Pháp luật
Bất cập trong phân khai phí bảo vệ môi trường
(Congannghean.vn)-Trong quá trình khai thác khoáng sản, ngoài việc đơn vị khai thác phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước thì còn phải nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định cho địa phương. Tuy nhiên, quá trình phân khai nguồn kinh phí này tại các địa phương còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của nhiều địa phương chịu tác động.
Ông Nguyễn Thụy Chính, Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cho biết: Trù Sơn là một xã nghèo, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tính đến nay, trên địa bàn có 4 đơn vị được Nhà nước cấp phép khai thác mỏ đá xây dựng. Tuy nhiên, hiện chỉ có Công ty cổ phần vật liệu 99 là đơn vị khai thác lâu năm, còn lại là những đơn vị mới mở cửa mỏ. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vận chuyển vật liệu đi qua địa bàn khu dân cư, khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn bị hư hỏng, tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi bẩn ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc.
Vận chuyển vật liệu sau khai thác làm hư hỏng đường giao thông nông thôn và gây ô nhiễm môi trường nhưng kinh phí được cấp để khắc phục quá ít ỏi |
Mặc dù đơn vị khai thác đã thực hiện việc tưới nước để giảm bụi bẩn trên đường và hỗ trợ vật liệu cho địa phương sửa chữa đường nhưng tình trạng trên cũng chỉ được khắc phục một phần. Trong khi đó, hàng năm, các đơn vị khai thác mỏ đã nộp phí bảo vệ môi trường nhưng nguồn kinh phí này cấp về cho địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp lại chẳng đáng là bao. Xã Trù Sơn mỗi năm được phân khai 20 triệu đồng từ nguồn phí bảo vệ môi trường, trong khi các xã không chịu tác động từ việc khai thác mỏ cũng được phân khai như vậy.
Trước đây, phóng viên Báo Công an Nghệ An đã đến xã Trù Sơn một số lần để ghi nhận những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi đường và tình trạng đường xuống cấp do hoạt động vận tải vật liệu từ mỏ đá ra khỏi địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, một số đoạn đường thuộc hệ thống giao thông nông thôn của địa phương này vẫn đang bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Theo ông Nguyễn Thụy Chính, hiện địa phương còn nợ các nhà thầu sửa chữa đường gần 500 triệu đồng đã mấy năm nay nhưng chưa có trả, nay đường lại hư hỏng nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Do vậy, mỗi lần họp cử tri, người dân ở đây đều phản ứng hết sức gay gắt.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại huyện Đô Lương mà còn là thực tế chung tại nhiều địa phương khác. Tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, hiện có 4 công ty được cấp phép khai thác đá. Thời gian qua, tuyến đường Tăng Láng từ thị trấn Yên Thành vào trung tâm xã Đồng Thành ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành khẳng định: “Địa phương chưa nhận được khoản kinh phí nào để tiến hành khắc phục, sửa chữa đường. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện cấp kinh phí nhưng vẫn chưa được”.
Qua tìm hiểu được biết, những năm gần đây, mỗi năm, Công ty Cổ phần vật liệu 99 nộp phí bảo vệ môi trường cho huyện Đô Lương trên dưới 800 triệu đồng, tùy theo sản lượng vật liệu khai thác. Từ đó cho thấy, việc khai thác, vận chuyển ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và hệ thống đường giao thông nông thôn ở địa phương này.
Theo ông Nguyễn Văn Từ, Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu 99, việc phân khai phí bảo vệ môi trường như hiện nay cho các địa phương là chưa hợp lý, gây thiệt thòi cho những địa phương chịu tác động trực tiếp của hoạt động khai thác khoáng sản. Do vậy, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ở Nghệ An đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan phân định rõ mức phân khai phí bảo vệ môi trường theo từng cấp một cách rõ ràng, tránh tình trạng chung chung như hiện nay.
Quá trình khai thác khoáng sản tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Bên cạnh đó, nó cũng gây ra không ít hệ lụy kèm theo, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn trong khai thác và đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông của các địa phương sẽ chịu tác động không nhỏ. Trong khi đó, ngân sách của các địa phương hàng năm hầu hết thu chưa đủ chi nên việc khắc phục, sửa chữa hệ thống đường là rất khó khăn. Thiết nghĩ, các cấp, ngành liên quan cần có phương án phân khai phí bảo vệ môi trường theo từng cấp để các địa phương chịu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản có kinh phí khắc phục, sửa chữa.
Điều 5, Luật Khoáng sản 2010 quy định
1. Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm:
a) Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật;
b) Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại, phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật;
c) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;
d) Cùng với chính quyền địa phương đảm bảo việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.
3. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.
Đức Thắng