Diễn đàn pháp luật

Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thực sự đi vào cuộc sống

15:04, 13/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em - đối tượng có nhiều nguy cơ bị bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau 7 năm thực hiện, Luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Phụ nữ là nạn nhân

Nếu nhìn vào những hành vi BLGĐ được Luật Phòng, chống BLGĐ nghiêm cấm thì rõ ràng vẫn còn rất nhiều thủ phạm và nạn nhân đang bị ẩn đi dưới nhiều hình thức. Sở dĩ vẫn còn hiện trạng này là do trong tiềm thức của một bộ phận vẫn còn xem những hành vi ấy thuộc "quyền" và "bổn phận" của mình. Họ không hề ý thức được rằng, việc lạm dụng "quyền" ấy đã biến họ thành những thủ phạm gây nên nạn BLGĐ.

Công an tỉnh tổ chức buổi nói chuyện với chủ đề “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc mái ấm gia đình trong thời hội nhập”
Công an tỉnh tổ chức buổi nói chuyện với chủ đề “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc mái ấm gia đình trong thời hội nhập”

Điển hình như trường hợp của chị Vi Thị Đ. ở huyện Tương Dương. Năm nay mới 25 tuổi nhưng chị đã có 4 người con. Mọi công việc trong gia đình từ lao động nặng nhọc như làm nương rẫy, đốn củi đến nội trợ, chăm sóc, giáo dục con cái đều một tay chị lo, còn người chồng tối ngày chỉ biết uống rượu. Đã thế, khi nhà hết rượu, chị còn bị chồng đánh vì không lo mua rượu để phục vụ chồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi phản ứng như thế nào về việc này? Chị D. ngập ngừng một lúc rồi nói: “Ở bản có nhiều người cũng như vậy mà!”.

Từ muôn vàn lý do, nhiều người không nghĩ đó là hành vi bạo hành và nạn nhân sẽ được pháp luật bảo vệ. Chính suy nghĩ đó của họ đã vô tình gây trở ngại cho việc phát hiện, xác định mức độ thiệt hại của BLGĐ cũng như sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng BLGĐ ngày càng gia tăng.

Những con số biết nói

Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành, thị từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6.691 vụ BLGĐ và có xu hướng tăng dần, mức độ nghiêm trọng cũng tăng theo. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi trên thực tế, BLGĐ vẫn tồn tại và tiềm ẩn trong nhiều gia đình mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa thể phát hiện và xử lý.

Theo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý công tác gia đình), nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ gia tăng là do nhận thức, trình độ học vấn của người dân còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn...

Đặc biệt, rào cản về tâm lí, phong tục tập quán ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân với tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, định kiến bất bình đẳng giới, hay sự lạm dụng, hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “thương cho roi, cho vọt”, dẫn đến việc nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người có quan niệm “chuyện chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con là chuyện riêng của mỗi gia đình, người khác không thể can thiệp”; “xấu chàng, hổ ai” khiến nhiều phụ nữ cố nhẫn nhịn, chịu đựng nạn BLGĐ. Điều đáng buồn là hiện nay, BLGĐ còn xảy ra ở các gia đình cán bộ, công chức có trình độ học vấn cao.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho rằng: "Tình trạng BLGĐ gia tăng chủ yếu là do nhận thức của người dân. Tuy nhiên, nguyên nhân làm cho BLGĐ nghiêm trọng hơn còn có phần trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đối với công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ".

Cần những giải pháp đồng bộ

Luật Phòng, chống BLGĐ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2008. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức các biện pháp phòng, chống BLGĐ có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, BLGĐ là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền  thống, văn hoá, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân. Do đó, công tác phòng, chống BLGĐ không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn với việc thực hiện bình đẳng giới và công tác xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc.

Để Luật Phòng, chống BLGĐ sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ; làm tốt công tác hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; trang bị cho nạn nhân BLGĐ kiến thức để tự bảo vệ mình như: Nghề nghiệp độc lập về tài chính, trình độ học vấn, cách ứng xử trong gia đình…; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ; thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới…

Cao Loan

Các tin khác