Pháp luật

Cảnh báo xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út (Bài 2)

15:00, 15/07/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, nhiều gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út đã đồng loạt làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng về việc người thân của họ đi lao động giúp việc gia đình tại đất nước này đã bị ngược đãi, đánh đập, phải chạy vào trại tị nạn. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khuyến cáo, đa phần những người này đều bị một số cá nhân, tổ chức lừa đảo, môi giới XKLĐ nên quyền lợi không được đảm bảo.
 
Bài 2: Cạm bẫy nô lệ ở xứ người
 
“Đi XKLĐ miễn phí, lương cao, công việc nhẹ nhàng, thủ tục đơn giản”… là những mời chào hấp dẫn của các công ty để chèo kéo người lao động tham gia giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, khi bị gia chủ bóc lột, hành hạ thì phía công ty XKLĐ lại thờ ơ theo kiểu “sống chết mặc bay”. Đó là những thực tế đang xảy ra tại thị trường lao động giúp việc gia đình sang Ả Rập Xê Út.  
 
 
Nhiều rủi ro với lao động giúp việc gia đình
 
Trước tình trạng nhiều lao động giúp việc tại Ả Rập Xê Út xin về nước sớm vì bị ngược đãi, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã phát đi thông điệp khuyến cáo người lao động chỉ XKLĐ thông qua công ty có giấy phép, có hợp đồng cung ứng lao động được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận. Hợp đồng ký giữa người lao động và doanh nghiệp phải có chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp và được đóng dấu.
Một nữ lao động Việt Nam giúp việc nhà  tại Ả Rập Xê Út
Một nữ lao động Việt Nam giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động bị ngược đãi, phải kêu cứu từ xứ người là do một số cá nhân, tổ chức lừa đảo, môi giới đưa người lao động sang làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út khi chưa được phép. Thậm chí, có trường hợp giả mạo hợp đồng của doanh nghiệp XKLĐ để đưa người lao động ký trước khi ra sân bay. Phần lớn những lao động bị lừa đảo tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong thời gian gần đây, nhiều gia đình cũng đã có đơn thư tố cáo về vấn đề này. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Vinh, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Lý do trong vài năm trở lại đây, lao động giúp việc gia đình ở Ả Rập Xê Út trở nên hấp dẫn là bởi, nguồn cung lao động từ Philippines và Indonesia giảm mạnh trong khi thủ tục đưa và tiếp nhận lao động sang Ả Rập Xê Út lại tương đối đơn giản.
 
Người lao động đi làm việc tại đây gần như không mất phí, trong khi doanh nghiệp cung ứng được đối tác trả phí tuyển dụng cao. Hiện, Việt Nam có khoảng hơn 15.000 lao động đang làm việc tại đất nước này, trong đó giúp việc gia đình chiếm khoảng 5.000 người. Đặc thù của nghề giúp việc gia đình là làm theo khối lượng công việc và phụ thuộc vào gia đình sử dụng lao động, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng bị lạm dụng, phải lao động quá giờ, thậm chí có trường hợp còn bị lạm dụng tình dục.
 
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.500 lao động đang làm việc tại Trung Đông. Trong năm 2014, cũng đã có những vụ việc phát sinh liên quan, chủ yếu là lao động giúp việc bị sa thải, ngược đãi hoặc không thích nghi được với khí hậu, môi trường làm việc nên đã xin về nước trước thời hạn. Trước tình trạng này, Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều biện pháp để bảo vệ người lao động như yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải tăng cường siết chặt trong khâu tuyển chọn lao động, đồng thời cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán cũng như điều kiện hợp đồng cho người lao động. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đăng ký XKLĐ sang Ả Rập Xê Út, ngoài giúp việc gia đình còn có các ngành nghề khác như công nhân nhà máy, lái xe. 
 
Bảo vệ quyền lợi của người lao động
 
Theo khuyến cáo của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực XKLĐ, lao động giúp việc gia đình hiện tương đối phức tạp, nhiều nước còn chưa đưa nghề này vào Luật Lao động nên người lao động thường gặp rủi ro. Giúp việc gia đình tại các gia đình theo đạo Hồi lại càng phức tạp hơn khi những phong tục, tập quán của họ có nhiều điểm khác với các gia đình châu Á. Được biết, hiện nay, Chính phủ không khuyến khích việc đưa người lao động giúp việc sang Ả Rập Xê Út, song số lượng này vẫn không giảm. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Philippines, SriLanka, Indonesia… đã ngừng việc đưa lao động giúp việc sang Ả Rập Xê Út.
 
Theo quy định, các doanh nghiệp XKLĐ phải cử người sang nước tiếp nhận lao động để nắm được tình hình thực tế, kiểm tra, giám sát xem lao động giúp việc gia đình có được làm công việc và trả lương như trong hợp đồng hay không. Tuy nhiên, vì khoảng cách địa lý và chi phí đi lại tốn kém nên tại Ả Rập Xê Út, nhiều doanh nghiệp phải cử chung một người sang giám sát. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phớt lờ quy định này, dẫn đến tình trạng không kiểm soát, thậm chí “mất dấu” lao động. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, trong thời gian bị ngược đãi, chị phải cầu cứu người thân. Gia đình chị Hồng đã 2 lần ra Hà Nội, tìm đến Công ty Cổ phần XKLĐ và Thương mại du lịch nhưng đơn vị này đã chuyển địa điểm. Lúc tìm ra được thì nhân viên viện lý do giám đốc đi vắng, không đứng ra giải quyết nên buộc người lao động phải tự cứu mình. 
 
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi sang Ả Rập Xê Út giúp việc gia đình, cùng với việc ký bản thỏa thuận khung pháp lý trong lĩnh vực giúp việc gia đình giữa hai nước Việt Nam và Ả Rập Xê Út để Bộ Lao động Ả Rập Xê Út có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho lao động Việt Nam; một số thủ tục như giấy phép cư trú, liên lạc với gia đình, cung cấp nơi ở, đồng thời giám sát việc chủ sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động trong việc trả lương, trợ cấp, được mua bảo hiểm, nghỉ ngơi phù hợp với pháp luật của đất nước sở tại. Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các địa phương tăng cường siết chặt các quy định về đào tạo, tuyển dụng, hỗ trợ về mặt chính sách để quyền lợi của người lao động được đảm bảo, nhất là ở một nước tiềm ẩn nhiều rủi ro như Ả Rập Xê Út.

Thiên Thảo

Các tin khác