Diễn đàn pháp luật
Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tại cơ sở
(Congannghean.vn)-Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác trợ giúp pháp lý.
Trong đó, tập trung hướng hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đến vùng nông thôn, những nơi xa trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, qua đó góp phần giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho người dân.
Với ưu thế là “cầu nối” truyền tải kiến thức pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý đã thực sự trở thành người bạn đồng hành tích cực của chính quyền địa phương và người dân trong việc giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chế độ chính sách xã hội…
Các chương trình trợ giúp lưu động không chỉ chú trọng tới những đối tượng thuộc diện được trợ giúp mà qua đó, Trung tâm TGPL tỉnh còn phối hợp với phòng tư pháp, UBND các xã, phường tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân, giúp đỡ chính quyền cơ sở giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp luật.
Một buổi trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng cao |
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã tổ chức 160 cuộc TGPL tại các thôn, xóm, bản ở các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu (Nghệ An), đã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 15.985 lượt người và TGPL cá biệt cho 1.620 trường hợp.
Cũng trong các đợt TGPL lưu động, Trung tâm TGPL đã phát hành miễn phí 6.000 tờ gấp pháp luật có nội dung về Luật TGPL, các quy định của pháp luật về xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, bình đẳng giới, phòng chống HIV… Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức 33 câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, với hơn 200 thành viên.
Định kỳ hàng tháng, các câu lạc bộ TGPL tổ chức sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề hoặc giải đáp vướng mắc liên quan đến pháp luật của hội viên thông qua cộng tác viên TGPL hoặc trợ giúp viên pháp lý, qua đó thu hút hơn 4.600 người dân ở cơ sở tham dự.
Trong các đợt TGPL lưu động, đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, pháp luật về thừa kế, di chúc; tặng, cho tài sản; chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số..., đồng thời tiếp nhận hàng trăm câu hỏi, đơn yêu cầu TGPL của bà con nhân dân.
Các câu hỏi thường xoay quanh các vấn đề liên quan đến tranh chấp dân sự, khiếu nại, đền bù, giải phóng mặt bằng, hộ khẩu, hộ tịch. Đội ngũ luật sư cộng tác viên và trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn tại chỗ, hướng dẫn trình tự giải quyết các vụ việc và giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật cho bà con nhân dân. Qua đó tạo được sự tin cậy của người dân đối với hoạt động TGPL và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Vì trước đó, có những vụ việc rất đơn giản nhưng do không nắm rõ các quy định của pháp luật và trình tự, thủ tục giải quyết nên người dân mất nhiều thời gian, công sức liên hệ với nhiều cơ quan để giải quyết nhưng vẫn không đạt kết quả.
Thông qua các đợt TGPL lưu động, nhận thức và hiểu biết về pháp luật của nhân dân được nâng cao, để người dân tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong cuộc sống thường ngày.
Hoạt động này được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và hy vọng rằng, Trung tâm TGPL tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt TGPL lưu động. Qua đó nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững ANTT, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Phạm Thế Kỷ, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan song việc TGPL kết hợp với tuyên truyền pháp luật lưu động thực hiện tại các thôn, bản vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các xã nằm trong chương trình 135 còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như: Các thôn, bản nằm cách xa trung tâm xã, giao thông xuống cấp và bị chia cắt nên việc đi lại hết sức khó khăn; nguồn kinh phí cho công tác TGPL còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, do bất đồng về ngôn ngữ nên hoạt động TGPL phải thông qua phiên dịch viên, gây ra nhiều hạn chế trong công tác phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm đẩy mạnh công tác TGPL, trong thời gian tới, khắc phục những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất..., Trung tâm sẽ tiếp tục hướng hoạt động về cơ sở, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, các đối tượng chính sách, trẻ em và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cao Loan