Diễn đàn pháp luật
Từ 1/7, mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ
Một trong những nội dung đáng chú ý của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới là giảm phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ đối với một số tội, từ đó giảm áp lực đối với hệ thống trại giam và chi phí giam giữ. Điều này cũng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nước ta.
Mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ thể hiện sự nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta |
Khấu trừ thu nhập sung công quỹ
Điều 36 BLHS 2015 quy định, cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ.
Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5-20% để sung công quỹ. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần.
Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo... Bên cạnh đó, người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
Ngoài ra, BLHS 2015 cũng nêu rõ, không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.
Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhẹ hơn hình phạt tù, nhưng nặng hơn hình phạt phạt tiền và cảnh cáo. BLHS 2015 đã giảm hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ xuất phát từ thực tiễn cho thấy, việc áp dụng hình phạt tù với tỷ lệ cao đã để lại nhiều hệ quả tiêu cực về kinh tế, xã hội…
Tăng tính khả thi của pháp luật hình sự
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Do vậy, việc mở rộng áp dụng hình phạt không giam giữ là rất cần thiết, giúp BLHS 2015 có tính khả thi cao. Trong hệ thống hình phạt hiện nay có 4 hình phạt không tước tự do của người phạm tội, gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất, song các hình phạt này không được áp dụng nhiều trong thực tế.
Nguyên nhân chúng được quy định trong BLHS 1999 có tính cưỡng chế không cao nên không có tác dụng phòng ngừa, giáo dục người phạm tội, trong khi điều kiện áp dụng hình phạt tương đối khắt khe…
Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, nên tòa án còn có thể quyết định thêm hình phạt bổ sung mà BLHS quy định đối với tội đó. Việc khấu trừ thu nhập của người bị kết án để sung quỹ Nhà nước không bắt buộc trong mọi trường hợp. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, thu nhập thực tế và tình hình tài sản cũng như hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội, cơ quan chức năng có quyết định khấu trừ hoặc không khấu trừ thu nhập của họ.
Có thể khẳng định, việc giảm hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Hình phạt tù chỉ nên áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp cần thiết phải tước tự do của người phạm tội.
Nguồn: anninhthudo.vn