Diễn đàn pháp luật
'Đánh thức' trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ tinh vi, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống kinh tế - xã hội. Với những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 về tội phạm môi trường, doanh nghiệp sẽ rất dễ vướng vào vòng lao lý nếu không chú trọng bảo vệ môi trường, xem nhẹ trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Nhiều doanh nghiệp vi phạm
Lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh kiểm tra vi phạm về môi trường tại 1 doanh nghiệp ở huyện Quỳ Hợp |
Vào tháng 4/2017, trong quá trình kiểm tra quy trình vận hành cũng như các thủ tục liên quan tại Công ty CP Galax Chi nhánh Nghệ An có địa chỉ tại xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ghi nhận doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Đáng chú ý, quá trình xử lý môi trường ở đây không đạt về cả số lượng và chất lượng so với công suất thiết kế như ban đầu. Đặc biệt, quá trình đốt, xử lý rác gây khói, bụi khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này nhưng Công ty vẫn không khắc phục.
Liên quan những vi phạm của doanh nghiệp, vào ngày 17/4, Tổ công tác của Chi cục Bảo vệ Môi trường Nghệ An tiến hành kiểm tra; qua đó, phát hiện đơn vị này không thông báo bằng văn bản đến các tổ chức nơi tiến hành tham vấn hoặc cơ quan phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành trước khi tiến hành vận hành thử nghiệm?, quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Dựa trên kết quả của các đoàn công tác, Thanh tra Sở đã tham mưu lãnh đạo ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Galax Chi nhánh Nghệ An số tiền 40 triệu đồng.
Trước đó, tại huyện Quỳ Hợp đã xảy ra sự cố vỡ đập từ bể chứa của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc đóng tại xã Châu Thành, tác động đến môi trường của nhiều xã trên địa bàn. Quá trình khắc phục và giải quyết sự cố, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản ý Nhà nước, quá trình vận hành cũng như các quy định về thủ tục hành chính liên quan.
Điều đáng nói, sau sự cố này, Sở TN&MT đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành tổng kiểm tra tất cả các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện này. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính 11 công ty với số tiền gần 1 tỉ đồng.
Đơn cử như, Đoàn kiểm tra đã ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép 6 tháng và phạt hành chính 205 triệu đồng đối với Công ty CP đá Châu Á do khai thác không đúng thiết kế mỏ, giám sát môi trường không đủ tần suất; Công ty CP Đồng Tiên bị tước quyền sử dụng giấy phép 6 tháng và nộp phạt 240 triệu đồng do lỗi khai thác không đúng thiết kế mỏ, thực hiện không đầy đủ các nội dung đánh giá tác động môi trường; Công ty CP khoáng sản RICOH-MDC4 bị tước quyền sử dụng giấy phép 6 tháng và xử phạt hành chính 340 triệu đồng do khai thác không đúng thiết kế mỏ và khai thác vượt ngoài phạm vi cấp phép; Công ty TNHH Chính Nghĩa bị phạt 140 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép 6 tháng do lỗi khai thác không đúng thiết kế mỏ.
Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp khác bị phạt hành chính 70 triệu đồng vì không thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, gồm Công ty CP khoáng sản Pha Lê và Công ty TNHH khai thác khoáng sản Quang Thắng.
Bên cạnh đó, theo phản ánh, các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản vùng đầu nguồn nước đã trực tiếp xả xuống sông, suối đầu nguồn gây ô nhiễm nguồn nước từ sông Nậm Tôn đến sông Dinh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Huyện Nghi Lộc được xem là địa bàn tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp vào đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam, trong đó nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, vẫn còn một số nhà máy nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, Công ty CP Trung Đức đóng trên địa bàn xã Nghi Khánh và Nhà máy trồng và chế biến nguyên liệu giấy Nghệ An trên địa bàn xã Nghi Hợp trong quá trình sản xuất đã gây tiếng ồn, đặc biệt là vào ban đêm; nước thải sản xuất chưa được xử lý thải ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh; Công ty CP sản xuất ván ép Công Dụng tại xã Nghi Khánh trước đây gây ô nhiễm môi trường nay đã di chuyển dây chuyền sản xuất đến vị trí khác; Công ty CP đá ốp lát Thành Công nằm trong Cụm công nghiệp Trường Thạch, xả nước thải chưa qua xử lý ra cống thoát nước làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.
Doanh nghiệp dễ vi phạm nếu coi nhẹ trách nhiệm xã hội
Có thể thấy, thời gian qua, nhiều vi phạm trong lĩnh vực môi trường đã khiến dư luận rất bức xúc. Để xảy ra thực trạng này, nguyên nhân một phần là do công tác quản lý Nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ luật Hình sự 2009 quy định doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về môi trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất khó xác định được thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng về môi trường. Căn cứ này mang tính định tính nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã định lượng hóa các vi phạm môi trường của doanh nghiệp như lưu lượng xả thải, khối lượng chất thải rắn thải ra, số lần vượt quy chuẩn môi trường… để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một số trường hợp cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: Xả thải ra môi trường từ 500 m3/ngày trở lên, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 m3/ngày, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên. Nặng hơn, doanh nghiệp chỉ cần xả thải 100 m3/ngày nhưng có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên, trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính do cùng lỗi này cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Theo ông Hoàng Văn Thức, hiện Việt Nam có khoảng 70% số doanh nghiệp có lưu lượng xả thải trên 100 m3/ngày. Như vậy, số lượng doanh nghiệp có thể bị vướng vào vòng lao lý sẽ rất lớn. Về chất thải rắn, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự khi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại đặc biệt hoặc chất thải nguy hại thuộc Phụ lục A, Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 1.000 kg hoặc chất thải nguy hại khác từ 3.000 kg.
Trong khi đó, về khí thải, nếu thải ra môi trường từ 150.000 m3/giờ, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 100.000 m3/giờ trở lên, có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên, cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một chế tài mạnh, mang tính răn đe rất cao.
“Với khung này, nếu không chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất hoặc hệ thống xử lý môi trường hiện đại, doanh nghiệp rất dễ vướng vào vòng lao lý”, ông Thức cho biết thêm.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trong 2 năm 2015 - 2016, đơn vị này đã thanh tra khoảng gần 1.000 doanh nghiệp. Trong đó 25 - 30% doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là nghiên cứu pháp luật bảo vệ môi trường. Bên cạnh quy định mới của Luật Hình sự, Bộ TN&MT đang xây dựng đề án kiểm soát đặc biệt các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Với những điểm mới trong Luật sửa đổi lần này về tội phạm môi trường, doanh nghiệp sẽ rất dễ vướng vào vòng lao lý nếu không chú trọng bảo vệ môi trường.
Xuân Thống