Pháp luật

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

10:48, 20/07/2015 (GMT+7)

Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tham dự.

Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nêu rõ: mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tổ chức với hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định. Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được đăng Báo Nhân Dân, Báo Đại biểu Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân gồm: góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; các hình thức phù hợp khác.

Ý kiến của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được gửi đến cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này hoặc gửi đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử boluathinhsu@moj.gov.vn.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/7 và kết thúc vào ngày 14/9. Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Quyết định 1076/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nêu rõ: nội dung lấy ý kiến nhân dân bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...

Quyết định nêu rõ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tư pháp về quá trình tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước ngày 23/9.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc lấy ý kiến Nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian từ 15.7.2015 đến hết ngày 20.9.2015; việc lấy ý kiến Nhân dân phải bám sát nội dung Nghị quyết số 972 của UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Phó thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, HĐND các địa phương phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nội dung, đúng tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhất là hai ngành Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành, từ kinh nghiệm thực tiễn trong ngành đóng góp ý kiến để bộ luật có tính sát thực hơn.

Đối với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông cần dành thời lượng cần thiết, có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến để người dân có thể hiểu được những điểm mới của Bộ Luật này. Phó thủ tướng cũng đề nghị, các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến cần thực hiện việc tập hợp ý kiến một cách khoa học, đầy đủ, nghiêm túc và trung thực để bảo đảm tính hiệu quả việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

 

Nguồn: Quochoi.vn

Các tin khác