Diễn đàn pháp luật

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Còn những khó khăn!

07:44, 31/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề “nóng” được cấp ủy, các sở, ngành, chính quyền và người dân quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý Nhà nước của các sở, ngành và triển khai xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ.

Tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng đất khi chưa có các thủ tục pháp lý về đất đai còn diễn ra nhiều nơi (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng đất khi chưa có các thủ tục pháp lý về đất đai còn diễn ra nhiều nơi (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại.

Đó là việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch sử dụng đất hàng năm còn chậm, nhất là ở cấp huyện; việc thu hồi đất của các công ty, nông - lâm nghiệp để bàn giao cho chính quyền địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng đất khi chưa có các thủ tục pháp lý về đất đai, khi chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính còn diễn ra ở nhiều nơi; việc tham mưu các thủ tục hồ sơ giao đất, định giá đất cho các nhà đầu tư còn chậm.

Trong đó, trách nhiệm chính là công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai ở một số nơi, địa bàn còn buông lỏng, tác động đến công tác quản lý, điều hành ở các cấp, địa phương. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 102 quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai nhằm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và phù hợp với Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sau gần 3 năm triển khai, thực hiện còn có một số khó khăn, vướng mắc cần xem xét, sửa đổi để phù hợp với thực tế, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số Luật có liên quan.

Theo tổng hợp của Thanh tra tỉnh Nghệ An, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP (gọi tắt NĐ 102) chưa quy định đầy đủ về các trường hợp lấn, chiếm đất theo mục đích sử dụng đã được quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể: Quy định về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây dựng nhà ở, ốt quán và các công trình khác (trong đó có công trình tôn giáo). Trong khi đó, Điều 10, NĐ 102 chưa quy định xử lý đối với hành vi này, do đó khi thực hiện hành vi này thì không có căn cứ để xử lý. Vì vậy, cần quy định hành vi lấn, chiếm đất cụ thể về từng loại đất theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, đối với hành vi lấn, chiếm đất tại các địa phương hầu hết vi phạm tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10, NĐ 102, các hành vi này đều thuộc thẩm quyền xử phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, về biện pháp khắc phục hậu quả thì Chủ tịch UBND các xã chỉ có thẩm quyền “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” mà không có thẩm quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”. Do đó, hành vi vi phạm này không được xử lý triệt để, hoặc đã có tình trạng các UBND cấp xã đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý mà đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý hành vi nêu trên.

Trên thực tế, một số trường hợp đã có hành vi vi phạm hành chính nhưng NĐ 102 chưa quy định dẫn đến khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý. Cụ thể: Thực tế quyết định giao đất, cho thuê đất xác định cụ thể mục đích sử dụng đất nhưng khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định theo loại đất, nhóm đất nên khó khăn cho việc xác định hành vi vi phạm hành chính.

Do đó, cần quy định việc xác định mục đích sử dụng theo thứ tự: Quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền, các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác theo Khoản 1, 2, 3, Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp không có giấy tờ nêu trên thì xác định theo chức năng, nhiệm vụ, nguồn gốc, các loại quy hoạch và quá trình sử dụng đất để xác định mục đích sử dụng và hành vi vi phạm.

Một khó khăn thường mắc phải đó là, theo quy định tại Khoản 2, Điều 208, Luật Đất đai năm 2013 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép…, nhưng không quy định cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung NĐ 102 cần quy định cụ thể về từng trường hợp, phạm vi, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã để kịp thời xử lý, ngăn chặn và nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã.

Nhìn chung, mức phạt tiền quy định tại NĐ 102  của Chính phủ đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Để công tác quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật, mới đây, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 5674/UBND.NN, giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thành, thị chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai.

Xuân Thống

Các tin khác