Diễn đàn pháp luật
Hiểu thêm về án lệ
(Congannghean.vn)-Từ ngày 1/6, việc nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử sẽ lần đầu tiên được thực hiện trong hệ thống tòa án trên cả nước. Trong đó, theo công bố của Chánh án TAND tối cao, 6 án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua và các tòa án trên toàn quốc có trách nhiệm đưa ra xét xử. Vậy, án lệ là gì và cách thức áp dụng như thế nào?
Thế nào là án lệ?
Trước hết, cần hiểu án lệ là những lập luận, những nguyên tắc pháp lý được nêu ra trong bản án của TAND Tối cao nhằm giải thích một quy định của điều luật (trong trường hợp điều luật quy định không rõ ràng) hoặc đưa ra một quy định bổ sung cho quy định của điều luật (trong trường hợp điều luật chưa quy định). Án lệ được hình thành trong quá trình giải quyết vụ án từ tòa cấp sơ thẩm, tòa cấp phúc thẩm đến TAND Tối cao.
Công bố áp dụng án lệ của TAND tối cao (tháng 10/2015) |
Tòa án Tối cao với vai trò và vị trí của mình sẽ sửa sai trong việc giải thích và áp dụng pháp luật của các tòa án cấp dưới. Những lập luận trong bản án của Tòa án Tối cao sẽ tạo thành án lệ. Hay nói cách khác, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các tòa án cấp dưới nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng 3 tiêu chí: Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, có tính chuẩn mực và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Việc áp dụng án lệ trong xét xử được kỳ vọng là bước đột phá nhằm đảm bảo sự minh bạch của hoạt động tư pháp. Đối với nhiều nước trên thế giới, án lệ đã được áp dụng rộng rãi trong hoạt động tố tụng, xét xử.
Ở Việt Nam, việc thừa nhận án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử là thành quả bước đầu của cải cách tư pháp. Trong số 6 án lệ sẽ được đưa ra áp dụng, xét xử tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng kể từ ngày 1/6, có tới 5 vụ án là tranh chấp dân sự và 1 vụ án hình sự.
Đơn cử, vào năm 2007, trong lúc đi làm nhậu say, Đồng Xuân Phương (SN 1975) trú tại TP Hải Phòng bị đồng nghiệp chụp ảnh gửi lãnh đạo. Bị cấp trên nhắc nhở, Phương nảy sinh ý định trả thù nên nhờ 2 người bạn “dằn mặt” kẻ đã chụp hình mình. Tuy nhiên, do “quá tay” nên 2 người bạn này đã khiến nạn nhân thiệt mạng. Đồng Xuân Phương bị kết án về tội giết người.
Qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Phương bị tuyên án lần lượt 17 năm và chung thân về tội giết người. Tuy nhiên, ngày 16/4/2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Hà Nội có Quyết định Giám đốc thẩm, hủy bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội theo hướng xét xử phúc thẩm hành vi phạm tội của Phương thuộc trường hợp phạm tội “Cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả chết người”.
Vụ án này đã được chọn làm án lệ và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới. Nội dung án lệ của vụ án này sẽ xét xử theo hướng, trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ.
Người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu, việc nạn nhân tử vong nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.
Nếu vụ án xét xử thành công thì những vụ án tương tự như thế này sẽ lấy vụ án Đồng Xuân Phương làm “án lệ” trong tố tụng, xét xử. Từ đó, có thể hiểu đơn giản hơn về khái niệm án lệ là những bản án có tính chuẩn mực được công bố, hành vi và nội dung tương tự, cùng tính chất với nhau thì được áp dụng như nhau.
Áp dụng án lệ để tránh oan sai
Theo quy định, các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật về TAND tối cao để phát triển thành án lệ. Khi án lệ được ban hành, người dân có thể biết các quan hệ xã hội có tính chất tương tự, cái gì là tội phạm, mức độ tội phạm đến đâu, như thế nào, họ không phải đi tìm hiểu.
Ngành tòa án tin tưởng rằng, áp dụng án lệ sẽ tránh việc dư luận cho rằng có “chạy” án, tránh việc người dân đi khiếu nại, tố cáo khi những vụ án tương tự cùng một tòa án thì người này xử khác, người kia xử khác.
Việc áp dụng án lệ trong xét xử được tuân thủ theo nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.
Trường hợp áp dụng án lệ thì trong bản án, thẩm phán phải chỉ rõ tính chất, tình tiết vụ việc mình đang giải quyết tương tự với tính chất, tình tiết vụ việc trong án lệ. Nếu áp dụng thì án lệ phải viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Thẩm phán có thể áp dụng án lệ hoặc không áp dụng, nhưng phải chỉ rõ nguyên nhân.
Thậm chí, nếu vụ việc đang giải quyết giống án lệ nhưng chứng minh được án lệ sai thì bản án mới này có thể được công nhận là án lệ để thay thế cho án lệ cũ. Bởi, án lệ có thể không sai vào thời điểm được lựa chọn nhưng theo thời gian có thể không còn phù hợp do pháp luật thay đổi.
Án lệ không dành riêng cho thẩm phán mà cho toàn xã hội. Thông qua dữ liệu được cập nhật công khai của ngành tòa án, người dân dù ngồi ở nhà cũng có thể xem được toàn văn bản án. Áp dụng án lệ thì hiện tượng tiêu cực sẽ giảm đi, việc “chạy” án hay nghi ngại cho rằng có sự khuất tất trong xét xử sẽ không còn nữa.
Ngoài ra, việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật khi có những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, hoặc có những vấn đề chưa có quy định cụ thể.
Đối với các đương sự, khi tiếp cận án lệ, họ tự hình dung ra vụ việc của mình sẽ đến đâu để tự quyết định có mời luật sư hay không, theo đuổi vụ việc hay không. Đặc biệt, thông qua những vụ việc như nhau được giải quyết giống nhau, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, đương sự sẽ không ấm ức vì cho rằng mình bị xử oan, xử sai như từ trước đến nay vẫn diễn ra.
Thiên Thảo