(Congannghean.vn)-Sau 3 năm triển khai, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An phối hợp thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan. Các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT của học sinh đã giảm, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cũng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu không được các ban, ngành và phụ huynh phối hợp thực hiện thường xuyên và kịp thời thì mục đích ban đầu của mô hình này sẽ bị hạn chế, chưa phát huy được tính xung kích của tuổi trẻ.
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” do Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn phát động đã được Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An triển khai từ đầu năm học 2012 - 2013. Theo đó, các nội dung được tập trung thực hiện chủ yếu là: Tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, tổ chức đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT, vận động các em không điều khiển môtô, xe máy khi chưa đủ độ tuổi quy định...
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, 100% các trường tiểu học, THCS và THPT đã thực hiện gắn biển “Cổng trường an toàn giao thông”. Sự tham gia của hơn 1.000 ngôi trường ở các cấp đã cho thấy sức lan tỏa cũng như hiệu quả mà mô hình này mang lại. Hàng trăm lượt tuyên truyền đã được các cấp, ban, ngành phối hợp thực hiện; các buổi nói chuyện chuyên đề, ký cam kết được tổ chức trên toàn ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, một trong các tiêu chí của mô hình này đã gặp khó khăn khi thực hiện, đó là việc giải quyết nạn ùn tắc xung quanh khu vực trường học vào giờ cao điểm.
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được thực hiện rộng rãi ở tất cả các trường học |
So với các trường khác, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (TP Vinh) có điểm riêng biệt. Trong khuôn viên nhà trường, có tới 3 hệ thống cấp học: Tiểu học, THCS và THPT, bên cạnh là Trường Mầm non Hermann Gmeiner. Lượng học sinh và phụ huynh tập trung nhiều trước cổng trường vào giờ cao điểm đã khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn. Xác định được điều đó, trước khi Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT Nghệ An có kế hoạch về mô hình này, Đoàn trường đã chủ động thành lập Đội Thanh niên tình nguyện để hướng dẫn học sinh và phụ huynh tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
Thầy Phan Xuân Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner cho biết, việc triển khai mô hình đã gặp phải một số khó khăn. Do chất lượng cuộc sống được cải thiện nên hiện nay, nhiều bậc phụ huynh sử dụng xe ôtô để đưa đón con, tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức dừng, đỗ xe cách cổng trường 25 m theo quy định. Mặc dù trước trường đã có 3 tấm biển cấm đỗ xe nhưng nhiều phụ huynh không để ý hoặc cố tình phớt lờ. Bắt gặp các hành vi vi phạm, Đội Tình nguyện của trường đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cũng chỉ được vài hôm, sau thì đâu lại vào đấy, cá biệt có phụ huynh còn phản ứng lại.
Bên cạnh đó, do khuôn viên nhà trường hẹp (mục đích ban đầu là để xe đạp), nay các em lại chuyển sang đi xe đạp điện nên không đủ diện tích. Vì vậy, nhiều học sinh phải gửi xe bên ngoài trường. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến việc điều tiết giao thông trước cổng trường, nhất là vào giờ tan trường.
Đảm bảo ATGT là trách nhiệm chung của chính học sinh và các bậc phụ huynh, chứ không chỉ dừng lại ở nhà trường và các cấp, ban, ngành. Thiết nghĩ, nếu không có sự chung tay từ nhiều phía thì các cơ quan chức năng cũng không thể “đủ sức” để giải quyết vấn đề trên. Lúc đó, “Cổng trường an toàn giao thông” cũng chỉ là một tấm biển gắn trước cổng trường.
.