Pháp luật
Luật Thương mại cần thống nhất với Bộ luật Dân sự
Giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đang có nhiều quy định trùng lấn và chưa thống nhất với nhau. Luật Thương mại cần xác định các điểm đặc thù trong hoạt động thương mại của thương nhân để quy định, nếu không có sự khác biệt thì không nên quy định mà áp dụng chung quy định tại Bộ luật Dân sự.
Hiện tại, Dự thảo Bộ luật Dân sự đang được soạn thảo theo hướng bổ sung, sửa đổi nhiều quy định quan trọng, có liên quan đến Luật Thương mại, vì vậy, Luật Thương mại khi sửa đổi cần xem xét để điều chỉnh tương ứng với những sửa đổi đó, để đảm bảo thống nhất với luật gốc này.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình khi tham dự hội thảo tổng kết thực hiện thi hành Luật Thương mại 2005 do Bộ Công Thương và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) tổ chức ngày 20/10 tại TPHCM.
Sự chồng chéo giữa Luật Thương mại với các luật khác
Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, có sự chồng chéo giữa Luật Thương mại với các luật khác.
Cụ thể như, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định rất chi tiết, đầy đủ về các vấn đề liên quan đến quảng cáo. Rất nhiều quy định tại Luật Quảng cáo và Luật Thương mại không thống nhất với nhau. Và khi áp dụng, các đối tượng thường sẽ sử dụng Luật Quảng cáo mà không phải Luật Thương mại, do đó, đề nghị bỏ các chế định về quảng cáo trong Luật Thương mại và để các quy định này điều chỉnh tại Luật Quảng cáo.
Tương tự, Luật Đầu tư sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) ban hành các danh mục: Các ngành, nghề cấm kinh doanh, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Qua đó, thống nhất được các ngành, nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong các quy định hiện hành, tạo tính minh bạch trong môi trường kinh doanh và kiểm soát được việc ban hành các điều kiện kinh doanh của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thương mại cũng quy định về các danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Như vậy, Luật Đầu tư sửa đổi đang quy định về điều kiện của các chủ thể kinh doanh, còn Luật Thương mại đang quy định về điều kiện của các loại hàng hóa mà các chủ thể kinh doanh.
Về mặt hình thức thì đây là 2 nhóm danh mục khác nhau (một áp dụng cho chủ thể, một áp dụng cho sản phẩm). Tuy nhiên, trên thực tế 2 nhóm danh mục này có rất nhiều điểm trùng lấn, bởi về bản chất thì mỗi hàng hóa, dịch vụ - sản phẩm đầu ra của quá trình đầu tư kinh doanh, đều phải gắn liền với chủ thể kinh doanh nào đó.
Không chỉ có sự trùng lấn với các luật, một điều đáng lo ngại nữa được Ban Pháp chế VCCI chỉ ra, đó là các quy định của Luật Thương mại có nguy cơ bị “gặm nhấm”.
Khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại có quy định: “Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó”. Theo Ban Pháp chế VCCI, quy định này được các văn bản pháp luật quy định về hoạt động thương mại khác sẽ được ưu tiên áp dụng, và có thể các quy định tại các văn bản pháp luật đó trái với Luật Thương mại. Điều này là chưa phù hợp với vai trò, vị trí của Luật Thương mại trong hệ thống pháp luật thương mại và sẽ có nguy cơ, các quy định của Luật Thương mại sẽ bị “gặm nhấm”.
Do đó, các đại biểu đề nghị khi sửa đổi Luật Thương mại, cần từ bỏ cách tiếp cận Luật Thương mại là luật chung áp dụng cho các hoạt động thương mại. Thay vào đó, Luật trở thành một luật chuyên ngành, chỉ quy định các hoạt động thương mại đặc thù.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), chuyên gia Dự án USAID GIG đề nghị bãi bỏ nhiều nội dung, nhất là các chế định về hợp đồng, vì nhiều nội dung đã được quy định tại các luật khác, đặc biệt là Bộ luật Dân sự.
Cụ thể, luật sư Huỳnh cho biết, chế định về hợp đồng mua bán hàng hóa, các nội dung trong Luật Thương mại trùng tới 80% so với nội dung trong Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự còn quy định chi tiết hơn với hẳn một chương và 111 điều.
Cái gì Bộ luật Dân sự có thì Luật Thương mại nên bỏ
Trao đổi về vấn đề hợp đồng, PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự, Đại học Luật TPHCM, trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, “rất nhiều thứ” trong Bộ luật Dân sự đã có và Luật Thương mại cũng có như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công…
Theo ông Đại, việc tồn tại song song các hình thức hợp đồng thương mại như vậy trong 2 luật sẽ gây nên nhiều bất cập, gây tốn kém cho xã hội.
Với kinh nghiệm của người nghiên cứu án ở Tòa Việt Nam hơn 10 năm nay, đồng thời cũng tham gia xét xử trọng tài, ông Đại cho biết: “Khi một vấn đề xảy ra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn là áp dụng Bộ luật Dân sự, hay áp dụng Luật Thương mại. Khi xảy ra tranh chấp, nhiều trường hợp không rõ ràng, ở góc độ trọng tài, chúng tôi không biết là sử dụng Luật Thương mại hay Bộ luật Dân sự”.
Ông Đại cũng cho biết thêm, ở các phiên tòa, hội đồng thẩm phán và tòa giám đốc thẩm hủy án tòa án địa phương nhiều trường hợp vì tội không đúng luật, bởi tòa án địa phương thì áp dụng Bộ luật Dân sự, còn Tòa án Tối cao cho rằng, trong trường hợp đó, phải sử dụng Luật Thương mại. Nó bất cập từ thực tiễn và tốn kém cho xã hội.
Với triết lý Bộ luật Dân sự là nền tảng, ông Đại cho rằng, cái gì có trong Bộ luật Dân sự thì trong Luật Thương mại nếu có nên loại bỏ, để thống nhất tính pháp lý.
Nguồn: Chinhphu.vn