Diễn đàn pháp luật

Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người

08:55, 09/08/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

(Congannghean.vn)-Tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm (PCTP) mua bán người xuyên quốc gia trong tình hình mới” do Bộ Công an tổ chức ngày 27/7, đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh: Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp PCTP mua bán người ở Việt Nam nhưng tội phạm này vẫn diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, biên giới có xu hướng tăng; 85% số vụ xảy ra có tính chất xuyên quốc gia hoặc có tính quốc tế. Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn, vùng núi, không có công ăn việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.078 vụ, 6.594 nạn nhân bị lừa, ép buộc mua bán. Số vụ được phát hiện trong giai đoạn 2010 - 2015 tăng 11,6% so với giai đoạn trước. Trong đó có 85% số vụ mang tính chất xuyên quốc gia hoặc có tính quốc tế. Số vụ phát hiện trong mấy năm gần đây tuy có ít hơn so với các năm trước nhưng số nạn nhân lại nhiều hơn.

Phòng CSHS giải cứu và bàn giao 3 thiếu nữ bị lừa bán cho gia đình
Phòng CSHS giải cứu và bàn giao 3 thiếu nữ bị lừa bán cho gia đình

Còn tại Nghệ An, theo số liệu thống kê, từ ngày 15/11/2015 - 15/7/2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh  đã phát hiện, bắt giữ 19 vụ, 31 đối tượng phạm tội mua bán người. Trong đó, đã đấu tranh, bắt giữ 5 vụ, 15 đối tượng mua bán trẻ em; tổ chức lực lượng giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương 27 nạn nhân, giúp đỡ ổn định cuộc sống. Số phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương, nghi bị bán sang Trung Quốc là 140 người. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An đã điều tra và truy tố 6 vụ, 9 bị can về tội mua bán người.

Ngày 9/7, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức bàn giao 3 thiếu nữ là những nạn nhân trong đường dây mua bán người nhưng may mắn được giải cứu kịp thời về cho gia đình.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6/2017, đối tượng Lương Thị Hiềm (SN 1988) trú tại xã Xiêng My, huyện Tương Dương, sau một thời gian đi làm ăn xa, đã bất ngờ trở về địa phương, rủ rê các bé gái đi làm công ăn lương tại Hà Nội. Bằng cách vẽ ra những viễn cảnh phồn hoa, thậm chí Hiềm còn hào phóng đưa các cháu đi mua sắm, ăn uống và hát karaoke khiến các thiếu nữ mới lớn choáng ngợp, đồng ý đi làm để nhận lương 30 triệu đồng mỗi tháng.

Ngày 9/7/2017, Hiềm đã đưa 3 cháu Vi Thị L. (SN 2002), Vi Thị T. (SN 2003) và Vi Thị Ng. (SN 2002), cùng trú tại xã Xiêng My, đón xe khách ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi vừa đến địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn thì bị Phòng CSHS phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội CSGT 1/46, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh phát hiện, giải cứu. Riêng đối tượng Hiềm đã nhanh chân bỏ trốn.

Chỉ 1 ngày sau khi 3 thiếu nữ trên được giải cứu, chiều tối 10/7/2017, gia đình ông Moong Phò Uông (SN 1966) trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn phát hiện con gái Moong Thị Xuyến (SN 1999) bỗng dưng mất tích. Sau 2 ngày tìm kiếm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín, ông Uông đã làm đơn trình báo đến Công an huyện Kỳ Sơn. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện đã cử điều tra viên vào cuộc. Trong lúc cơ quan chức năng đang tập trung tìm kiếm manh mối của nạn nhân thì bất ngờ gia đình nhận được điện thoại kêu cứu từ cháu Xuyến, cho biết đang ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và có thể sẽ bị đưa sang Trung Quốc.

Từ thông tin quan trọng này, nhận định cháu Xuyến đã bị kẻ xấu lừa bán ra nước ngoài, ngay lập tức Công an huyện Kỳ Sơn đã cử 1 tổ công tác tức tốc lên đường đi Quảng Ninh, phối hợp với Công an TP Móng Cái để kịp thời giải cứu nạn nhân trước khi bị đưa sang bên kia biên giới. Đến khoảng 17 giờ ngày 13/7, các đơn vị nghiệp vụ đã giải cứu thành công cháu Xuyến, đưa về tận nhà trao trả cho gia đình.

