An toàn giao thông
Đề xuất mất bằng lái phải thi lại: Quản lý yếu kém, đẩy khó cho dân
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Thanh: Không công bằng
Đề xuất mất bằng phải thi lại của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thể hiện sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước.
Ở đây có sự giấu giếm thông tin với nhau. Thông tin người vi phạm bị giữ bằng lái chậm được công khai với Tổng cục Đường bộ nên cơ quan này khó xác định người dân mất thật hay giả.
Người dân mất bằng lái xe thật nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại bắt phải thi lại chỉ vì đối phó với trường hợp báo mất giả để được cấp thêm, đây là bất hợp lý, không công bằng.
Ông Nguyễn Văn Thanh |
Cơ quan quản lý nhà nước phải có giải pháp để phân biệt giữa mất bằng thật với mất giả để xin cấp thêm. Không nên đưa ra giải pháp mập mờ để đánh đồng như vậy.
Cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể phân biệt trường hợp mất bằng thật hay bị lực lượng chức năng tạm giữ rồi kêu mất giả để làm bằng mới nếu cơ quan công an và Tổng cục Đường bộ phối hợp với nhau chặt chẽ.
Nếu bị cơ quan công an giữ bằng lái thì cơ quan này phải thông tin về cho Tổng cục Đường bộ VN, Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm thông tin cho tất cả các trung tâm sát hạch lái xe để có dữ liêụ không cấp lại cho những trường hợp này. Như vậy sẽ loại bỏ được việc cấp lại cho các trường hợp vi phạm luật giao thông có thêm bằng lái.
Chủ tịch Hiệp hội an toàn giao thông Nguyễn Văn Quyền:Theo quy định, mất thật thì phải cấp lại cho dân
Trước kia quy định ở mức nhẹ, mất bằng lái phải chờ 3 tháng, sau đó là 1 tháng để các cơ quan chức năng xác minh rồi mới cấp mới.
Thế nhưng sau đó theo yêu cầu về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân những quy định này đã bị bãi bỏ và khi mất bằng lái, người dân có nhu cầu cấp lại thì cơ quan quản lý phải cấp lại ngay.
Việc mất bằng lái bắt buộc phải thi lại là không phù hợp. Đã mất thật thì phải cấp lại cho dân theo quy định, còn việc xác minh mất thật hay bị lực lượng chức năng thu giữ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Không thể vì sự phối hợp không đồng bộ, không kịp thời còn khiếm khuyết của cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra quy định làm khó cho dân.
Việc cấp lại bằng lái (giấy phép lái xe) cũng như giấy khai sinh, CMND đã có trong quy định.
Bộ trưởng GTVT phát biểu có thể do tai nạn giao thông thời gian vừa qua có diễn biến phức tạp liên quan nhiều đến lái xe.
Việc cấp lại bằng lái là trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý phải xem xét cấp lại cho đúng đối tượng.
Cần có dữ liệu để xác định người báo mất có bị cơ quan chức năng giữ bằng do vi phạm luật giao thông hay không |
Đối với những trường hợp bị mất thật do đánh rơi hoặc mất cắp... thì cần xem xét theo các quy định để cấp lại cho họ, tạo điều kiện thuận lợi cho dân trong thủ tục cấp lại bằng mới.
Còn đối với trường hợp vị phạm luật lệ giao thông, bị tạm giữ bằng, đối tượng này tương đối thuần thục về luật lệ nhưng không chấp hành nên tìm cách báo mất để được cấp bằng mới.
Những trường hợp này cơ quan chức năng phải tra cứu để xác nhận, nếu đúng bị tạm giữ bằng thì không cấp mới, muốn cấp mới thì bắt buộc họ phải học thi lại để tuân thủ chấp hành luật giao thông cũng như tăng cường tính răn đe.
Tôi chỉ đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng GTVT phải thi lại lấy bằng nếu lái xe vi phạm bị giữ bằng nhưng báo mất để cấp mới.
Thông tư số 12 của Bộ trưởng GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định "người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe". Với trường hợp người bị mất giấy phép lái xe, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, thông tư 12 quy định phải dự sát hạch lại sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Theo đó, giấy phép lái xe quá hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết; quá hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành |
Nguồn: Vietnamnet