Diễn đàn pháp luật

'Khoảng trống' trong xử lý xâm hại tình dục trẻ em

09:25, 15/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Liên tiếp các vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em xảy ra trong thời gian qua đã khiến dư luận xã hội hết sức bàng hoàng, phẫn nộ. Mặc dù đối tượng gây ra hành vi trong các vụ việc đã bị lên án gay gắt và phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, tuy nhiên trên thực tế, XHTD trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quá trình xử lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần được sớm giải quyết.

Hành vi xâm hại tình dục có thể là nỗi ám ảnh trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ - Ảnh minh họa
Hành vi xâm hại tình dục có thể là nỗi ám ảnh trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ - Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2018, cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ XHTD trẻ em, với trên 1.100 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, đây là số lượng các vụ việc có khởi tố án hình sự và mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Tính chất các vụ việc xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra yêu cầu về sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành và sự đồng bộ trong các quy định của luật pháp, chính sách về phòng, chống XHTD trẻ em.

Đầu tháng 3/2019, vụ việc Dương Trọng Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố cáo có hành vi dâm ô đối với 13 học sinh nữ khiến dư luận hết sức bức xúc. Theo đó, sau khi uống rượu về, thầy giáo này đã có nhiều hành động như véo mũi, dí tai, sờ mông, sờ đùi các em. Tiếp nhận thông tin phản ánh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Sơn và hệ thống tư pháp địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Sau đó, UBND huyện Việt Yên tổ chức buổi họp báo công bố kết luận chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo Minh có hành vi dâm ô với học sinh.

Theo Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm: Đối với 2 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh… Rõ ràng, điều luật không quy định cụ thể thế nào là “hành vi dâm ô” nên vô hình trung, hành vi của thầy Minh cũng không được xác định rõ ràng là có phải dâm ô hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, dư luận xã hội đã từng bàng hoàng, sửng sốt trước vụ việc bé gái Nguyễn Gia Đức (6 tuổi) trú tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị xâm hại tình dục bởi chính người hàng xóm tên Tuấn. Đau lòng hơn, vào thời điểm chỉ mới 14 - 15 tuổi nhưng Tuấn đã 2 lần thực hiện hành vi đối với bé Đức và đã đe dọa nạn nhân không được nói với gia đình. Sự việc sau đó bị phát giác và được trình báo lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, làm rõ đã xác định, mặc dù là đối tượng gây ra hành vi XHTD nhưng Tuấn vẫn còn nằm trong độ tuổi trẻ em. Vì thế, cơ quan Công an không tiến hành khởi tố vụ án hình sự mà giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục để Tuấn sớm nhận ra lỗi lầm của mình.

2 vụ việc trên là những trường hợp điển hình mà quá trình xử lý hành vi XHTD đối với trẻ em còn gặp một số vướng mắc do quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em đặc biệt được chú trọng và quy định rõ trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách về bảo vệ trẻ em và phòng, chống XHTD trẻ em cũng đã được quan tâm triển khai như: Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, chú trọng không để trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng đã quy định về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chính sách hỗ trợ đối với từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm cả nhóm trẻ em bị XHTD).

Ngày 16/5/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; yêu cầu các cấp, ngành phải xử lý nghiêm những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em và tăng cường giáo dục kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, để quá trình xử lý các hành vi XHTD trẻ em không còn tồn tại những bất cập, hạn chế, trước hết, pháp luật cần quy định rõ như thế nào là hành vi dâm ô. Ví dụ như quy định dâm ô không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp cơ thể nạn nhân mà có thể là bất kỳ hành vi quấy rối tình dục gián tiếp như gạ gẫm, gợi ý, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận hành vi tình dục một cách thụ động và từ xa thông qua giác quan như nghe, nhìn… đều được hiểu là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm.

Bên cạnh đó, quá trình xác minh, điều tra các vụ việc, vấn đề tiếp cận những trẻ là nạn nhân cần được quan tâm đặc biệt bởi trong trường hợp đã bị xâm hại, các em rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì thế, thời điểm này nên có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các chuyên gia về trẻ em nhằm tạo sự thân thiện, tin tưởng để trẻ có thể dễ dàng chia sẻ những thông tin liên quan đến các đối tượng thực hiện hành vi XHTD.

Nhìn từ vụ việc xảy ra tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, việc 1 trẻ em có hành vi xâm hại 1 trẻ em là điều hết sức đau lòng. Việc cơ quan Công an không tiến hành khởi tố vụ án mà giao Tuấn cho chính quyền địa phương và gia đình phối hợp quản lý, giáo dục là giải pháp mang tính lâu dài nhằm mục đích hướng thiện em trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự sa ngã của Tuấn cũng đặt ra trách nhiệm trong vấn đề trang bị kiến thức về phòng, chống XHTD trẻ em và những quy định của pháp luật đối với hành vi này.

Thực tế cho thấy, XHTD trẻ em sẽ chưa dừng lại nếu không có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các ban, ngành và toàn xã hội. Trong đó, việc bổ sung những quy định của pháp luật và giải quyết những tồn tại, bất cập trong quá trình xử lý hành vi XHTD trẻ em có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng nhằm giảm thiểu, ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này. Và, trên hết là để xã hội sẽ không còn tiếp tục tồn tại những Dương Trọng Minh, Nguyễn Khắc Thủy, Nguyễn Hữu Linh với những hành vi XHTD trẻ em đáng bị lên án... trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Các tin khác