Pháp luật

Đổi mới trong luật hộ tịch

Đảm bảo tốt hơn quyền và nghĩa vụ của công dân

08:48, 21/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý Nhà nước, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có vai trò quan trọng trong việc theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch. Nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Bài 1: Bước ngoặt mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hộ tịch theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Luật Hộ tịch năm 2014 giúp người dân đảm bảo quyền lợi                                  và gia tăng sự quản lý về công tác hộ tịch
Luật Hộ tịch năm 2014 giúp người dân đảm bảo quyền lợi và gia tăng sự quản lý về công tác hộ tịch

Trong những năm gần đây, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch chưa cao, còn nhiều sai sót; nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra còn hạn chế; sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch vẫn diễn ra; phương thức đăng ký còn mang tính thủ công, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra…

Qua thực tế, có không ít trường hợp một người có tới 2, thậm chí 3 giấy khai sinh. Ngoài ra, còn có hiện tượng cải chính hộ tịch để “chạy” tuổi để được nghỉ hưu muộn hơn, thậm chí có trường hợp khai tử cho người đang sống để nhận chế độ tử tuất, khai nhận di sản. Ngược lại, có một số trường hợp không khai tử cho người đã chết để tiếp tục được hưởng trợ cấp... Những tồn tại, bất cập này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật Hộ tịch năm 2014 được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo sự kết nối với các lĩnh vực liên quan, tiết kiệm chi phí cho người dân và Nhà nước.

Đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với nhiều quy định đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan, như Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Căn cước công dân; cũng như định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự trong thời gian tới. So với pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch quy định nhiều nội dung mới thể hiện sự cải cách đột phá, như: Việc cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh, quy định ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật Hộ tịch năm 2014 là việc thay đổi về thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Theo đó, thẩm quyền về hộ tịch của Sở Tư pháp trước đây sẽ được chuyển sang cho UBND cấp huyện, đồng thời có sự điều chỉnh lại phạm vi thẩm quyền về hộ tịch của UBND các cấp. Bên cạnh đó, thẩm quyền lãnh thổ về đăng ký hộ tịch cũng có sự thay đổi theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về hộ tịch, Luật mới ghi nhận: “Đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày”, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo… Cấp số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân; giảm thiểu những giấy tờ, tài liệu hành chính không cần thiết; hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, trong đó nguồn là sổ hộ tịch; quy định việc miễn phí đăng ký hộ tịch cho một số đối tượng như người thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật…”.

Hiện, việc triển khai Luật Hộ tịch đã được Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh ban hành kế hoạch để thực hiện, như: Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân tại vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống trợ giúp pháp lý tại cơ sở, hệ thống truyền thanh; thường xuyên tổ chức công tác đăng ký hộ tịch lưu động trong các khu dân cư vùng sâu, vùng xa…

Việc Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã tạo bước đột phá về thể chế của công tác hộ tịch; là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức.

Cao Loan - Đặng Duyên

Các tin khác