túy mới nguy hại gấp hàng trăm lần so với các loại ma túy có nguồn gốc tự nhiên. Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phòng, chống ma túy? Bởi ma túy thì vẫn tồn tại, con người vẫn tồn tại. Vấn đề là làm cho cả hai luôn song hành với những mục đích, mục tiêu tốt đẹp của nó. Khi nói đến ma túy không chỉ còn là nỗi ám ảnh gắn liền với sự sợ hãi của tội phạm và tệ nạn. Cũng giống như nguyên tố hoá học Urani không để chế tạo bom nguyên tử mà làm nhà máy điện, cung cấp nguồn năng lượng to lớn hữu ích cho đời.
 
Đại tá Vũ Văn Hậu
 
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an

Nguồn: Tiêngchuong.vn

Các tin khác