Diễn đàn pháp luật
Băn khoăn việc nâng độ tuổi quy định trẻ em
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật bảo vệ giáo dục và chăm sóc trẻ em sáng 23/11, nhiều đại biểu còn băn khoăn về việc dự thảo Luật quy định nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Bình Thuận phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Đồng tình với việc nâng độ tuổi của trẻ em từ dưới 16 tuổi lên đến dưới 18 tuổi như dự thảo Luật đã thể hiện, đại biểu Nguyễn Thị Phúc- Bình Thuận phân tích sự điều chỉnh này là phù hợp với các lý do sau:
Thứ nhất, luật hiện hành quy định trẻ em: Là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Trong khi đó, trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em là dưới 18 tuổi. Theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong tổng số các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Chỉ có 12,1% các quốc gia quy định trẻ em dưới 16 tuổi trong đó có Việt Nam. Như vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi như dự thảo Luật đã thể hiện là phù hợp với Công ước quốc tế, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2103 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về xác định tuổi của người chưa thành niên.
Thứ hai, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, về trí tuệ, tinh thần và tâm lý. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Việc nâng độ tuổi cũng phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông là bậc học giúp các em hoàn thiện về nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để trẻ em sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.
Thống nhất với việc Dự thảo nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi, đại biểu Lưu Thị Huyền- Ninh Bình cho rằng, việc nâng độ tuổi như vậy phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em với hội nhập quốc tế mà Việt Nam tham gia từ năm 1990.
Đại biểu cũng phân tích, về khoa học người từ 16 đến dưới 18 là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, sức khỏe, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, đặc biệt về nhận thức xã hội và ý thức của bản thân. Mặt khác, việc nâng độ tuổi như vậy thì đối tượng hưởng lợi chính là trẻ em do các chính sách ưu đãi dành cho trẻ em chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.
Đại biểu đánh giá, việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền, các chính sách đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là trọng tâm của tiến bộ xã hội. Nếu tăng độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi thì dân số trẻ em là 30,3 triệu, chiếm 34%. Việc tăng tỷ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục trợ giúp xã hội hiện nay.
Đại biểu Lưu Thị Huyền- Ninh Bình phát biểu tại Hội trường
Không đồng tình với việc nâng tuổi quy định trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định phân tích: Chúng ta đã có các luật quy định quyền của nhóm tuổi cho đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được ưu tiên hơn người thành niên như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật lao động, Luật hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là Luật thanh niên. Ngoài 8 quyền quy định đối với thanh niên, luật có một chương riêng quy định trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, như được bảo đảm hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, tạo điều kiện học nghề, lựa chọn việc làm, các hoạt động ngoại khóa phù hợp với khả năng và độ tuổi, không bị xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động, được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, hiểu biết về tình bạn, tình yêu, kỹ năng phòng, chống các tệ nạn xã hội.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu tuổi trẻ em được tăng lên 18 thì số trẻ em tăng từ dưới 27 triệu lên 30 triệu. Với số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác trẻ em chưa đầy 2500 người như hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành riêng cho từng trẻ, dẫn đến công tác trẻ em sẽ hạn chế. Bên cạnh việc nâng tuổi trẻ em, chúng ta phải rà soát lại một số luật đã và chuẩn bị thông qua để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ví dụ, Bộ luật hình sự có cần phải xem lại quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội hay không. Luật hôn nhân và gia đình có cần quy định lại tuổi kết hôn hay không. Nhiều nước quy định tuổi kết hôn đủ 18, cũng là vừa hết tuổi trẻ em.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị không tăng độ tuổi trẻ em mà giữ như quy định trước đây, đó là trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh-Bình Định phát biểu tại Hội trường
Cũng không đồng tình với việc dự thảo Luật nâng độ tuổi quy định trẻ em lên dưới 18 tuổi, đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Bắc Kạn cho rằng, việc luật hiện hành quy định độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi so với Công ước quốc tế là không trái. Vì theo Điều 1 Công ước quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Do đó, quy định này hoàn toàn mở, không bó buộc.
Hơn nữa, quy định đổ tuổi trẻ em ở các văn bản pháp luật hiện hành đều có độ vênh, quy định độ tuổi khác nhau dẫn tới việc hiểu khái niệm trẻ em rất khó. Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 cũng không quy định độ tuổi của trẻ em mà chỉ quy định quyền của trẻ em là trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em, nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Bộ luật lao động quy định người từ đủ 15 tuổi trở lên được ký kết hợp đồng lao động, Luật thanh niên quy định thanh niên là công dân từ đủ 16 đến 30 tuổi thì khi nào gọi là thanh niên và khi nào gọi là trẻ em nếu người đó từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Luật hôn nhân và gia đình đã hạ độ tuổi phải hỏi ý kiến trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên thay vì luật cũ là từ đủ 9 tuổi trở lên, tuổi kết hôn của nữ là 18 tuổi nếu trẻ em là người dưới 18 tuổi thì chưa phù hợp với trẻ em gái do vừa hết quyền trẻ em đã phải làm người lớn, làm vợ, làm mẹ.
Mặt khác, những người phạm tội hiếp dâm, giao cấu, cưỡng dâm với đối tượng là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi lại không coi là hiếp dâm trẻ em. Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định cụ thể các tội danh mà người chưa thành niên là từ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, đối tượng phạm tội ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng, việc tăng độ tuổi cho trẻ em lên dưới 18 là không nên, nếu đưa người ở độ tuổi từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi vào nhóm trẻ em thì các em sẽ được ưu đãi nhiều hơn của pháp luật, việc xử phạt theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ không có tính răn đe đối với loại tội phạm ở lứa tuổi này .
Từ đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành nếu còn nhiều ý kiến khác nhau thì đề nghị Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội