(Congannghean.vn)-Dự án Luật Công an xã được thông qua sẽ làm nổi bật những đóng góp tích cực, những hy sinh to lớn của lực lượng Công an xã trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở; phản ánh đầy đủ thực trạng, khó khăn, vướng mắc, vấn đề bất cập trong tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách của Công an xã trong tình hình hiện nay. Dự án dự định sẽ được thông qua, tuy nhiên mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn xem xét để tiếp tục hoàn thiện.
Việc hoàn thiện Dự án Luật Công an xã sẽ tạo điều kiện để lực lượng Công an xã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại cơ sở (Trong ảnh: Công an xã bắt giữ các đối tượng trộm cắp tài sản) |
Ông Trần Văn Thắng (SN 1954, trú tại xóm 7, xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) từng đảm nhiệm chức vụ Phó, Trưởng Công an xã, có thời gian công tác liên tục trong suốt 25 năm tại địa phương và nếu tính cả thời gian công tác trước đó ở vị trí Xã đội trưởng, chuyên trách Tư pháp, Văn phòng UBND xã thì có đến 30 năm cống hiến.
Năm 2014, vì lý do sức khỏe, ông Thắng xin nghỉ việc và do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông này làm đơn gửi các cấp xin được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã về chế độ, chính sách đối với Công an xã.
Ngày 4/12/2015, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Tất Thành có Quyết định số 2647 về việc giải quyết chế độ cho ông Thắng, với số tiền là 37,375 triệu đồng. Tuy nhiên, quyết định xong rồi… để đó. Đã nhiều lần ông Thắng đến UBND huyện nhận tiền nhưng đều chưa có vì huyện bảo chưa có nguồn để chi trả. “Tôi nay sức khỏe yếu, chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp để đi khám chữa bệnh nhưng ngày càng thấy mịt mù”. Ông Thắng cho biết, đến ngày 15/7 vừa qua, ông vẫn chưa được nhận khoản tiền này.
Ông Trần Văn Thắng chỉ là một trong số hàng vạn trường hợp thiệt thòi của lực lượng Công an xã hiện nay, khi cống hiến nhiều nhưng sự ghi nhận chưa thực sự xứng đáng. Chính bởi vậy, khi Dự án Luật Công an xã được xây dựng, những người đang công tác trong lực lượng này đều rất phấn khởi vì công lao, tâm sức của mình được ghi nhận.
Công an xã Tân An (Tân Kỳ) tham gia đảm bảo trật tự ATGT (Ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, vào ngày 6/10 vừa qua, tại phiên thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn xem xét để tiếp tục hoàn thiện.
Dự án Luật Công an xã được xây dựng gồm 5 chương với 47 điều, quy định chi tiết về vị trí, chức năng của Công an xã; nguyên tắc hoạt động của Công an xã; xây dựng lực lượng Công an xã; tuyển chọn Công dân vào Công an xã; nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Công an xã; trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của Công an xã...
Theo đánh giá và ghi nhận, Công an xã là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đảm bảo ANTT và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để lực lượng Công an xã thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Công an xã là quan trọng và cần thiết.
Luật Công an xã sẽ tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, tương xứng hơn trong tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và đảm bảo điều kiện hoạt động đối với Công an xã; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Ông Trần Đăng Chinh, nguyên Trưởng Công an thị trấn Tân Kỳ cho biết: Hiện nay, chế độ tiền lương, biên chế đối với lực lượng Công an xã còn thấp, chỉ duy nhất đồng chí Trưởng Công an xã nằm trong biên chế cấp xã, trong khi thực tế công việc đối với Công an xã ngày càng lớn và phức tạp. Do vậy, khi Dự án Luật Công an xã được thông qua, đây sẽ là lực lượng bán chuyên trách, tiến tới chính quy hơn.
Thực tế cho thấy, Công an xã không phải là lực lượng được đào tạo chính quy song họ lại thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, đây cũng là lực lượng có mặt đầu tiên tại cơ sở khi có vụ việc xảy ra. Trước khi Dự án Luật Công an xã được thông qua, phần lớn những người đang công tác trong lực lượng này, nhất là đội ngũ Công an viên, đều có chung mong muốn là mong Quốc hội quan tâm về mức phụ cấp và đổi mới trang phục cho Công an xã.
Hiện nay, phụ cấp của Công an viên giao động từ 690.000 đến 860.000 đồng/tháng tùy theo từng địa phương là quá thấp. Ngoài mức phụ cấp này, họ không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, không có thâm niên. Tương tự, mức lương của Phó trưởng Công an xã cũng chỉ tính bằng 1.0 hệ số, tương đương mỗi tháng chỉ được nhận khoảng 1 triệu đồng tiền lương.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, lực lượng Công an xã luôn làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về ANTT; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở. Do vậy, để ghi nhận và chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an xã từ trước đến nay, Dự án Luật Công an xã được thông qua sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại liên quan, qua đó ghi nhận sự cống hiến của lực lượng này trên lĩnh vực đảm bảo ANTT.