Pháp luật
Mại dâm online: Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo gì?
“Khi truy cập những trang web đen, nội dung không lành mạnh, người dùng đứng trước nguy cơ lây nhiễm mã độc từ các trang web này hoặc bị lừa truy cập vào các trang giả mạo dẫn đến mất tài khoản mạng xã hội, địa chỉ email, tài khoản giao dịch ngân hàng trực tuyến, thậm chí có thể bị lừa đảo gây tổn hại đến sức khỏe, tiền bạc”.
Đó là cảnh báo của ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Phụ trách An ninh mạng của Bkav trước tình trạng ngày càng nhiều người tìm kiếm “sự vui vẻ” từ những trang web môi giới mại dâm trên internet.
Chỉ cần click chuột, nhiều người có thể tìm được trên mạng thông tin từ gái mại dâm từ bình dân cho đến cao cấp. Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Tiền mất tật mang
Thực tế đang cho thấy, hoạt động mại dâm thời gian trở lại đây đang có những biến tướng khôn lường. Không đứng đường mời chào dân chơi, không “cò kè” trong giao dịch, hoạt động mại dâm thời internet đang sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để né lực lượng chức năng và dịch vụ “gái pass” là một điển hình.
Đây là cách gọi của nhiều dân chơi về loại giao dịch mại dâm thông qua điện thoại, mạng internet và “pass” - mã số liên hệ. Phụ nữ mại dâm hoạt động trong lĩnh vực này đều có một “pass” nhất định được ký hiệu bởi các dãy số tự nhiên hoặc câu nói mặc định ví như: “Em ở số nhà… à”, “Anh là bạn anh…”. “Pass” là một trong những chiêu thức mới của các đầu nậu né sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo đó, nếu khách có nhu cầu mà không nói đúng “pass" thì người bán dâm sẽ không “giao dịch”.
Đáng bàn, tại một số trang web, diễn đàn, các đầu nậu còn tung ra chiêu thức kiếm tiền bằng cách yêu cầu dân chơi sau khi truy cập vào trang mạng, xem hình “gái pass”, nếu muốn biết số điện thoại để liên lạc thì phải đăng ký thành viên và chịu phí từ 5.000 - 10.000 đồng.
Bên cạnh những trang mạng môi giới mại dâm, mạng xã hội Facebook, Zalo cũng đã trở thành một công cụ để người bán dâm tiếp thị cho bản thân mình. Các cô gái mại dâm công khai giá tiền, số điện thoại, pass mật khẩu và những hình ảnh “mát mẻ” để tiếp thị. Với các ứng dụng này, các cô gái không phải thông qua các đối tượng môi giới, không bị chia “hoa hồng”. Loại hình này cũng đang nở rộ vì sự đơn giản khi đăng tin và việc quản lý các ứng dụng đang rất lỏng lẻo.
Với những tiện ích từ mạng xã hội như vậy nên chỉ cần ngồi một chỗ, click chuột, nhiều người có thể tìm được trên mạng thông tin từ gái mại dâm từ bình dân cho đến cao cấp. Tuy nhiên, không ít dân chơi đã nhận “trái đắng” từ những dịch vụ này. Nhẹ thì “tráo hàng”, nặng thì lừa đảo chat khiêu dâm rồi dọa dẫm tung phần chat sex của khách lên mạng để tống tiền. Cũng có trường hợp khách bị dàn cảnh “cướp nóng” trên giường, khi khách còn chưa kịp mặc quần áo, đã có đối tượng lao vào phòng, nhận mình là chồng (người yêu) của gái bán dâm để “đòi bồi thường”.
Cảnh báo từ an ninh mạng
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Internet nói chung và Facebook nói riêng phát triển nhanh chóng đã tạo nên một mạng xã hội ảo, với số lượng người tham gia lớn và không ngừng tăng. Bên cạnh các lợi ích mang lại như giúp trao đổi thông tin nhanh chóng, kết nối bạn bè, các trang mạng xã hội cũng có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu.
Cùng với đó, sự phát triển rộng rãi của dịch vụ Internet, thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, smartphone… đã khiến việc truy cập mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó, những kẻ có mục đích xấu đã lợi dụng mạng xã hội, tạo các trang web đen, diễn đàn sex… để phát tán những thông tin không lành mạnh.
Ngoài ra, việc tạo một trang trên mạng xã hội, thậm chí cả website riêng rất đơn giản cũng là nguyên nhân khiến cho số lượng các trang web đen xuất hiện tràn lan.
Ông Ngô Tuấn Anh cho biết, việc tìm ra những kẻ đứng sau các trang web nói trên không dễ . Các website trung gian cho các dịch vụ mại dâm để tránh sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng thường đăng ký tên miền quốc tế và thuê nơi lưu trữ website tại nước ngoài. Việc này có thể gây khó khăn nhất định trong việc điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Anh tin rằng, với biện pháp xử lý mạnh mẽ của cơ quan chức năng, sẽ tạo ra những vụ việc điển hình để răn đe các đối tượng có ý định lợi dụng mạng xã hội phát tán những trang web đen, không lành mạnh.
Đối với với những người dùng mạng xã hội nói chung và người có “ý định” truy cập vào những trang web đen nói riêng, ông Ngô Tuấn Anh cảnh báo: “Khi truy cập những trang web đen, nội dung không lành mạnh, người dùng đứng trước nguy cơ lây nhiễm mã độc từ các trang web này hoặc bị lừa truy cập vào các trang giả mạo dẫn đến mất tài khoản mạng xã hội, địa chỉ email, tài khoản giao dịch ngân hàng trực tuyến… thậm chí có thể bị lừa đảo gây tổn hại đến sức khỏe, tiền bạc.
Để phòng tránh nguy cơ mất mát dữ liệu, lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, người dùng các mạng xã hội cần cẩn trọng khi bấm vào các đường link trên Internet, tuyệt đối không nên truy cập các trang web đen, nội dung không lành mạnh. Ngoài ra, người dùng nên trang bị cho máy tính, smartphone của mình phần mềm diệt virus để được bảo vệ toàn diện”.
Nguồn: Chinhphu.vn