Bước đầu được biết, quá trình đi làm rẫy, Xuyến được chị Moong Thị Hoa Mà - người cùng bản rủ đi làm việc tại Sài Gòn. Khi Xuyến kêu không có tiền, người này hứa sẽ cho mượn, sau đó thuê xe ôm chở từ bản ra thị trấn, bắt xe xuống TP Vinh. Tại đây, Mà bán sợi dây chuyền của mình được 1,8 triệu đồng để làm lộ phí. Sau khi ra đến Quảng Ninh, Mà mới lộ diện là “má mì”, ép Xuyến vượt biên sang bên kia biên giới để làm vợ người khác. Lợi dụng sơ hở nên Xuyến đã mượn điện thoại của một người dân gọi về nhà để cầu cứu gia đình.

Cán bộ Công an huyện Diễn Châu lấy lời khai của đối tượng mua bán người
Cán bộ Công an huyện Diễn Châu lấy lời khai của đối tượng mua bán người

Cần sự phối hợp của cả cộng đồng

Thượng tá Lê Tiến Nam, Phó Trưởng phòng CSHS Công an Nghệ An chia sẻ: “Công tác đấu tranh với loại tội phạm mua bán người gặp rất nhiều khó khăn, do các nạn nhân đa số là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc quan tâm đến con cái còn hạn chế, nhiều nạn nhân mất tích một thời gian dài gia đình mới phát hiện ra thì khi đó nạn nhân đã bị đưa sang Trung Quốc; nhiều nạn nhân sau khi tìm được đường trở về hoặc được giải cứu nhưng do mặc cảm, sợ bị trả thù cá nhân nên đã không tố cáo với cơ quan chức năng… Điều này đã gây khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội”.

Cũng theo Thượng tá Lê Tiến Nam, nhiều nạn nhân của nạn mua bán người do cuộc sống nghèo đói, không có việc làm nên đã tự nguyện đi theo các đối tượng ra nước ngoài, chấp nhận việc bị bán để mong được “đổi đời”. Nguy hiểm hơn, một số nạn nhân sau khi bị bán, có cuộc sống ổn định ở nước ngoài nên đã trở về Việt Nam để tìm cách lừa gạt những người khác đưa bán sang nước ngoài.

Đầu tháng 2/2017, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát Công an huyện Quỳ Hợp phát hiện 1 đối tượng người Việt Nam hiện đang sinh sống ở Trung Quốc liên tục sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để mời chào, dụ dỗ các em gái Việt Nam sang Trung Quốc làm việc. Các đối tượng đã vẽ ra một thiên đường đầy sức hấp dẫn cho các cô gái mới lớn và ít hiểu biết, việc nhẹ, lương cao, được mua sắm, đi du lịch… Liều lĩnh hơn, đối tượng này còn trực tiếp về Việt Nam để lân la làm quen và dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ, cả tin theo thị qua Trung Quốc làm ăn.

Sau một thời gian điều tra, xác minh, trinh sát xác định được đối tượng Lô Thị Kim (SN 1992) trú tại bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp đang sinh sống cùng chồng tại Trung Quốc. Sau một thời gian dụ dỗ được cô em họ, ngày 11/3/2017, Kim hẹn về Yên Thành bí mật đưa cháu Lô Thị T. (17 tuổi) trú tại xã Đức Thành, huyện Yên Thành sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc làm này của Kim đã sớm bị Công an huyện Quỳ Hợp phát hiện và ngăn chặn, em Lô Thị T. đã may mắn được cứu thoát ngay khi chuẩn bị sa chân vào cái bẫy mà Kim đặt ra.

Thời gian qua, lực lượng chức năng của Công an Nghệ An đã triển khai  quyết liệt, đồng bộ công tác PCTP mua bán người. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi nhuận lớn, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, sẵn sàng bán cả người thân, họ hàng. Để chung tay giảm thiểu hệ lụy từ tội phạm mua bán người, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, cảnh báo kết hợp đấu tranh mạnh mẽ trên nhiều phương diện tội phạm mua bán người đã được triển khai đồng bộ. Nhiều mô hình PCTP mua bán người đã được thành lập nhằm tuyên truyền tới người dân những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, đồng thời hỗ trợ các nạn nhân sau khi được giải cứu trở về.

Năm 2016, Câu lạc bộ (CLB) hỗ trợ cộng đồng PCTP mua bán người xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương ra mắt và đã hoạt động rất hiệu quả; Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Công an Nghệ An xây dựng mô hình điểm “Hỗ trợ cộng đồng PCTP mua bán người” tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, hiện nay đã nhân rộng ra các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong. Các mô hình PCTP mua bán người đã trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người cho người dân trên địa bàn.

Như Phương - Cao Loan

Các tin khác