(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, nhiều câu lạc bộ pháp luật (CLBPL) trên địa bàn tỉnh đã được nhân rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng và tình hình thực tế của địa phương; qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có nhiều CLBPL hoạt động không hiệu quả hoặc tạm dừng hoạt động.
Hiệu quả hoạt động thấp
Nghệ An hiện có trên 3.072 CLBPL với trên 8.000 người tham gia, chủ yếu là người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể như: Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cấp huyện hoặc cấp xã kiêm nhiệm.
Mô hình nhóm “Bạn giúp bạn” tại huyện Diễn Châu tuyên truyền phòng, chống ma túy |
Các mô hình câu lạc bộ (CLB) có nhiều tên gọi khác nhau, như: CLB “Trợ giúp pháp lý”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Nông dân với pháp luật”, “Bạn giúp bạn”... Hoạt động của các CLB đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh những CLB hoạt động hiệu quả, không ít CLB hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Điều này xuất phát từ những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động như: Thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt, tình trạng một địa phương có nhiều CLB với thành phần, nội dung sinh hoạt có lúc trùng nhau dẫn đến hiệu quả không cao, thiếu kinh phí để duy trì tổ chức và hoạt động…
Điển hình như CLB “Trợ giúp pháp lý” chủ yếu hoạt động dựa vào nguồn kinh phí do Trung tâm Trợ giúp pháp lý hỗ trợ; CLB “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” có nguồn kinh phí từ Đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ ANTT” thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, các nguồn kinh phí này hiện rất hạn chế và gần như các CLB không được cấp để hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý…
Cần sự phối hợp
Thời gian qua, các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp đáng kể trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, qua đó góp phần ổn định tình hình trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con nhân dân thông qua các CLBPL là việc làm thiết thực nhưng hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của các CLB này, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. Đó là: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp; tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phát triển các mô hình hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân; tổ chức hội nghị trao đổi đa chiều, tổ chức các hội thi, cuộc thi, đặc biệt là thi tìm hiểu các bộ luật lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội; quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng nhạy cảm, đặc thù, có nguy cơ vi phạm cao; chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác giáo dục pháp luật trong hệ thống trường học, kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ cho các CLBPL, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động của các CLB. Công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp xây dựng kinh phí hỗ trợ hoạt động của các CLBPL theo quy định của pháp luật về ngân sách và quy định về mức chi đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Để duy trì hiệu quả hoạt động của các CLBPL, cần xem xét việc sáp nhập các mô hình CLBPL trong cùng một địa phương để tận dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh trùng lặp về thành phần và thời gian diễn ra các hoạt động; các cơ quan quản lý Nhà nước có văn bản hướng dẫn kịp thời để các CLBPL có hướng hoạt động phù hợp.