Diễn đàn pháp luật

Quốc hội thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)

10:13, 26/11/2015 (GMT+7)

Sáng 25/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) với 438 phiếu tán thành, chiếm 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)  Ảnh: Đình Nam

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trình Quốc hội xem xét thông qua gồm gồm 42 chương, 517 điều, trong đó bổ sung mới 102 điều, sửa đổi, bổ sung 292 điều.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (các điều 4, 43, 44 và 45), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào Bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 965/BC-UBTVQH13 ngày 23/10/2015. Việc xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 4 và bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo Bộ luật.

Điều 4, Khoản 2: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.

Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự , nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.

 Một số ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xác định vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu quốc hội bằng phiếu. Kết quả có 233 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất, (55,7%); có 185 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai, (44,3%). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện trong dự thảo Bộ luật tại Điều 46.

Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự (các điều 24, 100, 208, từ Điều 247 đến Điều 261, các điều 301, 320, 341 và 357), nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Bộ luật, đề nghị quy định cụ thể hơn nguyên tắc này, nhất là đối với phiên tòa rút gọn, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các điều luật để thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Việc tranh tụng trong xét xử vụ án rút gọn được thực hiện như đối với vụ án thông thường. Trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm để trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu. Các nội dung này đã được tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại khoản 2 Điều 320, khoản 2 Điều 341 và Điều 357 của dự thảo Bộ luật.

Bộ luật tố tụng dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các tin khác