An toàn giao thông
Phụ huynh vẫn lơ là việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe gắn máy đến trường
(Congannghean.vn)-Từ năm 2015, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH), cài quai đúng cách. Thế nhưng, đến nay trên địa bàn TP Vinh, nhiều phụ huynh vẫn không nghiêm túc chấp hành quy định nói trên. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ khi được bố mẹ, người thân chở bằng xe gắn máy tham gia giao thông.
Nhiều trẻ em được bố mẹ đưa đến trường bằng xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm (Ảnh chụp trước cổng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, TP Vinh) |
Số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH cho người đi môtô, xe máy, tỉ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành chấp hành đội MBH khi tham gia giao thông đã đạt hơn 90%. Từ tháng 4/2015, nhằm tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho trẻ em, quyết định xử phạt người lớn lưu thông chở theo trẻ em nhưng không đội MBH cũng đã có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, thông điệp “Đội mũ cho con - trọn tình cha mẹ” đã không được nhiều người hưởng ứng, khi thống kê mới đây nhất cho thấy, tỉ lệ đội MBH cho trẻ em rất thấp, chỉ ở mức 20 đến 30%.
Tại TP Vinh, việc chấp hành đội MBH, cài quai đúng quy cách cho trẻ em khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông hiện vẫn chưa được nhiều phụ huynh quan tâm, coi trọng.
Vào thời điểm sáng sớm trước giờ vào học và cuối buổi chiều tan học, khi chúng tôi có mặt tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh như: Trường Tiểu học Hà Huy Tập; Trường Tiểu học Hưng Bình; Trường Tiểu học Lê Lợi; Trường Tiểu học Lê Mao..., bắt gặp rất nhiều trẻ em được bố mẹ, người thân chở đến trường hoặc đón về bằng xe gắn máy nhưng không đội MBH theo quy định. Thậm chí có trường hợp phụ huynh chở cùng lúc 3 - 4 cháu trên một xe gắn máy, đầu trần phóng vù vù trên đường.
Bên cạnh đó, cũng có một số phụ huynh tuy đội MBH cho trẻ nhưng theo cách đối phó, nửa vời, đó là đội MBH không cài quai, mua mũ không phù hợp với độ tuổi và kích cỡ đầu của trẻ... Do vậy, nếu có va chạm giao thông, chắc chắn các trường hợp này trẻ sẽ bị chấn thương vùng đầu.
Khi được hỏi lý do vì sao không chấp hành việc đội MBH cho con trẻ, các phụ huynh hoặc là lảng tránh, hoặc đưa ra vô vàn lý do để biện minh cho hành vi chưa đúng của mình. Chị Nguyễn Hà Phương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 phân trần: “Từ nhà đến trường chỉ tầm 1 km, với lại chỉ đi đường ngõ nên tôi không đội MBH cho bé vì thấy cồng kềnh, bất tiện...”. Chị Thúy An có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Lợi thì phân bua: “Sáng mẹ đưa con đi học có cho con đội MBH, nhưng con đến trường không tiện mang vào lớp, nên tôi bỏ mũ con vào cốp xe. Chiều bố đi đón thì lại không có vì đi xe khác. Mấy tuần đầu còn đội MBH cho con lúc đi nhưng thấy bất tiện quá nên thôi, cho bé đội mũ phớt, đến trường thì bé bỏ vào cặp”.
Được biết, những năm gần đây, vào thời điểm đầu năm học mới, ngành Giáo dục TP Vinh, Công an thành phố, Ban ATGT tỉnh và các ngành chức năng liên quan đều tổ chức chiến dịch tuyên truyền về quy định đội MBH bắt buộc cho trẻ em khi tham gia giao thông. Cùng với đó, tại các trường học, thông qua các buổi họp phụ huynh, nhà trường đều quán triệt, tổ chức cho phụ huynh ký cam kết chấp hành việc đội MBH, cài quai đúng quy cách khi đưa trẻ đến trường. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều phụ huynh đã chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, coi trọng việc đội MBH cho trẻ khi ngồi trên xe gắn máy thì hiện vẫn có không ít phụ huynh còn lơ là, chưa chú trọng vấn đề này.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông ở nước ta nói chung, trên địa bàn Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương hàng năm vẫn còn đang khá cao. Qua nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) cho thấy, đa phần các vụ tai nạn xảy ra đều do người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu. Điều này xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người chưa cao, coi thường tính mạng bản thân, cộng đồng.
Do đó, để giảm thiểu tình trạng TNGT, cần thiết phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho mọi người và việc này cần được giáo dục thường xuyên, liên tục đối với đối tượng là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nhất là trẻ em. Qua đó, để dần hình thành văn hóa giao thông một cách có hệ thống, xuất phát từ ý thức giáo dục của các gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội. Phụ huynh, người thân phải thực sự là những tuyên truyền viên tích cực, là tấm gương để con trẻ noi theo, hình thành ý thức đội MBH khi ra đường là để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho mỗi cá nhân.
Khi tham gia giao thông có rất nhiều tình huống bất ngờ mà người điểu khiển phương tiện không thể lường trước. Nếu chúng ta không nghiêm túc đội MBH cho trẻ và biến nó trở thành thói quen thì chính chúng ta đã đẩy con em mình vào những tình huống nguy hiểm. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với trẻ em mà nguyên nhân do các em không đội MBH. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, MBH có thể giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% nguy cơ chấn thương khi bị va chạm giao thông trên đường. Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được sức khỏe, tính mạng của con em mình bằng việc nghiêm túc chấp hành cho trẻ đội MBH đúng cách và đảm bảo chất lượng.
Hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức tự giác, coi việc đội MBH cho con em mình là một hành động thể hiện sự quan tâm. Phụ huynh cần gương mẫu, chủ động bảo vệ con em mình, vì các em nhỏ còn chưa đủ khả năng tự nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của MBH đối với sự an toàn của các em.
Thống kê từ Bộ Y tế cũng cho biết, mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ em chết vì TNGT, chiếm 24 đến 26% số trẻ em chết do tai nạn, thương tích. Trong đó, gần 50% các trường hợp nạn nhân TNGT bị chấn thương sọ não do không đội MBH, tỉ lệ trẻ dưới 14 tuổi chiếm 13,4% số ca chấn thương sọ não do TNGT.
|
Diệu Linh