Pháp luật

Xử lý nghiêm tình trạng tàu cá khai thác thủy sản lấn chiếm ngư trường

14:40, 12/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình trạng tàu cá có công suất lớn hoạt động gần bờ, khai thác thủy sản mang tính hủy diệt cao đã làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, môi trường cũng như sinh kế của người dân khai thác thủy sản ven bờ và gây mất ANTT.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt song nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm, khai thác thủy sản lấn chiếm ngư trường.

Bè khai thác ngao có gắn lưỡi bừa khai thác trái tuyến bị lực lượng chức năng bắt giữ
Bè khai thác ngao có gắn lưỡi bừa khai thác trái tuyến bị lực lượng chức năng bắt giữ

Thời gian qua, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Công tác quản lý tàu thuyền, phòng chống thiên tai trên biển đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số hình thức khai thác thủy sản mới trên địa bàn như lưới kéo có gắn lưỡi bừa; sử dụng ống thổi kết hợp lưới kéo có gắn lưỡi bừa để khai thác ngao, sò, ốc; bằng lồng bẫy…

Cùng với đó, xuất hiện các tàu cá có công suất nhỏ với số lượng lớn hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, trong khi những tàu cá có công suất lớn ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, sử dụng các ngư cụ, phương pháp khai thác ven bờ, cuốn lưới, làm hỏng ngư cụ của các tàu cá có công suất nhỏ.

Hoạt động khai thác mang tính hủy diệt là nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm, ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Thậm chí, đã xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột giữa các tàu cá, gây thương tích về người và thiệt hại về tài sản. Khi lực lượng chức năng tiếp cận để răn đe, ngăn chặn, nhiều đối tượng còn tỏ thái độ chống đối, cố tình phi tang công cụ vi phạm, không chấp hành hoặc tìm cách tẩu thoát.

Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản, thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 26/3/2015 về tăng cường quản lý tàu cá khai thác thủy sản bằng nghề lưới kéo trên vùng biển thuộc địa bàn Nghệ An, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác thủy sản trái tuyến theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản. Thành lập lực lượng liên ngành đồng loạt ra quân kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá khai thác lấn chiếm ngư trường.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2015, Phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển và chính quyền địa phương kiểm tra 2.912 lượt phương tiện, trong đó, kiểm tra trên biển 780 lượt và kiểm tra tại các cửa lạch 2.132 lượt. Qua kiểm tra, phát hiện 386 lượt phương tiện vi phạm, trong đó có 285 lượt phương tiện bị nhắc nhở, 101 phương tiện vi phạm bị xử lý hành chính với số tiền 346 triệu đồng, đồng thời tịch thu 13 bộ giã điện, 100 dây lồng bát quái là tang vật vi phạm.

Vào hồi 19 giờ 21 phút ngày 29/9, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò tiến hành kiểm tra tại các vùng biển Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu.

Đến 7 giờ 30 phút ngày 30/9, phát hiện, bắt giữ 6 tàu cá của ngư dân TX Cửa Lò và huyện Diễn Châu có hành vi đánh bắt sai ngư trường.

Cụ thể, bắt giữ đôi tàu xa bờ mang số hiệu NA91666TS và NA91667TS, công suất 400CV của anh Trịnh Đức Dũng (SN 1981) và Trương Công Sơn (SN 1978) trú tại khối 6, phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò; 4 tàu cá số hiệu NA90166TS, NA3032TS, NA3124TS và NA4534TS, công suất từ 72 - 90CV do các ông Hồ Văn Minh, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Long và Trần Văn Hải đều trú tại xóm Yên Thịnh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu làm chủ tàu. Các trường hợp trên sau đó đã bị Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò xử phạt hành chính với tổng số tiền 63 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là quy định về phân vùng khai thác thủy sản đối với các loại tàu cá theo quy định tại Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ, quy định về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên vùng biển.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong khai thác thủy sản, đảm bảo nguồn lợi thủy sản được bảo vệ và phát triển bền vững.

UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo các xã, phường được giao quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ thực hiện quản lý tốt theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 9/1/2015 của UBND tỉnh, về ban hành quy định quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các tổ đồng quản lý ven biển lập kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Ông Lê Văn Lan, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết: “Bước vào mùa mưa bão sắp tới, bên cạnh tổ chức triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn, duy trì trực hoạt động đường dây nóng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản 24/24 giờ, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng như Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra đột xuất trên biển và tại các cửa lạch, xử lý nghiêm các hành vi tàu cá khai thác lấn chiếm ngư trường. Qua đó, góp phần bảo vệ tài nguyên thủy sản, lập lại trật tự an ninh tuyến biển, giúp ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Hằng Nga

Các tin khác